“Xã hội hóa” khai thác các công trình thủy lợi là cần thiết

(PLO) - Trong văn bản phản hồi loạt bài “Tư nhân hóa khai thác công trình thủy lợi: Tại sao không?”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định “thu hút các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng” -  vấn đề mà PLVN  từng nêu và chứng minh là cần thiết trong loạt bài đã đăng tải suốt gần tháng qua.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Sơn Tây)
Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Sơn Tây)
“Gánh nặng” ngân sách 
Sau loạt bài của Báo PLVN, trong văn bản trả lời Báo, ông Hoàng Xuân Vượng, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) xác nhận: Trong giai đoạn  2010-2012, việc cấp bù kinh phí miễn thu thủy lợi phí được thực hiện theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP, giai đoạn từ năm 2013 cho đến hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP. Nghị định này được áp dụng từ ngày 1/1/2013, theo đó thì mức thu thủy lợi phí tăng lên để  đáp ứng nhu cầu hoạt động của các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác CTTL. 
Bộ Tài chính đánh giá, các chính sách ban hành đã đáp ứng nguyện vọng đông đảo của người dân, giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất nông nghiệp, có điều kiện đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống, các đơn vị quản lý, khai thác CTTL có nguồn kinh phí để chủ động duy tu, sửa chữa công trình nâng cao chất lượng dịch vụ thuỷ nông, giúp cho hệ thống CTTL hoạt động được tốt hơn, hạn chế sự xuống cấp của các hệ thống CTTL. Các chính sách đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trong công văn gửi PLVN, Bộ quản lý nhà nước về tài chính cho biết thêm: Hàng năm, căn cứ vào diện tích, biện pháp tưới tiêu và mức thu thuỷ lợi phí do UBND  các tỉnh quy định, trên cơ sở dự toán của các tỉnh, Bộ Tài chính đã cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí cho các địa phương. 
Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương được cân đối theo nguyên tắc:  Bảo đảm 100% số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý, khai thác CTTL trung ương;  hỗ trợ 100% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương; hỗ trợ 50% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%;  đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, kinh phí tăng thêm do ngân sách địa phương đảm bảo.
“Ngày 30/9/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2011, từ năm 2011-2015 “Kinh phí miễn thu thủy lợi phí được tính toán trên cơ sở dự toán miễn thủy lợi phí năm 2010 được cấp có thẩm quyền quyết định và được cân đối hàng năm ngân sách địa phương”. 
Theo đó kinh phí miễn thu thủy lợi phí được ngân sách trung ương cân đối ổn định  trong khoản chi thường xuyên của ngân sách địa phương.”- đại diện Bộ Tài chính cho biết. 
Nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân
Nói về vai trò của việc đổi mới cơ chế, thu hút các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác lợi thế các CTTL trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ Tài chính cho rằng, việc đặt hàng, đấu thầu hoặc giao kế hoạch phụ thuộc vào sản phẩm dịch vụ cung cấp, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, đầu tư của chủ sở hữu. 
Đối với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy nông còn phụ thuộc điều kiện địa hình, hệ thống kênh mương và tổ chức quản lý của từng hệ thống CTTL, đặc biệt phụ thuộc rất nhiều yếu tố thời tiết để lựa chọn quản lý theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch hoặc đấu thầu cho phù hợp với điều kiện địa hình của từng hệ thống CTTL cung cấp dịch vụ, sản phẩm. 
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ và Thông tư số 178/2014/TT-BTC hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch trong quản lý khai thác lợi thế các CTTL là để cho các chủ sở hữu được lựa chọn các hình thức quản lý sao cho đạt hiệu quả nhất trong quản lý khai thác CTTL.
Bộ Tài chính khẳng định: Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi người dân đều có thể đầu tư, tham gia quản lý khai thác CTTL và đều được hưởng các quyền lợi ngang nhau khi tham gia quản lý khai thác CTTL để phục vụ cho người dân được tốt hơn không phân biệt là Công ty TNHH một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, cá nhân, tổ chức hợp tác dùng nước tham gia quản lý, khai thác CTTL có đăng ký kinh doanh.
“Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, việc đổi mới cơ chế, thu hút các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác lợi thế các CTTL có vai trò hết sức quan trọng. Việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác CTTL là một giải pháp thực hiện việc xã hội hóa đối với quản lý nhà nước về khai thác CTTL. 
Nội dung này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện quyết liệt trong việc nâng cao năng lực hoạt động của các CTTL hiện có trên cơ sở thực hiện đồng bộ các biện pháp và huy động các nguồn lực trong dân tham gia quản lý khai thác CTTL.”- Bộ Tài chính nhấn mạnh. 
Đề cao trách nhiệm của địa phương
Liên quan đến vấn đề nói trên, đến nay  vẫn chưa cơ quan nào đánh giá phương thức đấu thầu, đặt hàng tốt hơn phương thức giao kế hoạch cho hoạt động quản lý khai thác CTTL. Vì thế, theo quy định hiện hành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tùy thuộc quy mô, đặc thù của từng hệ thống CTTL để lựa chọn hình thức đấu thầu, đặt hàng hay giao kế hoạch đối với từng đơn vị khai thác CTTL của tỉnh cho phù hợp. 
Về ý kiến cho rằng không chỉ phải sửa lỗ hổng Nghị định mà còn tiến tới xóa bỏ việc cấp bù thủy lợi phí gián tiếp qua doanh nghiệp như hiện nay, Bộ Tài chính cho rằng: Trước khi thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí, người dân phải nộp thủy lợi phí theo quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/11/2003 về quy định chi tiết thi hành một số điều  của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL. 
Nay, Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí là để thực hiện chính sách an sinh xã hội để người nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, có tích lũy để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngân sách nhà nước cấp bù phần thủy lợi phí được miễn để chi cho các đơn vị làm nhiệm vụ tưới tiêu nước, quản lý khai thác CTTL thực hiện duy tu, bảo dưỡng vận hành CTTL thay vì người dân phải nộp thủy lợi phí.P.H

* Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng:  

“Giúp dân nhưng không trả tiền thay dân” 

Sau khi PLVN đăng tải loạt bài “Tư nhân hóa khai thác các công trình thủy lợi”, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói ông đánh giá cao các vấn đề mà PLVN đã phản ánh. Về bất cập trong quản lý, khai thác CTTL hiện nay, Thứ trưởng Thắng khẳng định: “Bộ NN&PTNT đang Dự thảo Luật Thủy lợi để nhằm khắc phục những hạn chế này”. 

Ông Thắng cho rằng, đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý lợi thế các CTTL là vấn đề rất quan trọng. Cần phải chuyển sang cơ chế thị trường gắn với tiếp tục hỗ trợ dân (nhưng không trả tiền thay dân), thúc đẩy khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia vào dịch vụ nước. Theo ông Thắng, chỉ có người dân, các thành phần kinh tế khác tham gia thì sự nghiệp thủy lợi mới thành công.

* Phải đa dạng hóa nguồn lực

“Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, việc đổi mới cơ chế, thu hút các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác lợi thế các CTTL có vai trò hết sức quan trọng. Việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia quản lý, khai thác CTTL là một giải pháp thực hiện việc xã hội hóa đối với quản lý nhà nước về khai thác CTTL. 
Nội dung này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện quyết liệt trong việc nâng cao năng lực hoạt động của các CTTL hiện có trên cơ sở thực hiện đồng bộ các biện pháp và huy động các nguồn lực trong dân tham gia quản lý khai thác CTTL.”- văn bản của Bộ Tài chính khẳng định. 

Đọc thêm