Để làm rõ hơn về thực trạng trên, phóng viên đã đến một quán ăn trên phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội. Tại đây, người chế biến món ăn hoàn toàn không dùng đến bao tay nilon, đôi tay trần luôn được “hòa quyện” vào thực phẩm.
Dạo quanh chợ Phùng Khoang, phóng viên cũng bắt gặp nhiều quán ăn đa dạng, từ xúc xích, nem chua, những xiên cá chiên đến bún phở, bún chả, chè, hoa quả dầm và điểm chung có thể thấy ở các quán này là quá trình sử dụng tay không diễn ra thành vòng tròn xuyên suốt, người bán hàng vừa chế biến thực phẩm, thức ăn cho khách, vừa thu- trả tiền, lau bàn và cứ thế tiếp diễn mà không biết đến sự tồn tại của găng tay nilon.
Trong Luật An toàn thực phẩm quy định loại găng tay sử dụng trong chế biến thực phẩm phải là loại găng tay hợp vệ sinh. Đa số các loại găng tay đều là loại sử dụng một lần, tức là người sử dụng phải vứt bỏ và thay thế bằng đôi găng tay khác khi sau sử dụng một lần.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết từ các nhà hàng lớn tới các quán hàng rong bên hè phố, thậm chí ngay cả người tiêu dùng lại luôn dùng đi dùng lại loại găng tay nilon này nhiều lần hoặc là họ sử dụng duy nhất một đôi găng tay trong suốt cả một ngày dài để tiếp xúc với đồ ăn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chủ quán tuy đã đeo găng tay nhưng vừa sử dụng để bốc thực phẩm chín lẫn cả thực phẩm sống, vì vậy ở đây, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa đạt yêu cầu.
Từ những hành vi như vậy, người tiêu dùng sẽ phải trả một giá đắt bằng chính sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình vì sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh. Đó là nguyên nhân, mầm mống gây ra các căn bệnh ung thư quái ác đang ngày càng tích tụ thêm và chỉ chờ bộc phát. Theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện nay có 70 đến 80% số thực phẩm đường phố bị nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 126 nghìn ca mắc mới ung thư, mỗi ngày có hơn 200 người tử vong do căn bệnh quái ác này. Theo các nghiên cứu về dịch tễ học và thực nghiệm cho thấy, có tới 35% các loại ung thư ở người là do dinh dưỡng không bảo đảm và không hợp lý gây ra. Chất độc trong thực phẩm bẩn không chỉ dừng lại ở đường tiêu hóa mà còn thấm vào máu và có khả năng đi khắp cơ thể, cho nên bất cứ bộ phận nào cũng có thể mắc ung thư.
Pháp luật quy định phạt tiền từ 300.000 đồng tới 500.000 đồng đối với hành vi dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Lực lượng chức năng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra đột xuất các quán ăn hay các gánh hàng rong trên phố; nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao việc sử dụng hiệu quả găng tay trong chế biến thực phẩm cũng như đảm bảo sức khỏe cho ngươì tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra, kiểm soát còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vì thế, ý thức tự giác của người bán hàng và người mua hàng là rất cần thiết. Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người sử dụng hiểu ra tác hại khôn lường của việc không sử dụng găng tay hoặc sử dụng không đúng cách đến mọi người. Khi người tiêu dùng đã hiểu ra thì họ sẽ tự biết cách tránh xa những thức ăn, những hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Và mỗi người bán hàng sẽ tự nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng găng tay đúng cách khi họ chế biến thực phẩm nếu không muốn tình trạng ế ẩm cho hàng hóa mình.