Gia tăng vi phạm
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra trên 2.876 lượt, xử lý 670 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18 tỷ đồng; tịch thu 32 cột đo xăng dầu, 17 bộ chi tiết đo, 37 chứng chỉ kiểm định phương tiện đo. Ngoài ra, còn tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 9 cửa hàng….
Theo nhận định của Tổng cục QLTT, thời gian qua tình hình thực hiện các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa đã đi vào nền nếp, ý thức chấp hành pháp luật và các công ty kinh doanh xăng dầu ngày càng nâng cao, giảm đáng kể các vi phạm về các điều kiện kinh doanh, mua bán ngoài hệ thống phân phối ...
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán xăng dầu kém chất lượng xảy ra ở một vài địa phương với số lượng gia tăng. Tình trạng một vài nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo của chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu để bơm chồng số, tự ý điều chỉnh giá… nhằm thu lợi bất chính cho cá nhân, gây bất bình cho người tiêu dùng. Cá biệt, có trường hợp còn có biểu hiện cố ý gian lận về đo lường.
Đặc biệt, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước nói chung và trên các vùng biển Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ, đối tượng, số lượng xăng dầu và số tiền buôn lậu và vi phạm gia tăng. Đối tượng tham gia đa dạng, đa thành phần, trong đó có người Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.
Trong thị trường nội địa, nổi lên là các vi phạm về chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, mới nhất là vụ vài triệu lít xăng dầu giả vừa được triệt phá ở Đắk Nông. Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 được pha chế với chất dung môi bột tạo màu.
Đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, các đối tượng này đã lợi dụng việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống để tiến hành việc pha trộn xăng sinh học E5RON 92 vào xăng không chì RON 95 với một tỷ lệ nhất định bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá.
Khó kiểm soát vì nhiều nguyên nhân?
Thực tế tình hình buôn lậu mặt hàng này cho thấy, các đối tượng đã móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín, mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn (giao nhận hàng, sang mạn, chuyển tải, lưu kho, thanh toán tiền...) độc lập, không biết nhau, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu ở trên đất liền và nước ngoài.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan khó có thể khắc phục như điều kiện địa hình tuyến biên giới biển rất dài, nhu cầu mua dầu ngay trên biển của tàu cá Việt Nam lớn nên việc bán dầu lậu rất dễ dàng và khó kiểm soát. Hoặc đầu nậu ở đất liền tổ chức mua xăng dầu lậu trên biển đưa về đất liền tiêu thụ và hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài bằng thủ đoạn lập nhiều pháp nhân kinh doanh xăng dầu ở địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển xăng dầu giữa các công ty để tiêu thụ trong nội địa.
Thậm chí, một số doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu xăng dầu, sau khi đã hoàn chỉnh thủ tục hải quan nhập khẩu lô xăng dầu, trên đường vận chuyển về nhập kho thì bán luôn lô hàng vừa nhập khẩu. Sau đó cho phương tiện quay lại địa diểm đã hẹn để nhập lô xăng dầu lậu với số lượng, chủng loại đúng với hóa đơn lô hàng nhập khẩu để che giấu sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác mà đại diện Tổng cục QLTT thừa nhận là do công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng còn chưa có sự chỉ đạo đồng bộ. Công cụ, phương tiện hỗ trợ còn chưa được trang bị đầy đủ, kinh phí kiểm định mẫu xăng dầu thấp nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác kiểm tra và phát hiện các vi phạm về đo lường, chất lượng.
Do đó, trước mắt, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý kinh doanh xăng dầu, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, tập trung vào các thương nhân có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát Biển và các cơ quan Thanh tra chuyên ngành để tạo thành sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.