Gặp cụ ông 109 tuổi trường thọ giữa rừng sâu

(PLO) - Sống ở nơi rừng sâu nước thẳm cách thành phố Hòa Bình hơn 100 km quanh năm mây mù, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng cụ Bàn Văn Phiêm ở xóm Lài, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc, Hoà Bình vẫn đại thọ. Năm nay 109 tuổi, cụ  không những khoẻ mạnh mà còn chữa bệnh cứu người.  
Cụ Bàn Văn Phiêm
Cụ Bàn Văn Phiêm 
Rau cháo sống trăm tuổi
Sau nửa buổi đánh vật với con đường đất trơn trượt từ trung tâm xã Đồng Nghê lên xóm Lài chúng tôi mới đến được nhà lão Phiêm. Ông Xa Văn Mạnh- Chủ tịch UBND xã bảo: Con đường bây giờ đi là “sướng” đấy. Trước đây chỉ là đường mòn đi được xe máy thôi. Trời mưa thì chịu. Trong 2 năm 2011-2012 chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư làm đường với chiều dài gần 10km nên giờ đi cũng đỡ vất vả hơn. 
Xóm Lài chỉ có 16 nóc nhà giáp ranh thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn. Theo người dân ở đây thì từ trung tâm xóm đến vườn quốc gia chỉ một con dao quăng. Nhà cụ Phiêm nằm chênh vênh bên sườn núi ở giữa xóm. Căn nhà gỗ đã nhuộm màu khói bếp, cụ đang ngồi nghỉ trong nhà. Lần đầu gặp tôi cảm giác cụ như một vị thần bí ẩn trong truyện cổ Hi Lạp. Khuôn mặt gầy, tóc lốm đốm bạc vuốt ngược, râu trắng de dẻ hồng hào. Cụ sinh năm 1905 năm nay tròn 109 tuổi nhưng nom còn khỏe lắm. 
Màn chiều đã bao trùm xóm nhỏ nơi rừng sâu, cụ Phiêm sai con dâu đi làm cơm đãi khách. Rảnh rỗi cụ kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe. Cụ sinh ra ở xóm Nghê. Khi lớn lên thì Pháp, Nhật xâm lược, cụ tham gia làm thông tin liên lạc cho Việt Minh, lên xóm Lài dựng nóc nhà làm căn cứ nuôi bộ đội. Hồi đó đâu đã có xóm, có làng như bây giờ, chỉ là cánh rừng già rừng thiêng nước độc mây phủ quanh năm… 
Bà Bàn Thị Tin con dâu cụ kể: Cách đây vài năm có một lần cụ leo núi lấy cây thuốc bị ngã gẫy chân, từ đó đến nay cụ không đi xa được nữa, nhưng được cái trời vẫn phú cho sức khỏe. Dù trời nắng hay mưa hay rét buốt, bao năm nay thực đơn của cụ mỗi bữa 2 chén rượu, 2 bát cơm, gia đình có gì thì cụ ăn vậy. Anh Bàn Văn Thọ - cháu của lão Phiêm cho biết: “Tôi chưa từng thấy cụ ốm đau lần nào, cụ ăn uống rất đều. Thức ăn có thể thiếu nhưng rượu thì bữa nào cũng phải có. Cụ đã vinh dự 2 lần được nhận lụa biếu của Chủ tịch nước”. 
Chữa bệnh bằng ống hút trời ban 
Đêm hôm đó, chúng tôi nghỉ lại tại nhà cụ Phiêm. Sáng sớm tinh mơ đã thấy cụ dậy ngồi đầu hiên nhìn ra ngọn núi bên Vườn quốc gia Xuân Sơn. Những năm trước đây, cụ còn vào rừng hái lá thuốc để cứu người. Mấy năm gần đây, sức khỏe giảm sút nên lão chỉ đi lại quanh nhà. Sau bữa cơm sáng, đã thấy có mấy vị khách lạ, quần áo ướt đẫm sương đêm tìm đến nhà cụ Phiêm. Hóa ra họ đến để nhờ cụ chữa bệnh. 
Cụ Phiêm có một biệt tài nữa là dùng ống để hút bệnh. Người khách nữ tên là Bàn Thị Hoa, nhà ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bà Hoa bị hâm hâm dở dở nhiều ngày nay rồi. Gia đình đã đưa bà đi khám nhiều nơi nhưng bệnh không biến chuyển. Nhiều người trong bản cũng bị mắc bệnh giống như bà Hoa đã được cụ Phiêm chữa khỏi nên mọi người mới đưa bà Hoa sang bản Lài chữa thử. 
Cách chữa bệnh của cụ Phiêm vô cùng bí hiểm. Tôi nhìn quanh ngôi nhà gỗ chẳng có đồ vật gì liên quan đến ngành y cả. Tôi hỏi cụ Phiêm về việc này, cụ thì bảo: “Nhà báo cứ đợi xem, một lát nữa khắc biết”. Ai đến nhà cụ chữa bệnh cũng phải sửa một cái lễ, gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 6 bát cơm… Cụ để cái mâm lễ ra phía trước cửa nhà rồi lẩm nhẩm khấn vái. 
