Nỗi oan macca

(PLVN) - Từ khi vào Việt Nam, macca - loài cây được mệnh danh “nữ hoàng hạt khô”, đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao. Ngược lại, macca cũng mang lại không ít đau thương khiến cho nhiều người trồng oán hận. Nhưng có thể khẳng định cây macca đang bị oan, vì sao?
Hạt macca là loại thực phẩm có giá trị cao, còn dùng để làm đẹp
Hạt macca là loại thực phẩm có giá trị cao, còn dùng để làm đẹp

Macca du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu với 10 cây do Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội). Đến nay ước tính có hàng triệu cây phủ trên hàng chục nghìn ha ở nhiều tỉnh, thành. 

Giống cây có hạt được mệnh danh “nữ hoàng hạt khô”, được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và cũng là loại thực phẩm có giá trị cao, còn dùng để làm đẹp này, đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời nhờ giá trị kinh tế cao. Ngược lại, macca cũng mang lại không ít đau thương cho người trồng.

Báo chí những năm trước đã viết nhiều về cảnh tay trắng của hàng trăm hộ dân ở Tây Nguyên sau “cú sốc” macca: cây tốt um, nhưng không chịu ra trái, hoặc trái méo mó, biến dạng. Trường hợp thất bại điển hình là “vua macca” Lâm Đồng một thời, ông Trần Vinh, người đã đổ 40 tỷ đồng trồng hàng trăm ha macca. Khi ông Vinh cạn vốn cầu cứu các nhà đầu tư và ngân hàng, tất cả đều phải lắc đầu trước vườn macca không phù hợp thổ nhưỡng và trồng từ cây giống đáng lo ngại.

Vấn đề sống còn với người trồng macca 

Sai lầm chung của “vua macca” Trần Vinh và nhiều hộ dân được cho là do chọn giống không đảm bảo: Trồng cây thực sinh (ươm bằng hạt, không ghép chồi giống chuẩn). Trong khi macca ở Việt Nam yêu cầu bắt buộc phải trồng từ cây ghép với những cây đã khảo nghiệm thành công mới ra quả. 

Thua ngay từ điểm xuất phát nếu chọn nhầm cây giống, bài học xương máu này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, liên tục được các nhà khoa học cảnh báo nông dân.

Tại Hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng cây giống macca do Hiệp hội Macca Việt Nam tổ chức năm 2019, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển macca ở Việt Nam, trong đó giống cây trồng có vai trò tối quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi.

Cây đầu dòng (cây bố mẹ) đóng vai trò quan trọng trong sản xuất cây giống macca ghép. Do đó, cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở lên mới được khai thác hom ghép.

Giống cây chuẩn không chỉ là vấn đề sống còn với người trồng macca, cũng là nỗi niềm đau đáu của chính các đơn vị cung cấp giống. 

Trong lịch sử 26 năm từ khi macca được đưa về Việt Nam, đơn vị đầu tiên chính thức cung cấp giống cây ngoại nhập này ra thị trường là Công ty CP Vinamacca (trụ sở trước đây ở Hòa Bình, nay ở Đắk Lắk). Ra mắt từ năm 2005, Vinamacca thực hiện dự án do Chính phủ Úc phối hợp Bộ NN&PTNT tài trợ, được cung cấp nguồn giống macca với nhiều dòng làm mẫu cây đầu dòng. Công ty còn nhập nhiều dòng khác từ các nước để xây dựng vườn cây đầu dòng và vườn ươm phát triển giống.

“Lão làng” như vậy, nhưng đến nay TGĐ Vinamacca, ông Hoàng Tùng cũng phải thở dài trước những vấn đề liên quan đến cây giống macca tại Việt Nam. Ông cho biết: Cây không cho trái như ý đều xuất phát từ giống. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, nhiều người ham rẻ mua cây thực sinh về trồng, kết quả không có trái hoặc rất ít. Thứ hai, nhiều nhà vườn làm giống “vô lương tâm”, không có cây đầu dòng tốt, bán những cây ghép từ cây kém chất lượng hoặc từ chính cây thực sinh. Cây bố mẹ không tốt thì cây con chắc chắn không tốt. 

Loạn thị trường cây giống

Ông Tùng khẳng định, với khí hậu Tây Nguyên và một số vùng Việt Nam, trồng macca nếu giống tốt và đúng kỹ thuật đều ra hoa đậu trái, năng suất ổn. Giá cây giống tiêu chuẩn ở Vinamacca cả chục năm nay không dao động, từ 70-75 ngàn đồng/cây. Trong khi đó, thị trường đầy rẫy cây giống ghép chỉ 30-35 ngàn đồng, cây thực sinh thậm chí chỉ 15-20 nghìn.

Hiện đa số người trồng “đã sợ” nên không trồng từ cây thực sinh, nhưng lại vướng vào ma trận cây giống giá rẻ. Ở Vinamacca từ trước đến nay bán cây “cứng nhắc” một giá, vào vườn chọn thoải mái, cây đẹp bán, cây xấu hủy. Nhưng nhiều nhà vườn khác “láu cá”, tìm cách bán mọi cây với mọi giá. 

