“Kinh tế số và chính sách an ninh mạng Việt Nam”: Không nhất thiết ban hành thêm luật mới

(PLO) - Việt Nam đang chứng kiến đồng thời sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số, đi kèm với gia tăng các rủi ro về an ninh mạng. Do đó, đòi hỏi chính sách an ninh mạng phải được đánh giá lại và có bước tiến mới để đối phó với những lo ngại về an ninh an toàn thông tin cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.
Ảnh minh họa

Kinh tế số bùng nổ kéo theo rủi ro an ninh mạng gia tăng

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Từ 17,7 triệu người sử dụng Internet năm 2007 đã tăng lên mức 64 triệu người năm 2017, xấp xỉ 67% dân số. Con số này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất.

Hiện, có 3 hệ thống kinh tế số nổi bật nhất là viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam. Theo đại diện IPS, ông Nguyễn Quang Đồng, chỉ tính riêng TMĐT, năm 2016 đã đạt mức tổng doanh thu là 5 tỷ USD, đạt tỷ trọng là 3% so với mức tăng trưởng 20%. Năm 2017, 21 DN khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư.

Các thị trường viễn thông và CNTT cũng đã liên tục phát triển, năm 2016, dooanh thu viễn thông đạt mức 6,1 tỷ USD và doanh thu CNTT đã lên tới 67,6 tỷ USD. Trong 6 năm trở lại đây, có đến 7% DN mới được thành lập nằm trong 2 lĩnh vực này và góp phần tạo ra hơn 852.000 việc làm cho xã hội.

Xu hướng sát nhập và mua lại (M&A) giữa các DN TMĐT tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thương vụ. Cùng với điều này, các rủi ro an ninh mạng cũng phát triển nhanh không kém. Chúng gia tăng trên tất cả các phương diện: các loại rủi ro mới; số lượng vụ việc và mức độ thiệt hại. Hãng bảo mật Kaskerpy cho biết, năm 2017 có 35,01% người dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam – VNCERT thống kê được trong năm 2017 Internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.

Quyền riêng tư và tài sản dữ liệu vẫn là thách thức lớn

Mặc dù chưa có một chiến lược quốc gia tổng thể và toàn diện về an ninh mạng, song các giải pháp chính sách của Việt Nam ở từng mức độ nhất định đã được hình thành. Các chuyên gia nhận định, nhìn từ tổng thể Việt Nam hiện nay gặp phải 6 vấn đề cần chú ý khi xây dựng hệ thống chính sách an ninh mạng. Trong đó, xâm phạm quyền riêng tư; rò rỉ dữ liệu và khai thác trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại là thách thức lớn nhất mà các DN, cơ quan Nhà nước phải đối mặt. 

Khuyến nghị về xây dựng hoàn thiện chính sách an ninh thông tin tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cao cấp, NHQuang and Associates cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu. Theo Luật sư, không cần thiết phải ban hành thêm các luật mới, mà chỉ cần cụ thể hoá các quy định pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu người dùng..

Cùng quan điểm, đại diện IPS cho rằng, có thể hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc chi tiết hóa các quy định sẵn có trong Bộ luật Dân sự 2015 (nội dung về quyền đối với đời sống riêng tư của cá nhân), trong Luật DN 2015 (nội dung về xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng khi DN tiến hành mua bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập),... Tuy nhiên, các ý kiến để cho rằng, việc cụ thể hóa các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng cần phải xem xét và cân bằng với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật tiếp cận thông tin 2015, bảo đảm lợi ích công cộng.

Cũng theo đại diện IPS, với đặc điểm của CNTT, tốc độ và sự lan truyền của Internet, các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống tại Việt Nam đang tỏ ra kém hiệu quả. Các trường hợp tranh chấp thực tế cho thấy người dùng chỉ biết khiếu nại đến chính DN cung cấp dịch vụ mà không có lựa chọn nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Và để giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên thì không nhất thiết phải thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

Dưới góc độ DN, ông Triệu Trần Đức, CEO Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng xu thế phát triển kinh tế số hiện nay tất yếu dẫn đến việc các chính phủ phải mở cửa tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn dữ liệu công khai. Song, thách thức ở đây là phải xây dựng hệ thống phân quyền và ghi chép mọi hoạt động truy cập của DN nhằm tránh lộ dữ liệu cá nhân và bí mật quốc gia. Trong khi, tự thân các DN lại không có biện pháp hiệu quả bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Do vậy, cần hoàn thiện khung chính sách và cơ sở kỹ thuật an ninh dữ liệu.

Đọc thêm