Kỳ án nữ tài xế hóa điên theo chiếc “xe điên”: Dấu hiệu hai cấp tòa “quên” luật khi quyết định mức án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đây là một vụ án hết sức phức tạp, ý kiến của phía bị cáo đưa ra có sức thuyết phục, có chứng cứ kèm theo; nhưng Bản án đã không ghi nhận những vấn đề này
 Hiện trường vụ “xe điên”.
Hiện trường vụ “xe điên”.

Như PLVN đã phản ánh, chiều 4/9/2013, bà Lê Hoàng Linh (SN 1991, vợ ông Lê Văn Cương, SN 1971, ngụ Hà Nội) cầm lái chiếc xe “nhập Mỹ” Toyota Venza dừng đèn đỏ tại ngã tư Trần Nhân Tông - phố Huế - Trần Xuân Soạn, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bất ngờ chiếc "xe điên" lồng lên đâm một loạt người rồi lật ngửa.

Vụ việc khiến bà Ngô Thị Côi (SN 1957) tử vong. Bị cáo bị tuyên “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 202 BLHS 1999, bị tuyên bản án 5 năm 6 tháng tù.

Bị cáo nhận lỗi không có giấy phép lái xe (GPLX); nhưng đưa ra các chứng cứ cho thấy nguyên nhân chính là bản thân chiếc xe bị khuyết tật, kẹt thảm sàn chân ga, xe tự lồng lên. Cơ quan tố tụng không chấp nhận, cho rằng lỗi hoàn toàn do bà Linh. Tám năm ấm ức “vì phải gánh hết tội cho Toyota”, bị cáo trụy thai, hóa điên.

Bản án phúc thẩm vô tình “bóp méo” hình ảnh bị cáo

Dù đây là một vụ án hết sức phức tạp, ý kiến của phía bị cáo đưa ra có sức thuyết phục, có chứng cứ kèm theo; nhưng Bản án phúc thẩm 336/2018/HSPT ngày 6/6/2018 của TAND Hà Nội đã không ghi nhận những vấn đề này, hoàn toàn không có một chữ nào xe bị phản ánh “có khuyết tật”; mà chỉ đưa ra những thông tin bất lợi cho bị cáo, khiến hình ảnh của phía bị cáo vô tình bị “bóp méo”.

Tìm kiếm thông tin trên mạng về vụ TNGT này, có nhiều bài viết phản ánh chuyện bị cáo Linh nhờ người “thế thân”. Bản thân trong bản án phúc thẩm dài 36 trang, cũng đã dành tới 3 trang (trang 6,7 và 19) chỉ để nói về tình tiết này.

Theo đó, bị cáo đã gọi điện nhờ một người bạn của chồng có GPLX đứng ra nhận là người cầm lái. Nửa đêm cùng ngày xảy ra tai nạn, người này tới trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng “đầu thú”.

Tuy nhiên chưa đầy 24 tiếng sau, hồi 19h30 ngày 5/9/2013, do day dứt và được sự động viên của mọi người, bị cáo đến cơ quan công an khai nhận mình mới là người ngồi sau tay lái.

Theo xác định của CQĐT, hành vi này không cấu thành tội khai báo gian dối theo quy định tại Điều 307 BLHS 1999; CQĐT đã ra quyết định xử phạt hành vi không thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Và nhiều người không để ý đến nghi vấn nguyên nhân chính là “xe tự điên” nữa; mà chỉ tập trung quan tâm chuyện nữ tài xế đã không có GPLX, lại còn nhờ người “thế thân”.

Bị cáo khẳng định không có GPLX mà ngồi sau vô lăng là sai, nhưng không thể vì như vậy mà bỏ qua lỗi của chiếc xe khuyết tật.

Bị cáo khẳng định không có GPLX mà ngồi sau vô lăng là sai, nhưng không thể vì như vậy mà bỏ qua lỗi của chiếc xe khuyết tật.

