Một chàng trai luôn hết mình với đam mê
Bén duyên với nghề và quyết định khởi nghiệp từ những năm còn ngồi trên giảng đường, Dương Minh Tiến khi ấy dù gặp biết bao khó khăn, thử thách vẫn kiên trì với đam mê mà chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Với tinh thần đó cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, giờ đây khi đã trở thành một nhà thiết kế rập có tiếng tại Hà Nội, Minh Tiến vẫn giữ được ngọn lửa đam mê ngày nào: vẫn là một chàng trai gắn bó với nghề, ngày ngày cặm cụi với những bản thiết kế trên bàn may.
Trải qua nhiều thăng trầm trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, điều tâm đắc khi làm nghề với Minh Tiến chính là việc có đến hàng trăm mẫu thiết kế rập, hàng nghìn sản phẩm được tung ra thị trường và tới tay người dùng hằng năm. Tất cả đều là thành quả lao động của Minh Tiến và đội ngũ của mình, từ đó góp phần mang lại thành công cho các doanh nghiệp.
Đối với một sản phẩm ra đời, Minh Tiến đều tâm niệm rằng mọi khó khăn, vất vả của những người thợ đều xin được lùi về sau “sân khấu” để nhường lại sự hào nhoáng, chỉn chu, bóng bẩy cho khách hàng thân yêu. Có lẽ cũng vì vậy mà cho đến nay, dù chưa bao giờ được quảng cáo nhưng cơ sở sản xuất của Minh Tiến vẫn luôn đông khách và đủ việc làm cho nhân viên bởi khách hàng ở đây thường truyền tai nhau và giới thiệu cho những ai có nhu cầu.
Quan điểm sống và làm nghề của Minh Tiến chính là sự chân thành. Vì vậy, không chỉ với khách hàng mà với những nhân viên của mình, Minh Tiến luôn dành cho họ sự trân quý và biết ơn vì luôn đồng hành cùng anh trong công việc.
Xuất phát đơn thuần từ việc theo đuổi đam mê của bản thân, Minh Tiến chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình lại có thể tạo ra việc làm cho nhiều người như vậy. Hơn nữa phần lớn trong số họ đều là trụ cột gánh vác kinh tế cho cả một gia đình. Đây không chỉ là niềm tự hào to lớn của Minh Tiến mà còn là nguồn động lực để anh tiếp tục thực hiện những điều lớn lao hơn trong tương lai.
Minh Tiến tâm sự: “Nhiều người nói rằng, kinh doanh như Tiến thì chẳng bao giờ giàu được, chắc là chỉ làm vì đam mê. Điều đó có phần đúng, bởi trong quá trình làm việc, mình luôn tìm tòi những thứ tốt nhất cho khách hàng, đôi khi việc ấy khiến mình tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Ví dụ như một bộ váy nếu xử lý đơn thuần như bao nơi khác, mình cảm thấy nó bị tầm thường, không mang lại cảm giác cao cấp cho nhãn hàng và người sử dụng. Do đó mình bỏ thời gian tìm hiểu và đưa vào nhiều kỹ thuật, phụ liệu cao cấp, khiến cho sản phẩm có sự khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm cùng phân khúc. Những việc này đôi khi không cần khách hàng phải biết và ghi nhận, điều quan trọng với mình là đã tạo ra thêm một thứ đẹp đẽ, chất lượng cho đời sống.”
Một người trẻ mang trong mình đầy trăn trở và hoài bão
Điều khiến Minh Tiến trăn trở nhất khi làm nghề có lẽ là về thế hệ kế cận. Anh chia sẻ: “Mình luôn đặt câu hỏi về việc làm sao để ngành thời trang của Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, phát triển hơn. Câu trả lời duy nhất là cần tìm kiếm và đào tạo được thế hệ làm nghề một cách chất lượng, đó chính là đội ngũ nhân sự tiềm năng cho tương lai.
Phải thừa nhận rằng thế hệ trẻ ngày nay rất thông minh và giàu kiến thức, có điều kiện để tiếp cận nhiều công nghệ, kỹ năng. Nhưng nếu thiếu những người đi trước dẫn dắt, chỉ bảo con đường sự nghiệp, thì các bạn dễ mông lung, lạc lõng, thiếu thực tế, từ đó khó phát triển giá trị bản thân.”
Xuất phát từ suy nghĩ ấy, Minh Tiến bắt đầu mở các lớp dạy cắt may cho những bạn trẻ yêu nghề. Minh Tiến nhận thấy chuyện phải giữ bí quyết, giữ những ngón nghề trong kinh doanh là một điều tất yếu, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay.
Nhưng có câu “cho đi là còn mãi”, Minh Tiến hiểu được rằng kiến thức hay kinh nghiệm suy cho cùng cũng là một loại vật chất mà con người có được qua lao động, nếu không được truyền lại thì một ngày nào đó cũng sẽ chôn vùi cùng thân xác. Vì vậy, lan toả kiến thức và truyền cảm hứng cho thế hệ sau là một niềm vui, niềm vinh dự và đồng thời cũng là trách nhiệm của người đi trước.
Bên cạnh việc mở các lớp dạy cắt may, hiện Minh Tiến sắp sửa cho ra mắt thương hiệu thời trang của chính mình mang tên Déjà vu, một thương hiệu đúng nghĩa local brand - thương hiệu thời trang nội địa.
Các sản phẩm của local brand được lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất và phân phối bởi chính họ chứ không phải là một doanh nghiệp nhập hoặc phân phối cho một bên khác, hay chỉ thực hiện đến khâu thiết kế rồi mang đi gia công bởi một bên thứ hai.
Đáng chú ý, bộ sưu tập (BST) đầu tiên của thương hiệu này có tên gọi Món quà của Thượng đế được tạo nên nhằm tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của người phụ nữ trong đời sống. Họ mãi mãi như những món quà thú vị, đầy màu sắc, lung linh và đẹp đẽ mà Thượng đế đã ưu ái, cẩn thận thắt nơ rồi gửi xuống thế gian. BST được mô tả một cách vui tươi, lộng lẫy và gợi cảm, hứa hẹn sẽ mang đến những nét riêng và bất ngờ dành cho phái đẹp.
Nhà thiết kế Dương Minh Tiến (SN 1986, quê ở Thái Nguyên) từng học chuyên ngành Kiến Trúc của Đại học Đông Đô, xong vì yêu thích ngành thời trang nên đã rẽ ngang, đi học về cắt may trong một thời gian ngắn. Sau đó tự tìm tòi học hỏi trong suốt những năm tháng làm nghề sau này.
Thiết kế rập là thuật ngữ chuyên dùng trong ngành thiết kế thời trang, đặc biệt rất được các nhà thiết kế thường xuyên sử dụng. Bên cạnh các mẫu rập được đặt theo thiết kế riêng thì đa phần các mẫu sản phẩm thời trang sau khi được các nhà thiết kế và các chuyên viên rập tạo ra thì đều được nhân bản thành nhiều sản phẩm trong các bộ sưu tập khác nữa, đa dạng cả về size, màu sắc cũng như chất liệu. Có thể hiểu đơn giản là một mẫu sản phẩm gốc được tạo ra để làm chuẩn rồi thực hiện sản xuất hàng loạt. Đây là hoạt động rất quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp, dây chuyền của ngành thời trang, may mặc ngày nay.