Kinh tế hợp tác xã nông nghiệp: Hơn 60% hoạt động có hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2024, cả nước có trên 14.300 Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) hoạt động hiệu quả. Trong đó có 2.169 là chủ thể các sản phẩm OCOP được công nhận và 600.000 lao động nông thôn đào tạo nghề căn bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các HTXNN đạt tiêu chí đánh giá xanh, sạch, đẹp. (Ảnh: Hải Đăng)
Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các HTXNN đạt tiêu chí đánh giá xanh, sạch, đẹp. (Ảnh: Hải Đăng)

Sản phẩm OCOP là “thước đo”

Năm 2024, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/NĐ-CP, đồng thời thúc đẩy các địa phương bảo tồn, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống. Hiện, cả nước có 36 tỉnh đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, đã công nhận được 216 nghề truyền thống, 657 làng nghề truyền thống, 1.382 làng nghề. Cục tiếp tục triển khai, phổ biến thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có khoảng 21.700 HTXNN, trong đó có 14.300 HTXNN hoạt động hiệu quả (đạt 65,6%). Có 101 Liên hiệp HTXNN và 36.000 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp. Trong đó có gần 2.500 HTXNN ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 4.339 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên. 2.169 HTXNN có các sản phẩm OCOP, chiếm 37,9% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhận định, sản phẩm OCOP là giá trị, bản sắc Việt Nam, sản phẩm OCOP cần được cạnh tranh bằng giá trị văn hóa khi tiếp cận thị trường. Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà mua “câu chuyện tạo ra sản phẩm”, do vậy, câu chuyện càng đặc biệt thì giá cả càng khác biệt, càng dễ truyền thông và quảng bá sản phẩm đến thị trường. Hơn nữa, “câu chuyện” cần phải được xây dựng bằng các giá trị khác biệt về văn hóa, tri thức bản địa, phải được thể hiện trên bao bì, nhãn mác; “câu chuyện” không chỉ tạo cảm xúc cho người tiêu dùng, mà còn nâng cao niềm tự hào về quê hương, xứ sở.

Được biết, sau hơn 6 năm triển khai, Việt Nam đã có hơn 14.000 sản phẩm OCOP của gần 8.000 chủ thể, sản phẩm OCOP đã từng bước tiếp cận thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền để phát triển kinh tế nông thôn. Bộ trưởng Hoan cho rằng, so với tài nguyên phong phú của đất nước, tinh thần năng động của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, những gì chúng ta đạt được còn khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, thực hiện Chỉ thị số 37 ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Cục này đã tham mưu xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề đến năm 2030 tích hợp Đề án Đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Ngoài ra, còn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở các địa phương đặc biệt là công tác đào tạo nghề trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hiện nay đã có trên 600 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, các địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2024. Lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp, nông thôn, trong năm, Cục đã chủ động tổ chức các hoạt động để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về cơ giới hóa như: Xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về cơ giới hóa; tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số về cơ giới hóa; kết nối doanh nghiệp và các hợp tác xã để xây dựng các mô hình dịch vụ cơ giới hóa tại các địa phương.

Đọc thêm