Ông Cương đau xót kể lại: “Thời điểm xảy ra sự việc, vợ tôi còn quá trẻ, mới hơn 20 tuổi, đang mang thai khiến tâm, sinh lý thay đổi, tinh thần bấn loạn sợ hãi có hành động không đúng đắn nhờ người thế thân; phần nào nên thông cảm cho cô ấy. Tuy nhiên, ngay sau khi sai lầm, nhận ra mình cần phải sửa chữa, tôi đã đưa cô ấy tới CQĐT thú nhận sự việc, và việc nhờ “thế thân” này chưa có hậu quả gì xảy ra.

Cô ấy còn quá trẻ, đã quá đen đủi, quá đau khổ... Vậy mà một số ý kiến vội cho rằng cô ấy có “màn kịch thế người chịu tội” đã vô tình khiến cô ấy chịu áp lực tâm lý nặng nề hơn”.

Kể từ đó, mọi ý kiến của ông Cương, bà Linh về nghi vấn chiếc xe có khuyết tật đều bị bỏ qua. Theo ông Cương, khi giám định, tấm thảm sàn theo xe có thể là “thủ phạm chính” vụ án đã không còn. Cáo buộc trong bản án cũng đổ hết lỗi cho bà Linh theo cách diễn giải thiếu thống nhất, khi thì “Nguyên nhân và lỗi tai nạn: Linh không giảm tốc độ dẫn đến va chạm” (Trang 18 bản án); khi thì “do Linh không làm chủ tốc độ đã gây tai nạn” (Trang 24 bản án)...

Sao không xét đến yếu tố bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ?

LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nhận xét, trong vụ án này, còn có dấu hiệu HĐXX tuyên bị cáo mức án quá cao so với quy định pháp luật. Hồ sơ vụ án cho thấy bà Linh có 3 tình tiết giảm nhẹ. Theo Điều 47 BLHS 1999, nếu bị cáo có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ thì tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định (nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn).

Bà Linh bị truy tố ở khoản 2 Điều 202 với khung hình phạt 3 - 10 năm tù. Khung liền kề nhẹ hơn là khoản 1 Điều 202, mức án 6 tháng đến 5 năm. Nếu tòa cân nhắc áp dụng Điều 47 BLHS 1999, bà Linh có thể chỉ phải nhận mức án 2 năm 6 tháng tù.

“Theo tôi, tòa tuyên bà Linh 5 năm 6 tháng là quá nặng, chưa áp dụng đúng quy định về giảm nhẹ cho bị cáo dù có tới 3 tình tiết giảm nhẹ”, LS Thanh nói.

Cũng theo LS Thanh, chuyện ông Cương nhiều lần phản ánh chiếc xe Toyota Venza bị lỗi kẹt thảm sàn chân ga, nhưng chưa được cơ quan tố tụng xem xét là quá thiệt thòi cho phía bị cáo.

“Đây là tình tiết quan trọng cần được xem xét, điều tra làm rõ. Nếu có lỗi khách quan do kẹt thảm sàn chân ga xảy ra tai nạn thì bị cáo sẽ được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Tòa sẽ xem xét đến lỗi khách quan làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành chiếc xe dẫn đến vụ tai nạn. Từ đó, làm căn cứ để lượng hình khi tuyên án”.

Theo LS, nghi vấn chiếc xe bị khuyết tật, bị cáo chưa được xem xét 3 tình tiết giảm nhẹ khi tòa lượng hình và một số dấu hiệu vi phạm tố tụng khác như triệu tập không đúng quy định khi xét xử; là những tình tiết mới được phát hiện, có thể làm thay đổi nội dung của bản án, mà TAND Hà Nội không biết được khi ra bản án với bị cáo Linh.

