Kíp pháo thủ xe tăng 390 huyền thoại hồi tưởng khoảnh khắc 'vinh quang nhất cuộc đời'

(PLVN) -  50 năm trước, xe tăng 390 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2) đã lao thẳng vào cổng chính Dinh Độc Lập, khép lại trang sử chiến tranh, mở ra kỷ nguyên hòa bình, thống nhất đất nước Việt Nam. Hình ảnh này đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Ba trong số bốn cựu chiến binh trên chiếc xe tăng 390 lịch sử ôn lại thời khắc lịch sử trưa 30/4. (Ảnh: Nhật Tuấn)
Ba trong số bốn cựu chiến binh trên chiếc xe tăng 390 lịch sử ôn lại thời khắc lịch sử trưa 30/4. (Ảnh: Nhật Tuấn)

Biểu tượng khép lại chiến tranh, mở ra hòa bình

Tại chương trình tri ân 50 tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cựu chiến binh do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp tổ chức, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Trưa 30/4/1975, hình ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ chiến thắng tung bay và những người lính lặng lẽ giữ trật tự bên trong tòa nhà ấy đã trở thành biểu tượng khép lại chiến tranh, mở ra hòa bình. Hôm nay, câu chuyện từ họ vẫn tiếp tục truyền lửa, tiếp nối tinh thần một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của thế hệ cha anh”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta từ 5 hướng đồng loạt tổng tiến công vào nội đô Sài Gòn. Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 (thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2) do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm Trưởng xe, kíp xe gồm Thái Bá Minh - pháo thủ số 1, Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2, Lữ Văn Hỏa - lái xe.

Tiếp sau là xe tăng T-59 số hiệu 390 cũng của đơn vị này do Chính trị viên, Đại úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm Trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên - pháo thủ số 1, Thiếu úy Lê Văn Phượng - Đại đội phó kỹ thuật (thay thế pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau), Trung sĩ Nguyễn Văn Tập - lái xe.

50 năm đã trôi qua, ba trong bốn thành viên kíp xe tăng huyền thoại 390 - Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên và Nguyễn Văn Tập lại cùng nhau ôn lại khoảnh khắc mà họ gọi là “vinh quang nhất cuộc đời”.

Ông Ngô Sỹ Nguyên cho rằng mình và đồng đội là những người may mắn, được lịch sử ưu ái chọn là chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập. Hình ảnh này đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đại úy Vũ Đăng Toàn kể, để xe tăng 390 đến được cổng Dinh Độc Lập là một hành trình dài với biết bao xương máu của đồng bào, đồng đội. Hồi tưởng về thời khắc buổi trưa lịch sử ấy, ông Toàn cho biết đại đội của ông lúc này có 8 xe vào nội đô để chiến đấu. Hai xe tăng của đại đội trưởng và chính trị viên vào đầu tiên. Xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận là xe đầu tiên đi vào đường Lê Duẩn (hiện nay). Tới Dinh Độc Lập thì xe tăng 843 rẽ sang cổng phụ bên trái và dừng lại trước cổng. Đi liền sau đó là xe tăng 390.

Khi thấy xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận dừng lại phía trước, lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập xin ý kiến của Đại đội trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn. Không chần chừ, ông Toàn giao nhiệm vụ cho ông Tập: “Chú tông thẳng vào”.

Ngay lập tức, lái xe Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập và tiếp tục tiến thẳng vào sân. “Chúng tôi vào trong sân, một đội hình xe tăng bọc thép của địch còn nguyên. Ngoảnh lại phía sau, chúng tôi thấy đồng chí Thận cầm cờ chạy theo xe tăng 390. Sau đó xe tăng 390 chạy chậm lại và yểm trợ đồng chí Thận”, ông Nguyên kể.

Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng về một động tác cuối cùng kết thúc cuộc chiến. Vinh quang tiến chiếm cứ điểm cuối cùng quan trọng nhất của cuộc chiến thuộc về binh chủng tăng thiết giáp. Nhưng để đến được “giữa Sài Gòn”, tiến chiếm cơ quan đầu não cuối cùng của đối phương, những người lính xe tăng quân giải phóng đã có một hành trình bắt đầu tận ga tàu hỏa ở Vĩnh Yên từ cuối năm 1971, vào đến Vinh, rồi hành quân qua Quảng Bình, Quảng Trị, tham chiến ở chiến trường Thừa Thiên - Huế, vào giải phóng Đà Nẵng, tiếp tục vào Nam...

Hành trình tới chiến thắng

Sau khi ký kết Hiệp định Pari, năm 1974, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 203) rút về A Sầu - A lưới để huấn luyện, củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Đến tháng 3/1975, cả đơn vị của ông Ngô Sĩ Nguyên bắt đầu bước vào những trận chiến đấu: Hai ngày 17/3 và 18/3/1975, chiến đấu tiêu diệt địch ở núi Bông, núi Nghệ (phía Tây Nam Huế); ngày 25/3/1975, đơn vị hành quân tham gia chiến đấu giải phóng thành phố Đà Nẵng. Sau đó đơn vị củng cố, bổ sung đạn dược, vũ khí và quân số. Thời điểm này, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 được chuyển về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203.

Xe tăng 390 húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Françoise De Muller)

Xe tăng 390 húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: Françoise De Muller)

Đầu tháng 4/1975, đơn vị của ông Nguyên nhận được lệnh hành quân thần tốc tiếp tục chiến đấu giải phóng các địa phương: Phan Rang, Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa... Thời gian này, đơn vị của ông vừa đi, vừa đánh.

