Kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào khu vực FDI

(PLO) - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù đã có sự phục hồi trong Quý 2, các chỉ báo lại đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 
Nhiều chuyên gia cảnh báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Tăng trưởng nhờ khu vực FDI

Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cho thấy, lần đầu tiên nhập khẩu (NK) tăng mạnh khiến thâm hụt thương mại với Hàn Quốc đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này cùng với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chính phản ánh xu hướng phụ thuộc về thương mại vào một số doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc.

Không chỉ thế, VEPR thậm chí còn chỉ ra, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ riêng Hàn Quóc đã tăng rất nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.

Một chỉ dấu khác, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng vốn giải ngân đã có dấu hiệu phục hồi trong Quý 2, đạt 4,1 tỷ USD và tăng 9,3%. Mức tăng này được cho là cao hơn nhiều so với quý trước (3,4%). Theo TS. Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện VEPR, với dòng FDI lớn, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây.

Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước thậm chí đã giảm tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm 2017.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng lao động đã giảm đáng kể ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, lần lượt ở mức -0,9% và -0,5% trong nửa đầu năm, thấp nhất trong các năm trở lại đây. “Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự được cải thiện. Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp có thể bắt nguồn từ khu vực FDI, đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Samsung. Tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp trong Quý 1/2017, thời điểm Samsung sụt giảm sản lượng, và hồi phục tích cực trong Quý 2” - TS. Thành nhấn mạnh.

Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh

Kinh tế trong nước đang yếu thế

Nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy hết sức lo ngại khi khu vực kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhìn vào những tín hiệu tích cực ở Quý 2 bà vẫn thấy rất nhiều vấn đề lo lắng, chưa thật an tâm, nhất là khu vực kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn.

Nếu muốn phát triển kinh tế bằng một động lực mới thì động lực đó phải là động lực kinh tế trong nước.Nhưng khu vực kinh tế trong nước trong Quý 2 này chưa có những bằng chứng thuyết phục cho thấy đang khởi sắc, đang tăng lên. Bà Lan cho rằng khu vực công, đặc biệt là DNNN đang trong quá trình cải cách hết sức nhọc nhằn, chưa phát huy được tác dụng bao nhiêu trong việc tạo đà mới, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Trong khi khu vực tư vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế này than phiền là các cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện việc quy định thật rõ về trách nhiệm giải trình. Vấn đề nào thì do cơ quan nào giải quyết, làm sao để có một địa chỉ duy nhất phải chịu trách nhiệm cho 1 chính sách của Chính phủ đối với DN. “Chứ chừng nào vẫn còn 5,7 cơ quan khác nhau cùng chịu trách nhiệm về một việc, rồi lại chia thành 4 tầng hành chính từ nhà nước TW, đến các địa phương rồi đến cấp cuối cùng thì ngần ấy người trong bộ máy sẽ vẫn còn gây khó cho DN. Hoặc người này gỡ được 1 chút thì người kia lại tăng thêm gây khó một chút thành ra tình thần tạo thuận lợi cho DN vẫn rất khó có thể thực hiện được. Không biết liệu chúng ta còn loay hoay đến bao giờ đây trong việc gỡ khó mà gỡ mãi không hết khó cho hoạt động của DN” - Chuyên gia Phạm Chi Lan ngán ngẩm.

Trước thực tế tăng trưởng của khu vực sản xuất và hoạt động thương mại đang theo xu thế phụ thuộc vào hoạt động của một số ít các doanh nghiệp FDI lớn, TS. Nguyễn Đức Thành cảnh báo rằng đã đến lúc chúng ta nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách rất thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không?

20 năm qua khó khăn với doanh nghiệp vẫn vậy

Trong cuộc đối thoại Thủ tướng với DN tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua gần như các vấn đề DN đặt ra bây giờ nó cũng khác bao nhiêu so với các vấn đề DN đặt ra cách đây 20 năm. Những tiêu đề DN đặt ra nó vẫn như vậy nhưng mức độ bây giờ còn có vẻ trầm trọng hơn. Đến mức mà ngay tại cuộc gặp gỡ đó, Thủ tướng ra ngay chỉ thị yêu cầu giảm số lần thanh kiểm tra đối với DN xuống. Hay chi phí cho DN là tiếng kêu lớn nhưng từ đầu năm tới giờ tôi quan sát thì chưa thấy giảm ở đâu cả mà xu hướng tăng lên vẫn khá là rõ, nhất là tăng gánh nặng chi phí tuân thủ của các DN trong việc thực hiện các quy định, các chính sách của Nhà nước. Tôi cứ cảm thấy, dường như mỗi lần thay đổi thì các Bộ, các ngành tranh thủ cài cắm thêm quy định vào” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Đọc thêm