Cụ bảo, mục đích của việc hành lễ này là để tạ ơn thần núi, thần rừng đã ban cho cụ cách chữa bệnh rất bí hiểm này, chứ không phải cúng để chữa bệnh. Sau khi đã cúng xong, cụ mới thắp một que hương và bảo người bệnh ngồi cạnh bếp. Cụ bảo, đưa que hương đi đến đâu là cụ có thể cảm nhận được từng bộ phận của con người là khỏe hay yếu. Đôi mắt của cụ như gắn máy nội soi vậy. 
Xem cụ chữa bệnh tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cụ đặt một cái ống hút dài khoảng 30cm to bằng ngón tay trỏ lên đầu bà Hoa rồi hút. Cụ làm đi làm lại 3 lần. Lạ thay, cụ hút ra cả những viên đá trắng nhỏ như hạt vừng. Được tận mắt chứng kiến cảnh này nên tôi mới tin đó là sự thực. Cứ như thế mấy bệnh nhân khác cũng được cụ dùng ống hút bệnh. Hôm chúng tôi ở nhà cụ Phiêm có cả già làng Bàn Văn Khang sang chơi. Ông Khang xác nhận, cách chữa bệnh của cụ Phiêm là vô cùng bí ẩn. 
Già làng Bàn Văn Khang từng nhiều lần được lão Phiêm cứu chữa
Già làng Bàn Văn Khang từng nhiều lần
được lão Phiêm cứu chữa 
Trước đây, bản ở xa Trung tâm Y tế huyện nên trẻ con, người già trong bản là trông cả vào cụ Phiêm. Cụ kể: Chiếc ống hút này có gần một trăm nay rồi. Hồi chưa chữa bệnh tôi cũng như người khác. Một đêm đang ngủ có người bảo dậy mà học cách chữa bệnh rồi tôi đi theo người đó vào trong rừng. Sáng hôm sau khi trở về thì không hiểu sao mang một chiếc ống hút về.  
Quả thực cách chữa bệnh của cụ Phiêm đến giờ rất khó lý giải, có thể nhiều người chưa tin, nhưng tôi tin cụ chữa bệnh là để cứu người, chứ đâu để kiếm tiền. Thực tế là gần cả thế kỷ hành nghề cứu người, cụ chưa từng lấy của ai một đồng xu nào. Ai được cụ chữa khỏi bệnh, biếu cụ chai rượu rồi ở lại nhà cụ ăn luôn chứ không lấy tiền. 
Có lẽ người vất vả nhất trong gia đình này là bà Bàn Thị Tin. Năm nay bà Tin cũng đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn phải làm quần quật trên nương. Tối về lại phải lo cơm nước cho bố chồng và những người bệnh ở khắp nơi kéo đến. Bà Tin bảo, có những người ở nhà tôi cả tháng mới chữa khỏi bệnh. Nhà tôi lại phải lo cơm nước, chỗ nghỉ đàng hoàng cho họ. 
Bà Tin bảo: “Bố chồng tôi có hàng trăm người con nuôi ở khắp mọi nơi. Họ được cụ chữa khỏi bệnh nên nhận cụ là bố nuôi. Những ngày giáp Tết nhà tôi đông như có hội vì mọi người kéo về thăm cụ”. 
Chiếc ống hút bệnh độc đáo của lão Phiêm
Chiếc ống hút bệnh độc đáo của lão Phiêm 
Đến UBND xã Đồng Nghê hỏi về cụ Phiêm, cán bộ nơi đây đều tỏ lòng kính trọng. Họ cũng coi cụ như ân nhân bởi lẽ ở đây gia đình nào cũng có người từng được lão Phiêm cứu chữa. Ông Bùi Ngọc Thích, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã sống được đến ngày hôm nay là cũng nhờ cụ Phiêm. 
Chẳng là cách đây mấy năm, ông Thích bị đau bụng, đi khám ở nhiều nơi, không nơi nào xác định ra bệnh gì, ông mua thuốc về uống rồi lấy thuốc lá của các mế Mường, vậy mà bệnh tình không đỡ. Nhiều lúc lên cơn đau khiến ông sống dở chết dở. Ông từng nghe nói nhiều về cách chữa bệnh của cụ Phiêm nhưng vốn là cán bộ ông vẫn tin vào y học hiện đại. 
Khi không còn cách nào khác, ông đành nhờ con cái khiêng ông lên nhà cụ Phiêm chữa thử. Hôm chúng tôi đến ông Thích đang tất bật chuẩn bị đám cưới cho đứa con trai. Ông bảo, nếu không có lão Phiêm tôi không có được ngày hôm nay.

Đọc thêm