Kon Plông (Kon Tum): Bao nhiêu rừng tự nhiên đã bị đốn hạ cho các dự án kém hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù chưa có một đợt rà soát chính thức nào từ phía tỉnh Kon Tum nhưng với những con số thống kê rải rác ở một số cơ quan chức năng của tỉnh này cũng đã cho thấy diện tích rừng đã bị đốn hạ tại huyện Kon Plông để nhường chỗ cho một loạt dự án du lịch sinh thái kém hiệu quả là nghiêm trọng.
Hiện trạng rừng tại huyện Kon Plong với các thân cây rừng đã bị chặt phá nằm ngổn ngang.
Hiện trạng rừng tại huyện Kon Plong với các thân cây rừng đã bị chặt phá nằm ngổn ngang.

Một tờ trình, gần 6 ha rừng tự nhiên biến mất

Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Kon Plông, ngày 30/9/2020, HĐND huyện Kon Plông đã ban hành Nghị quyết bổ sung danh mục và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thư phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông (Dự án Khu biệt thự).

Dự án này có vị trí tại khoảnh 8,13,14 tiểu khu 483A thị trấn Măng Đen, do UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 63,3 ha, trong đó riêng diện tích xin chuyển sang đất ở đô thị là 39,6 ha.

Đáng chú ý, tại Tờ trình số 110/TTr-UBND ngày 21/5/2021 do ông Đăng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon PLông ký ban hành về việc xin chuyển mục đích sử dụng đất đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Khu biệt thự, báo cáo hiện trạng khu đất là “đất chưa sử dụng và đất rừng sản xuất nhưng không có rừng”.

Tuy nhiên, nội dung báo cáo nói trên của UBND huyện Kon Plông có dấu hiệu bất minh, không trung thực. Bởi theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 được phê duyệt tại Quyết định (QĐ) số 1307/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Kon Tum; QĐ số 255/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND huyện Kon Plông về việc công bố hiện trạng rừng năm 2020; QĐ số 257/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020 thì kết quả hiện trạng khu vực dự án có rất nhiều rừng chứ không phải không có rừng như huyện này nêu trong tờ trình.

Cụ thể, theo các QĐ nói trên khu đất dự án có diện tích rừng hiện hữu lên tới 6,01 ha, trong đó rừng tự nhiên TXP là 5,75 ha, rừng trồng RTG có 0,26 ha. Đất không có rừng, ngoài quy hoạch ba loại rừng chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ, chỉ chừng 0,19 ha.

Những gốc cây có đường kính 1m bị chặt hạ tại tiểu khu 483A

Những gốc cây có đường kính 1m bị chặt hạ tại tiểu khu 483A

Theo thông tin mà PV Báo PLVN có được, ngày 17/6/2021, sau khi tiếp nhận tờ trình nói trên và tiến hành rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất Dự án Khu biệt thự mà UBND huyện Kon Plông đề nghị, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cũng đã phát hiện số liệu diện tích rừng bị thiếu hụt một cách rất bất thường nói trên. Cơ quan này sau đó đã buộc phải trả lại hồ sơ lại với lý do “chưa đủ cơ sở để trình UBND tỉnh xem xét chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất để thực hiện dự án đầu tư”.

Tìm hiểu thêm của PV được biết, quá trình rà soát, Sở TN&MT Kon Tum phát hiện đã có sự khác nhau giữa hiện trạng rừng tại thời điểm kiểm tra ngày 31/3/2021 (UBND huyện Kon Plông lấy cơ sở làm tờ trình với UBND tỉnh) so với hiện trạng rừng theo Kết quả kiểm kê rừng năm 2014, kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020 và kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020.

Trong một văn bản phát đi vào giữa tháng 6/2021, Sở này đề nghị Sở NN&PTNT, UBND huyện Kon Plông cần làm rõ về sự phù hợp với quy hoạch 03 loại rừng, làm rõ nguyên nhân mất rừng so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 và theo dõi diễn biến 03 loại rừng qua các năm.

“Đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị có liên quan nếu có mất rừng so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014, báo cáo UBND tỉnh xem xét có ý kiến chỉ đạo trước khi lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất để thực hiện dự án đầu tư”- Sở TN&MT đề nghị làm rõ diện rừng tự nhiên bị thiếu hụt.

Việc thiếu rừng trong tờ trình càng trở nên bất thường khi trả lời PV, một số người dân địa phương cho biết: Cuối năm 2020, tại các cánh rừng tại tiểu khu 483A, người dân thấy một nhóm người đưa các loại máy cưa vào chặt phá, nhóm người này nói là GPMB để thi công dự án. Theo chứng kiến của một số người dân, trong số cây bị nhóm người nói trên đốn hạ có không ít những cây gỗ có đường kính lên tới gần 1 mét.

Gần 1.400 ha rừng đã bị xóa sổ vì dự án “chiếm đất” ?

Tài liệu thu thập của PV cũng cho thấy, không chỉ gần 6 ha rừng tự nhiên biến mất ở Dự án Khu biệt thự, chỉ trong một thời gian ngắn, ít nhất đã có gần 1.400 ha rừng ở Kon Plông đã bị xóa sổ để nhường chỗ các dự án sinh thái, du lịch.

Tại Báo cáo số 09/BC-HTĐT ngày 4/5/2015 về việc rà soát tình hình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông của Phòng Tài chính kế hoạch tổ xúc tiến đầu tư của huyện Kon Plông đã xác nhận: Toàn bộ diện tích 1.392 ha nằm trong vùng quy hoạch phát triển rau, hoa quả xứ lạnh, và các loại cây trồng khác gắn với du lịch sinh thái đều là đất lâm nghiệp. Phòng này còn thông tin, các nhà đầu tư muốn đầu tư vào khu vực này đều phải nộp tiền để trồng rừng thay thế diện tích đất rừng để chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Cần phải nhắc lại, cùng thời điểm, để bảo vệ diện tích rừng còn lại tại Tây Nguyên, ngày 20/6/2016, tại Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Đối với các tỉnh Tây Nguyên, không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu héc ta rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả cả các dự án công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai (trừ những dự án phục vụ quốc phòng an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)…Trên cơ sở kết quả dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng đã được công bố, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến Chủ tịch UBND cấp huyện… địa phương để mất rừng phải kiểm điểm, xử lí rõ trách nhiệm quản lí…

Tiếp đó, tại Chỉ Thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng nêu rõ: Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại về rừng, môi trường sinh thái,… đồng thời sử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt cấp phép đầu tư…

Tuy nhiên, tại một Báo cáo của Huyện ủy Kon Plông gửi Thường trực tỉnh Ủy Kon Tum vào ngày 12/10/2020 cho thấy, trong 88 dự án đăng ký đầu tư triển khai trên trên địa bàn huyện này có tổng diện tích đăng ký là hơn 8.425 ha. Đa số các dự án này được huyện ủy Kon Plông thừa nhận là đều chậm tiến độ, không mại lại hiệu quả kinh tế -xã hội, nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, thậm chí có lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, sang nhượng dự án...

Cần phải nhấn mạnh, số rừng bị xóa sổ từ hàng chục dự án “chiếm đất, giữ chỗ” chỉ là số diện tích được thống kê rải rác từ các báo cáo của cơ quan chức huyện Kon Plông, thực tế rừng ở đây đã bị mất bao nhiêu, rừng tự nhiên còn lại bao nhiều… vẫn còn là ẩn số khi chưa có một thống kê chính thức nào từ cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum.

Dư luận địa phương cho rằng, đang có dấu hiệu của sự buông lỏng trong quản lí để cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương đầu tư của tình để đua nhau trục lợi tài nguyên rừng? Người dân đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cần sớm vào cuộc làm rõ những bất thường không chỉ ở dự án Đấu giá Khu Biệt thự mà rộng hơn là chủ trương thu hút đầu tư ồ ạt đối với hàng chục dự án kém hiệu quả trong những năm qua tại địa bàn huyện này đã gây thiệt hại bao nhiêu tài nguyên rừng tự nhiên ở đây?

Đọc thêm