Ông Tùng tâm sự, có những thương lái cũng đến vườn ông tìm hiểu nhưng mua giống nơi khác và bán ra thị trường khoảng 60 ngàn đồng/cây. Cũng là cây ghép, giá lại rẻ, nhiều người vì thế vẫn bỏ tiền mua, có ra trái hay không thì phải 4-5 năm nữa mới biết.

Theo TGĐ Vinamaca, người nông dân một khi bỏ tiền đầu tư cần tìm hiểu đơn vị cung cấp giống có chứng nhận vườn chồi đảm bảo chất lượng, tận mắt thấy cây bố mẹ được công nhận ra hoa kết trái trong 3 năm liền, năng suất phù hợp, cây không sâu bệnh. Nếu người trồng ham giống cây giá rẻ thì thất bại ngay trong điểm xuất phát. 

Thực trạng hiện nay ngoài hàng loạt nhà vườn còn có những người buôn cây giống từ khắp nơi về ăn chênh lệch. Yêu cầu những “nhà buôn” này cung cấp chứng chỉ vườn đầu dòng cũng khó.  

“Tôi biết có người tặc lưỡi trồng thử, nhưng thử một phát là mất 6-7 năm. Macca giống tốt có thể khoảng 3 năm đã bói quả, 4 năm thu hoạch khá. Còn trồng từ giống trôi nổi không biết đến bao giờ mới có trái. Nhiều người nản đành chặt bỏ hàng hecta là vì thế”, ông Tùng nói. 

Không chỉ nông dân bị xoay trong ma trận, chính đơn vị cung cấp giống cũng bị ảnh hưởng. Ông Tùng cho biết mấy năm nay phải chuyển hướng, không chủ trương tập trung bán cây giống vì không thể cạnh tranh nổi với thị trường tràn ngập giống macca không rõ chất lượng, loạn giá thành như hiện nay. Hàng chục nhà vườn lớn sản xuất hàng triệu cây giống, công ty ông “thua”, nên làm cây giống chủ yếu để tự trồng, một ít bán lấy tiền “nuôi quân” tại chỗ.

Cây macca đầu dòng trên 10 tuổi để lấy mắt ghép làm giống đạt chuẩn tại Việt Nam.
Cây macca đầu dòng trên 10 tuổi để lấy mắt ghép làm giống đạt chuẩn tại Việt Nam.

Kinh nghiệm người đầu tư

Nhắc đến “nước mắt macca”, các chuyên gia đã chỉ ra thua lỗ của nhiều người trồng là do lặp lại các sai lầm kép: Đầu tư không theo quy hoạch, không qua nghiên cứu, mua giống tràn lan và trồng không đúng đất. 

Ông Huỳnh Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty VP Macca VIP, đồng thời là cổ đông Công ty CP Macadamia tỉnh Điện Biên, đơn vị đang triển khai dự án macca lớn bậc nhất Việt Nam với 4.000ha tại Điện Biên, chia sẻ. Vốn là tay ngang từ kỹ sư xây dựng chuyển sang làm nông nghiệp, ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu macca từ khoảng năm 2012, ông đã nhận thấy thực tế nhiều nông dân nếm mùi đau khổ từ giống cây ngoại này. 

Rút kinh nghiệm từ những vườn macca chỉ thấy lá không thấy trái, thời điểm ông Chiến mua cây giống cũng phải chấp nhận mức giá lên đến 75-80 ngàn đồng/cây từ Vinamacca, có thể so sánh là “một trời một vực” so với cây thực sinh chỉ khoảng 15-20 nghìn. 

Ông Huỳnh Văn Chiến kiểm tra cây macca thời kỳ mới trồng tại Điện Biên
 Ông Huỳnh Văn Chiến kiểm tra cây macca thời kỳ mới trồng tại Điện Biên

Hiện cây macca công ty ông trồng ở Điện Biên đã bước sang năm thứ tư, bước đầu bói quả rất sai. Với tôn chỉ triển khai nông nghiệp hữu cơ ngay từ đầu để chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới, công ty đang nghiên cứu chuyên sâu để áp dụng khoa học giúp cây ra hoa, đậu quả “theo ý muốn”.

Ông chia sẻ, ngoài giống cây chuẩn, để có hạt macca tiêu chuẩn phải phụ thuộc nhiều yếu tố: nước, chất dinh dưỡng, yêu cầu độ cao so với mực nước biển, dải nhiệt trong thời kỳ từ hoa – quả, từ 18-28 độ, mùa xuân phải tránh mưa phùn, sương muối... Thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào những yếu tố đó. 

