Ngày 27/02/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế NN&PTNT Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp cũng đang đứng trước những cơ hội, thách thức đan xen nhau trong bối cảnh, tình hình mới cả trong nước và quốc tế. Trong số đó, có những thay đổi từ các quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Đất đai 2024; Kết luận 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; các quy định mới về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thực hiện Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu - EU (EUDR), triển khai các quy định về tín chỉ các-bon rừng…
"Ngành lâm nghiệp cần đưa ra các giải pháp nhằm huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, chiến lược đã được phê duyệt…" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
|
Nhiều kết quả quan trọng sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp |
Về nguồn lực thực hiện Chiến lược, Báo cáo của Cục Lâm nghiệp cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021-2023 để thực hiện BV&PTR là khoảng 56,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách nhà nước (NSNN) là gần 12,6 nghìn tỷ đồng; Nguồn khác là hơn 44 nghìn tỷ đồng (dịch vụ môi trường rừng gần 11 nghìn tỷ đồng, tổ chức cá nhân tự đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đối với ngành lâm nghiệp từ năm 2021 đến tháng 10/2023 đạt 886,7 nghìn tỷ đồng; Đến 31/10/2023 dư nợ đạt gần 194 nghìn tỷ đồng.
Trong đó: Doanh số cho vay khai thác, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đạt gần 106,7 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 42,5 nghìn tỷ đồng chiếm 22% tổng dư nợ cho vay ngành lâm nghiệp; Doanh số cho vay chế biến, bảo quản đạt 343,9 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 67 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ cho vay ngành lâm nghiệp; Doanh số cho vay phục vụ thu mua, tiêu thụ lâm sản đạt 416,2 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 84,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 43%)
Như vậy, có thể thấy nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2023, ngoài từ dịch vụ môi trường rừng (gần 11 nghìn tỷ đồng), thì chủ yếu từ tổ chức cá nhân tự đầu tư (hơn 33 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, trong khi NSNN đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) còn khó khăn, nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách địa phương cho công tác BV&PTR ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương…, thì việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, do các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng, thực hiện dự án đầu tư.
Cùng với đó, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ; Công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai; Việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật, quy hoạch lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn; Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp; Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn; Chậm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp công ty lâm nghiệp; Mức hỗ trợ BV&PTR và chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho BV&PTR…
Để huy động tốt hơn nguồn lực này, Cục Lâm nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong Lâm nghiệp.
Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt một số Đề án trọng điểm ngành Lâm nghiệp…
Cục Lâm nghiệp cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm để khuyến khích, thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng; Hướng dẫn để các tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện về tín chỉ các bon rừng.
Đồng thời triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách BV&PTR; xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ BV&PTR tại địa phương; cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện BV&PTR, phát triển lâm nghiệp…