Kinh nghiệm phục hồi di chứng tai biến bằng châm cứu

(PLO) - Bằng kinh nghiệm nghề y nhiều năm, thầy thuốc Phạm Ngọc Khánh (SN 1968, ngụ đường Phạm Văn Bạch, quận Gò Vấp, TP.HCM), trưởng khoa châm cứu phòng khám từ thiện tại chùa Kỳ Quang 2 chia sẻ về liệu pháp chữa bệnh chỉ bằng mũi kim châm có tác dụng giúp bệnh nhân tai biến mạch máu não phục hồi chức năng. 
Lương y Phạm Ngọc Khánh đang bốc thuốc 
Theo lương y Khánh, những người ở độ tuổi từ 40 - 70 bị cao huyết áp là đối tượng dễ bị tai biến mạch máu não (gọi tắt là tai biến) nhất. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh mắc chứng cao huyết áp, huyết áp tăng đột ngột dẫn đến vỡ mạch máu não. Huyết áp quá thấp cũng khiến tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu não gây tai biến. Hậu quả thấy rõ nhất, đó là bệnh nhân tai biến bị liệt bán thân, suy giảm chức năng một số bộ phận trên cơ thể. 
Hiện có khá nhiều phương pháp phục hồi di chứng tai biến khác nhau, nhưng liệu pháp châm cứu vẫn được biết đến là phương pháp hiệu quả cao. Ưu điểm của châm cứu là không nhất thiết phải sử dụng thuốc, mà tất cả chỉ dựa vào duy nhất cây kim châm nhỏ bằng que tăm. 
Nguyên lí trị liệu chung của phương pháp châm cứu là dùng kim châm tác động vào hệ kinh mạch, huyệt đạo bị tổn thương. Có thể hiểu theo hai góc độ như sau: Về mặt y học cổ truyền, châm cứu có tác dụng đả thông kinh mạch, khi đó những vùng kinh mạch tổn thương sẽ được “hồi sinh” dần dần. Còn theo kiến thức y học hiện đại, châm cứu nhằm tác động vào vùng huyệt đạo tê liệt, tạo phản ứng kích thích hệ thần kinh tê liệt. Tiếp đó, sẽ tác động dây chuyền vào thần kinh não bộ, nơi kiểm soát mọi chức năng cơ thể. 
Hay nói cách khác, theo quy luật thông thường, các bộ phận cơ thể sẽ hoạt động theo “chỉ đạo” của hệ thần kinh trung ương. Một khi xảy ra tai biến, sợi dây liên kết này tắc nghẽn gây nên di chứng. Lúc này, muốn “thức tỉnh” những kinh mạch tê liệt, người thầy thuốc dùng kim châm kích thích gây phản ứng theo chiều ngược lại. Có nghĩa tác động từ vùng kinh mạch tổn thương, qua đó tạo cung phản xạ kết nối quá trình liên lạc đến hệ thần kinh não bộ. 
“Châm cứu sẽ giúp tiết ra những hoạt chất trung gian có tác dụng phục hồi chức năng bị mất hoặc giảm sút ngay tại vị trí kinh mạch tổn thương. Những chất này có thể xem như vị thuốc tự bản thân con người sản sinh ra”, lương y Khánh giải thích.
Ông Khánh cho hay, thời gian châm cứu kéo dài từ 20 - 30 phút mỗi lần. Mỗi tuần tiến hành châm cứu khoảng 3 lần. Lộ trình trị liệu mỗi ca bệnh mất từ 1 - 3 tháng tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của di chứng tai biến. Song song quá trình châm cứu, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng những bài thuốc có tác dụng bổ khí, bổ huyết và tạo sự đàn hồi, co giãn cho mạch máu. “Mạch máu có độ đàn hồi sẽ khó bị vỡ hơn, ngoài ra quá trình phục hồi nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào khả năng tự tập luyện của bệnh nhân”, ông Khánh giải thích. 
Điều quan trọng hơn nữa, khi đã phục hồi di chứng tai biến, cần phải biết cách phòng tránh xảy ra tai biến lần sau. Bởi nếu tái xảy ra tai biến sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Để tránh tái bị tai biến, người bệnh cần duy trì huyết áp cơ thể ở mức ổn định. Người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt tránh cảm giác tức giận hoặc vui sướng tột độ, đều có thể là mối tiềm ẩn dẫn đến tai biến mạch máu não. 
Ưu việt lớn nhất của phương pháp châm cứu như lời ông Khánh chia sẻ, không bắt buộc người bệnh dùng thuốc. Để châm cứu đạt hiệu quả cao, ngoài việc nắm rõ hệ thống kinh mạch, huyệt đạo trên cơ thể thì kĩ năng “tác nghiệp” cực kì quan trọng. Đơn giản như trước khi châm kim, người thầy thuốc cần biết cách giữ tâm trạng vui vẻ cho người bệnh, tránh để bệnh nhân căng thẳng hoặc sốc. 
Về tính hiệu quả, ông Khánh tự tin cho biết, phương pháp châm cứu có thể giúp 80% bệnh nhân tai biến phục hồi di chứng đến 70% năng lực ban đầu. Mỗi năm, khoa châm cứu do ông Khánh đứng đầu tại phòng khám từ thiện ở chùa Kỳ Quang 2 thực hiện điều trị trên dưới 1000 bệnh nhân tai biến. Ngoài trị liệu di chứng tai biến, ông Khánh cho biết thêm phương pháp châm cứu còn có tác dụng cao trong điều trị các chứng bệnh khác như: Cắt đứt cơn đau, thoái hoá đĩa đệm hay thần kinh toạ. 

Đọc thêm