Ngày 26/4, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông Nguyên được lệnh đánh mở đường vào căn cứ quân sự Nước Trong, nơi có trường sĩ quan thiết giáp của địch. Tới 12 giờ ngày 28/4, đơn vị đã giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2.

“Lúc này đã rất gần Sài Gòn, hơn ai hết, những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cảm nhận được ngày đất nước thống nhất đã đến rất gần. Trước đó, Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng đã căn cứ vào bản đồ xe buýt Sài Gòn cho đắp sa bàn để những người lính chúng tôi dễ hình dung về hướng đi vào Sài Gòn”, ông Nguyên kể.

Sáng 30/4, Tiểu đoàn 1 do đồng chí Ngô Văn Nhỡ làm tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn. Tuy nhiên, từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một đến cầu Sài Gòn, địch chống trả rất quyết liệt.

“Lúc đó là tờ mờ sáng, đạn bay rít xung quanh, tuy nhiên không ai nao núng. Khi nghe tin đồng chí Tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Nhỡ hy sinh khi chỉ huy càng khiến đơn vị quyết tiến lên”, ông Nguyên nói tiếp.

Xe tăng đi đầu tiên của tiểu đoàn mang số hiệu 866 do đồng chí Lê Tiến Hùng phụ trách, nhưng qua cầu Sài Gòn thì bị trúng đạn của địch. Xe tăng 390 đi ngay sau vẫn tiếp tục tiến lên giữa sự phản kích quyết lịch của địch, vừa đi vừa phối hợp với các xe tăng khác hợp đồng tác chiến, dập tắt các điểm hỏa lực của địch. Khi tới ngã tư Hàng Xanh, lực lượng phản kích của địch gồm có xe M113, xe bọc thép và GMC đánh trả ác liệt.

“Vừa nhìn thấy lực lượng địch, đồng chí Toàn và đồng chí Tập hô: “Nguyên, Nguyên... mục tiêu!”. Bình tĩnh ngắm bắn, tôi đã tiêu diệt 2 xe M113 và nhiều GMC chở lính địch”, ông Nguyên nhớ lại.

“Vượt qua Hàng Xanh thì đường phố vắng hoe, xe chúng tôi tiếp tục tiến lên theo trí nhớ về hướng dẫn sa bàn trước đó. Đến một ngã tư, chúng tôi hỏi đường, họ bảo lạc rồi nên quay lại. Chúng tôi lùi lại và chuyển hướng tiến về Dinh Độc Lập, gặp xe tăng 843 của trung úy Bùi Quang Thận ở phía trước”, ông Nguyên kể.

Khoảnh khắc cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

Lái xe tăng 390 Nguyễn Văn Tập bộc bạch: “Không đơn giản mà xe tăng của ta tới cổng Dinh Độc Lập ngay được. Bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để cho chúng tôi tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập”.

Trước đó các đơn vị đã có bàn thảo để hợp đồng tác chiến, ai hoặc đơn vị nào vào dinh trước, dù phải hy sinh cũng phải cắm cờ giải phóng, vì thế thấy đồng chí Bùi Quang Thận đã cầm cờ chạy theo xe từ sau, trưởng xe Vũ Đăng Toàn nhanh trí lấy thêm khẩu AK nhảy xuống xe để chi viện, yểm trợ cho đồng đội. Hai người lính cứ thế chạy thẳng vào dinh bằng tất cả tinh thần quả cảm, vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ai cũng mong lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhanh chóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh để đồng bào và đồng đội không còn đổ máu.

Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn nhớ lại: “Chúng tôi chạy rất nhanh. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh.

Ông thông báo tổng thống vẫn còn sống và mời chúng tôi lên làm việc. Khi đến nội các, có khoảng trên dưới 60 người, họ rất sợ khi nhìn thấy quân giải phóng chúng tôi cầm súng bước vào”.

Trong lúc đồng chí Bùi Quang Thận lên nóc dinh cắm cờ, trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn ở lại dồn và quản lý Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các, chờ cấp trên đến làm việc.

Lúc này, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cũng lên tới nơi và đứng gác ở cửa phòng. Lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng, thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh để yểm trợ cho Bùi Quang Thận cắm cờ. Sau khi anh Thận cắm cờ, những người lính thấy trong lòng dâng lên cảm xúc khó tả.

Lá cờ quân giải phóng do Đại đội trưởng Đại đội 4 Lữ đoàn 203 Bùi Quang Thận cắm trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 trở thành hình ảnh chiến thắng đầu tiên đầy ấn tượng.

Nhiều người hô: “Giải phóng đất nước rồi các đồng chí, các bạn ơi. Còn gì sung sướng bằng! Tất cả đều vỡ òa niềm vui trong nước mắt”, ông Nguyên xúc động nhớ lại.

Ông Vũ Đăng Toàn xúc động nói: “Chúng tôi đã giành lại Tổ quốc bằng biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí. Mong thế hệ trẻ hôm nay biết giữ gìn, phát triển đất nước để xứng đáng với tầm vóc của những người đã ngã xuống”.

Trung tướng Trương Thiên Tô bày tỏ: “Mỗi câu chuyện, mỗi dòng ký ức, mỗi gương mặt hiện diện tại đây là một trang sử sống động, là ngọn lửa thiêng truyền cảm hứng, là mệnh lệnh nhắc nhở thế hệ hôm nay phải không ngừng ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh và thành quả cách mạng của thế hệ cha anh”.

Đọc thêm