Khi đóa hoa Pơ lang đỏ rực trên những thân cây cao vút khắp đất trời Tây Nguyên cũng là lúc con ong vào mùa đi lấy mật, cùng khi ấy thiếu nữ ở khắp các bản làng của đồng bào Chu Ru (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) rộn ràng bước vào mùa “bắt chồng”.
Dân tộc Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ, đàn bà làm chủ sự gia đình, còn đàn ông phải đi ở rể. Thiếu nữ Chu Ru khi đến tuổi trăm rằm là có quyền được “bắt chồng”. Việc đi hỏi chồng cũng có phần kỳ lạ bởi nhiều khi cô gái chưa biết rõ thân thế, lai lịch và ý định đức lang quân của mình nên phải nhờ bà mối sang nhà trai thăm dò trước đó hàng tháng trời, thậm chí là vài năm ròng.
Khi đã phải lòng một chàng trai nào đó, cô gái liền về thông báo cho cả gia đình và dòng họ mình được biết. Gia đình sẽ đi nhờ bà mối cùng với ông cậu sang nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ cùng đồng ý thì họ sẽ bàn bạc và chọn một đêm đẹp trời, tốt lành để cô gái đến đeo nhẫn vào tay người con trai. Nếu sau đêm đẹp trời đó mà chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay thì có nghĩa là cách thể hiện sự chấp thuận muốn cưới cô gái đó về làm vợ.
Còn sau khi trao nhẫn cho người trong mộng mà người con trai không ưng thì có họ cũng tìm cách khước từ một cách tế nhị để nhà gái ra về mà không cảm thấy bị bẽ mặt và tổn thương. Nếu cô gái vẫn nhất quyết muốn bắt chàng trai này về làm chồng thì sau 7 ngày, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến nhà chàng trai để trao nhẫn lại cho đến khi anh ta chịu chấp nhận thì mới thôi.
Lễ vật của nhà gái. |
Chỉ đến khi gia đình 2 bên đồng ý, lễ hội bắt chồng mới được chuẩn bị. Trong thời gian chuẩn bị “bắt chồng” về nhà, cô gái được gia đình đưa đến nhà trai ở 7 ngày. Thời gian này, cô gái phải thể hiện năng khiếu và bản lĩnh của mình trong việc phụ giúp gia đình nhà chồng làm những công việc hàng ngày như: Nấu cơm, cắt cỏ, lên rừng lấy củi... Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Sang đến ngày thứ 8, không thấy con gái mình về thì lúc đó gia đình nhà gái sẽ mang lễ vật sang đón con gái và con rể về. Khi sang đón rể về nhà gái phải chuẩn bị lễ vật, đó có thể là một con heo hoặc trâu, bò và lương thực, thực phẩm đủ để làm cỗ cho cả hai nhà và thết đãi họ hàng, bà con chung vui.
Chuyện “bắt chồng” của những cô gái Chu Ru chỉ diễn ra vào một mùa trong năm. Đó là mùa con ong đi lấy mật, thường thì mùa “bắt chồng” được tính từ mùng 1 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để thiếu nữ Chu Ru tỏ tình và cầu hôn với người thương của mình. Điều đó không chỉ thể hiện ước muốn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, mà còn là cơ hội để thiếu nữ Chu Ru thể hiện những phẩm chất đáng quý trong việc xây dựng tổ ấm gia đình.
Trước lễ cưới một ngày, buôn làng sẽ tổ chức một đêm hội gọi là đêm hội bắt chồng. Ban đêm, khi mọi người trong buôn làng đã say giấc nồng, thiếu nữ Chu Ru cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đi nhẹ nhàng đến nhà trai để thực hiện việc “bắt chồng”. Theo phong tục truyền thống, lễ hội bắt chồng diễn ra qua 4 nghi lễ: Nau Rwang (dạm); Nautơnia (hỏi); Bơng Khiang gơu (cưới) và Nau choă (thăm nhà). Nhà gái chuẩn bị lễ vật bắt chồng gồm: Một con gà, trầu cau, thuốc lá, rượu cần, nhẫn bạc và lễ tặng gia đình nhà trai gồm: 10 dây cườm, 10 lá khăn và một số lễ vật phục vụ chăn nuôi, sản xuất.