Thiên nhiên Tây Bắc thuận lợi nhưng không thể phó thác hoàn toàn. Khoa học phải áp dụng để chăm sóc đúng cách, cung cấp chất dinh dưỡng, để cây ra hoa, hoa đậu quả, quả đậu trên cành vững chắc. Ông Chiến lúc nào cũng cẩn trọng vì nếu không cẩn thận có khi cây ra hoa nhưng chỉ đậu một quả, thậm chí trơ cành không có quả nào.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Chiến cho rằng mấu chốt đầu tiên khi đầu tư vào nông nghiệp là lắng nghe các nhà khoa học. Thay vì phải mò mẫm tìm hiểu thì xin ý kiến các nhà khoa học, những người thực sự trăn trở, có tâm với nông nghiệp nước nhà. Bản thân ông khi lựa chọn vào macca cũng phải nhiều lần tham vấn các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp và cây macca như GS Nguyễn Lân Hùng, GS Hoàng Hòe; tự nghiên cứu tài liệu, từ thực tiễn thế giới và Việt Nam để cân nhắc từng bước.

Khi định đầu tư ở khu vực nào cũng phải xác định rõ để kết hợp với người lao động địa phương, xác định hài hòa lợi ích. Cần tìm hiểu xem người dân địa phương cần gì, mong muốn gì để chia sẻ hợp tác lâu dài mới có thể bảo vệ được thành quả đầu tư, nhất là với những cây lâu năm như macca. 

Đặc biệt, đầu tư bất cứ cái gì cần nghĩ ngay đến đầu ra, không thể phó mặc thị trường và thương lái. Vì thế, ngay từ khi cây macca ở Điện Biên mới chập chững hai năm tuổi, ông Chiến đã nghĩ ngay đến xây dựng thương hiệu cho macca Việt Nam để chuẩn bị xuất khẩu trong tương lai bằng cách thành lập Công ty CP Macca VIP.

Hiện Việt Nam chưa có đánh giá thực tiễn về vòng đời và thời gian khai thác của macca, nhưng trên thế giới có khi khai thác cả trăm năm chưa cần thay cây. Ông Chiến tìm nhiều phương pháp để đầu tư lấy ngắn nuôi dài, tìm ngách riêng như hướng tới thị trường cao cấp để đảm bảo an toàn đầu ra cho hàng nghìn hecta macca trong tương lai.

Ông chốt lại: “Đầu tư nông nghiệp mà sai giống, sai kỹ thuật, tắc vốn, tắc đầu ra, mô hình hợp tác không chuẩn đều đổ bể”. 

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Macca Việt Nam, vì giống cây macca là vấn đề sống còn với sự thành công của vườn macca, người trồng chỉ nên mua giống macca từ các nhà cung cấp giống có uy tín và được công nhận. Nhà cung cấp giống đó phải đạt được các tiêu chí sau:

1. Có vườn cây đầu dòng chuẩn, 3 năm liên tục đậu quả nhiều

2. Vườn cây đầu dòng được quản lý một cách khoa học

3. Có lịch sử ít nhất là 5 năm cấp cây giống được những người trồng công nhận là tốt

4. Chịu trách nhiệm với người trồng về chất lượng cây giống.

'Cuộc hôn nhân' giữa 'vương mộc' và 'nữ hoàng các loại hạt'

(PLVN) - Nói về công lao của những nông dân giúp loài cây đàn hương bén rễ tại Việt Nam, nếu ở Tây Nguyên có ông Nguyễn Quang Tòa (SN 1971, Giám đốc Công ty CP Phát triển cây đàn hương và Thực vật quý hiếm Tây Nguyên, số 143, đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thì ở vùng Tây Bắc, người nổi tiếng không kém là ông Huỳnh Văn Chiến, người khai sinh ra mô hình “hôn phối” hai loài cây “vua chúa”: Đàn hương – “vương mộc”; và macca – “nữ hoàng các loại hạt”.

'Cuộc hôn nhân' giữa 'vương mộc' và 'nữ hoàng các loại hạt'
Ông Huỳnh Văn Chiến, Chủ tịch Công ty CP Macca VIP.

Ông Huỳnh Văn Chiến (SN 1981) là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Macca VIP (trụ sở tại Tầng 3 Toà S3 Vinhomes Skylake Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

4.000 ha “nữ hoàng các loại hạt”

Ông Chiến vốn là kỹ sư ĐH Kiến trúc Hà Nội, từng lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng. Cơ duyên một lần ông tình cờ xem truyền hình biết chủ trương của Nhà nước muốn phát triển cây macca, đặc biệt là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất quan tâm muốn đưa macca thành cây chiến lược quốc gia, xóa đói, giảm nghèo.Tò mò về loại cây có hạt được xếp vào nhóm những loại hạt ngon nhất thế giới và cũng là loại thực phẩm có giá trị cao, còn dùng để làm đẹp, ông tự tìm hiểu tài liệu, tham vấn những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam và cây macca như GS Nguyễn Lân Hùng, GS Hoàng Hòe...

Từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết của các nhà khoa học, từ niềm đam mê của bản thân, ông Chiến quyết định rẽ hướng sang đầu tư cây nông nghiệp. Trong đó chọn cây giá trị kinh tế cao là macca. 

Đọc tiếp>>>>>>>>>>>>>

Đọc thêm