Kinh doanh rượu, bia trên sàn TMĐT: Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật

(PLVN) -  Từ chỗ bị cấm, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 cho phép kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật.
Đông đảo doanh nghiệp kinh doanh ngành đồ uống đã tham gia tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử.

Nhiều quy định phải tuân thủ

Tại “Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử (TMĐT)” vừa diễn ra, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, tại Việt Nam, kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước ta đã ban hành các quy định pháp luật để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu từ năm 1998.

Đối với hoạt động bán rượu qua mạng internet, theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu, bán rượu qua mạng internet được quy định là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Nhưng đến khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/1997 được ban hành thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP, chỉ hành vi bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet mới là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.

Kể từ ngày 1/1/2020 – thời điểm Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực, hoạt động bán rượu, bia theo hình thức TMĐT được quy định quản lý theo điều kiện. Đồng thời, quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP bị bãi bỏ bởi khoản 2 Điều 17 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

“Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với DN và thương nhân kinh doanh ngành đồ uống có cồn, bởi các quy định trên giúp mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi DN phải chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật”- PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh.

Dưới góc độ tuân thủ pháp luật, ông Nguyễn Anh Sơn lưu ý, quy định về bán rượu, bia theo hình thức TMĐT phải tuân thủ rất nhiều nhiều quy định: Điều kiện bán rượu, bia theo hình thức TMĐT theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 16); quy định về TMĐT (Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP); Quy định để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia (Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-C quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia); Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).

Còn nhiều lúng túng

Theo số liệu tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn), Bộ Công Thương đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo, đăng ký website/ ứng dụng TMĐT có bán rượu và đã duyệt 40 hồ sơ đáp ứng điều kiện bán rượu, bia theo hình thức TMĐT.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương Nguyễn Anh Sơn cho rằng, hiện các quy định về quản lý kinh doanh rượu và TMĐT cơ bản đã có, tuy nhiên trong triển khai vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên việc quản lý người mua rượu trên Sàn giao dịch TMĐT đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu.

Về trách nhiệm của bên bán và bên trung gian (vận chuyển), hiện nhiều sàn giao dịch TMĐT vẫn chưa quy định trách nhiệm của người bán phải bảo đảm, kiểm tra độ tuổi của người nhận hàng trong trường hợp theo quy định tại Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên khi giao hàng”.

Trường hợp người bán trên sàn không trực tiếp giao hàng mà thông qua bên vận chuyển thì cần có quy định trách nhiệm rõ ràng của bên vận chuyển (bên thứ ba) trong việc xác định đối tượng nhận hàng có đủ 18 tuổi hay không.

Theo khoản 4 Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức TMĐT bao gồm: “Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”. Tuy nhiên, với cơ chế thông qua bên vận chuyển để giao hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không áp dụng được triệt để, không đảm bảo xác định được người mua có đủ 18 tuổi hay không.

Khó khăn nữa là một số người bán trên sàn lợi dụng việc biểu thị thông tin hàng hóa để nhằm mục đích xúc tiến, quảng cáo, quảng bá sản phẩm rượu trên sàn. Như vậy, việc biểu thị thông tin hàng hóa sản phẩm với quảng cáo sản phẩm còn đang chưa rõ ràng đối với sản phẩm rượu khi được bán trên sàn.

Cùng với đó là tình trạng các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn TMĐT. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý Nhà nước. “Để khắc phục tình trạng này cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan (quảng cáo, bưu chính,…) để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua TMĐT” - Đại diện Bộ Công Thương đề nghị.

Cần tránh các rủi ro pháp lý do vi phạm khi kinh doanh trực tuyến

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) lưu ý: Thương nhân cần có giấy phép khi kinh doanh rượu bia; Tuân thủ quy định của pháp luật, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đặc biệt với sản phẩm rượu; Thực hiện cam kết cộng đồng, hưởng ứng chương trình truyền thông “Uống có trách nhiệm”

Đại diện VECOM cũng khuyến cáo thương nhân tránh các rủi ro pháp lý do vi phạm khi kinh doanh trực tuyến. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan; Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.

Đồng thời đề xuất, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể để cho các thương nhân có thể đăng ký bán rượu online và tuân thủ quy định pháp luật một cách đầy đủ nhất.

Đọc thêm