Sau khi trao đổi giữa đại diện nhà trai và nhà gái, cả hai bên thuận tình, đại diện nhà gái sẽ trao nhẫn cho chàng trai và cô gái cùng các lễ vật đã chuẩn bị sẵn cho nhà trai. Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước”... Xem đó như là lời răn dạy, và là những bài học ý nghĩa để sống tốt với nhau. Chiếc nhẫn đính ước lại một lần nữa được chàng trai cô gái trao lại cho nhau thể hiện sự giao hòa, chia sẻ. Từ giây phút này, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng.
Sau đó, đại diện hai họ quấn một tấm khăn trắng cho cặp vợ chồng trẻ. Tấm khăn trong văn hóa của người Chu Ru mang ý nghĩa rất lớn, tượng trưng cho sự êm ấm, hạnh phúc lâu bền của cặp vợ chồng. Cha chú rể đưa cho con một cây liềm (để chém ma tà cản trở) rồi cặp vợ chồng bước vào phòng chú rể, cùng nhau ăn trầu, hút tẩu thuốc trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình.
Trong đêm hội này, hai bên thông gia và khách mời ăn uống vui vẻ, múa hát và đấu chiêng mừng ngày vui của cô dâu, chú rể. Sau lễ cúng tổ tiên nhà trai, hai bên hát đối đáp, rồi cùng nhau ăn uống, nhảy múa cả ngày, cả đêm. Màn đấu chiêng cũng là một phần không thể thiếu trong lễ cưới. Qua phần đấu chiêng này, những mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui và vun đắp cho hạnh phúc lứa đôi.
Trong khi đó, hai vợ chồng cứ ngồi trong phòng đợi người lớn bàn tính chuyện tương lai, đến khoảng 1-2h sáng thì nhà gái xin đưa chú rể cùng cô dâu qua nhà mình ngay trong đêm. Đêm này được coi là “đêm thiêng”, cả hai vợ chồng sẽ phải ghi nhớ suốt đời, tuyệt đối không được quên. Sau lễ cưới đúng 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ cẩn thận ở một nơi không ai biết đến.
Theo già làng Ya Phú (SN 1937, thôn Ma Lanh, xã Tu Tra) kể, trước đây, những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai. Nhà gái tự chọn ngày rồi đột ngột kéo sang nhà trai, mặc dù có sự thăm viếng đột ngột nhưng nhà trai vẫn phải niềm nở đón khách. Sau đó, cô gái dâng 3 tấm khăn được gấp gọn ghẽ dâng lên phía trước. Ông trưởng đoàn (thường là cậu ruột) sẽ xin thưa với nhà trai, rằng cháu gái họ đã để ý và đem lòng yêu thương chàng trai, mong gia đình chấp nhận.
Sau cuộc trò chuyện giữa hai bên, nếu cha mẹ chàng trai đồng ý, sẽ vào gọi con trai ra và hỏi ý kiến con trước khi trả lời nhà gái. Nếu được sự đồng thuận, cô gái sẽ dâng khăn cho chàng trai và kể từ giây phút đó, họ đã được chấp nhận là con cái trong nhà. Hai bên tiến hành lễ hợp hôn cho đôi trai gái. Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình. Thời gian đưa cả cô dâu và chú rể về nhà gái cũng diễn ra vào lúc 1-2h sáng.
Lễ hội bắt chồng cho đến nay vẫn được cộng đồng người Chu Ru duy trì. Đồng bào cho rằng nếu tổ chức đám cưới đàng hoàng theo đúng nghi lễ thì rất tốn kém. Nhiều gia đình cưới chồng cho con xong thì mang nợ nần chồng chất, hai vợ chồng phải lao động cả đời để trả nợ, hạnh phúc gia đình vì thế cũng ít nhiều ảnh hưởng. Nhưng nếu mỗi một mùa rẫy trôi qua, khi con bò cái đẻ thêm con, trâu đực nó theo bầy khác, ché mạng nhện giăng đầy, rượu đã cạn vài ghè mà thiếu nữ Chu Ru vẫn chưa tìm cho mình được một đức lang quân như ý muốn thì họ lo sợ mình sẽ phải ở giá suốt đời. Không ai muốn mình ở vậy cả đời, nếu không may rơi vào tình trạng đó thì đó đúng là nỗi buồn đáng sợ nhất của thiếu nữ Chu Ru trên đại ngàn cao nguyên hùng vĩ này...