KOSMIK Live Concert: Thác loạn” như những vũ trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc khán giả phản ứng và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý show diễn KOSMIK Live Concert là một bài học với những người tổ chức biểu diễn về ranh giới giữa cởi mở, phóng khoáng và vi phạm thuần phong mỹ tục.
Một cảnh trong show diễn KOSMIK Live Concert. (Nguồn ảnh: Zing)
Một cảnh trong show diễn KOSMIK Live Concert. (Nguồn ảnh: Zing)

Show diễn nhiều “sạn”

Những ồn ào xoay quanh show diễn KOSMIK Live Concert vẫn chưa hết “nóng”. Đêm nhạc kỷ niệm 11 năm thành lập nhóm SpaceSpeakers diễn ra vào tối 12/11 tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP HCM) có sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ gồm Touliver, Rhymastic, Kimmese, Binz, JustaTee, SOOBIN... với khoảng 5.000 khán giả tham dự.

Mặc dù được đánh giá là có đầu tư, âm nhạc chất lượng, nhưng đêm nhạc vấp phải phản ứng của nhiều khán giả vì những cảnh phản cảm. Cụ thể, trong tiết mục They Said, nam ca sĩ Binz xuất hiện trên một chiếc giường cùng người mẫu nữ. Trong khi trình diễn, nam rapper có động tác rưới bia lên cô gái. Một số tiết mục có nhiều màn tương tác quá gợi cảm. Đồng thời, các góc khán đài, một số vũ công thực hiện phần múa cột cũng không kém phần táo bạo. Có khán giả cho rằng, nhiều cảnh của đêm diễn đã tạo nên một không khí “ăn chơi thác loạn” như những vũ trường.

Nhiều người còn lo ngại vì không ít khán giả trẻ tuổi, thậm chí dưới 18 tuổi tham gia chương trình. Trong khi đó phần truyền thông hoặc bán vé và cả kiểm soát ra vào, chương trình không dán nhãn, cảnh báo hay kiểm soát độ tuổi. Nhiều bậc phụ huynh lo ngại những hình ảnh “trái thuần phong mỹ tục” này sẽ gây ảnh hưởng không hay đến nhận thức của giới trẻ lẫn trẻ em khi xem chương trình.

Mới đây, sau khi nhận được phản ánh của khán giả, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã cho rà soát nội dung của đêm diễn này để có hướng xử lý cụ thể.

Theo đại diện Sở, nếu chương trình vi phạm các quy định tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì Ban Tổ chức chương trình cũng như nghệ sĩ biểu diễn sẽ phải chịu trách nhiệm theo các quy định pháp luật hiện hành.

Cởi mở không có nghĩa là “quá giới hạn”

Trên mạng xã hội và các diễn đàn âm nhạc, nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối vì một đêm diễn lẽ ra được đánh giá cao về phần nghe và phần nhìn, đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả lại bị tai tiếng bởi cách làm thiếu cân nhắc, quá đà.

Đồng thời, trước một số ý kiến nhỏ cho là “rap” thì nên táo bạo theo xu thế của thế giới, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng, đã biểu diễn trong nước, dù là thể loại âm nhạc nào, “underground” hay âm nhạc “chính thống” thì vẫn cần phải dựa trên hai nền tảng là thuần phong mỹ tục của người Việt và pháp luật Việt Nam. Bằng chứng là, đêm nhạc KOSMIK Live Concert, dù khán giả đều là những người yêu chuộng dòng nhạc “underground”, nhưng khi đêm nhạc có dấu hiệu đi quá đà, vượt quá thuần phong mỹ tục, cũng chính khán giả đã bày tỏ thái độ không đồng tình và lên tiếng “tố” sự việc đến cơ quan chức năng.

Thực tế, ngay cả tại môi trường âm nhạc của các quốc gia có tiếng “thoáng” như Âu Mỹ, nhưng những đêm nhạc của nghệ sĩ có hình ảnh phản cảm vẫn chịu búa rìu, thậm chí bị dư luận đòi tẩy chay. Năm 2021, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã nhận được các khiếu nại về màn trình diễn phản cảm của các “sao” nữ Madonna, Normani, Teyana Taylor tại Lễ trao giải Video nhạc MTV diễn ra ở Trung tâm Barclays, New York.

Có thể thấy, dù dòng âm nhạc nào, quốc gia nào thì điều quan trọng mà nghệ sĩ và các đơn vị tổ chức biểu diễn cần cân nhắc khi tổ chức một chương trình âm nhạc chính là đem đến những cảm xúc tích cực, những giá trị nghệ thuật tốt đẹp cho khán giả. Vì lý do sáng tạo “vượt ngoài khuôn khổ” mà gây ra sự phản cảm, vi phạm quy định của pháp luật và khiến khán giả mất cảm tình thì sẽ uổng phí công sức đã gầy dựng.

Nghị định số144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.