Vì vậy, theo Bộ luật TTHS, Viện trưởng VKSND Cấp cao và Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội cần kháng nghị theo thủ tục tái thẩm với vụ án này; để đảm bảo không xảy ra vấn đề “lọt tội” với “thủ phạm” chính, đảm bảo bị cáo Linh được hưởng một mức án hợp lý, hợp tình.

Trở lại với vợ chồng ông Cương, bà Linh, người đàn ông thương vợ trầm ngâm: “Tôi xin khẳng định một lần nữa chuyện vợ tôi không có GPLX mà lên xe ngồi sau vô lăng là sai, nhưng không thể vì như vậy mà bỏ qua hết lỗi lầm của chiếc xe khuyết tật. Nếu chiếc xe không bất ngờ “hóa điên”, có thể đã không xảy ra tai nạn khiến người khác tử vong và bị thương, vợ tôi đã không phải nhập viện tâm thần, gia đình tôi không tan nát”.

“Có thể kiện hãng Toyota”

PLVN cũng đã có cuộc trò chuyện với LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) để giải thích về một số vấn đề pháp lý khác trong vụ án:

- Bản án cho rằng bà Linh bỏ trốn sau khi gây tai nạn thì có phải tình tiết tăng nặng không, thưa LS?

- Trong bản án không nói tình tiết này là tình tiết tăng nặng mà chỉ đưa vào tình tiết định khung. Điều này đúng với quy định tại Điều 48 BLHS 1999. Tình tiết bỏ trốn sau khi gây tai nạn chỉ là tình tiết định khung, không được xem là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, theo tôi cũng cần thông cảm với cô gái quá trẻ, đang mang thai nên tâm sinh lý không ổn định và chỉ ít giờ sau khi bỏ trốn thì đã suy nghĩ lại thú nhận sự việc.

- Hiện nay, bà Linh bị tâm thần và không thi hành án được thì phải làm sao?

- Bà Linh sẽ được tạm hoãn thi hành án theo khoản 1 Điều 67 BLHS 2015 cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

- Một câu hỏi khác, ông Cương, bà Linh có thể “níu” hãng xe được hay không?

- Căn cứ Điều 275, Điều 584 BLDS 2015, ông Cương, bà Linh có quyền khởi kiện Toyota Mỹ là chủ thể sản xuất chiếc xe đến tòa án để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. TAND TP Hà Nội sẽ là nơi thụ lý và giải quyết vụ kiện này.

Như chứng cứ ông Cương đưa ra, xe của ông Cương nằm trong lô xe bị lỗi, buộc phải triệu hồi để sửa chữa; thế nhưng Toyota Mỹ đã không thực hiện các thông báo triệu hồi, cảnh báo gửi đến ông Cương là đã "gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật". Ông Cương không biết nên vẫn lưu thông và xảy ra tai nạn gây hư hỏng tài sản, tổn thất tinh thần nên ông Cương có quyền khởi kiện.

Toyota Mỹ có thể cử người đại diện hoặc họ có thể ủy quyền cho Toyota Việt Nam hầu kiện.

- Xin cảm ơn LS!

Người liên quan “đi ra đường nghe còi ô tô là tim đập thình thịch”

Vụ án “xe điên” không chỉ khiến nạn nhân thiệt mạng, bị cáo tù tội hóa điên, mà người phụ nữ ngồi ở băng ghế sau chiếc xe bị cáo cũng ảnh hưởng tâm lý.

Nhân chứng này kể lại: “Lúc đó tôi ngồi sau, mải chơi điện thoại. Tôi nghe tiếng rú lên rồi không biết chuyện gì nữa. Một lúc sau có một người con trai, mặc quần ngắn mở cánh cửa, tôi mới tỉnh. Người ta kéo tôi ra nói “chạy đi không người ta đánh đó”. Thế là tôi hoảng loạn chạy thẳng qua Mai Hắc Đế”.

“Sau vụ tai nạn, mất một tháng tôi không dám ngủ. Cứ nhắm mắt là thấy vụ tai nạn. Đến bây giờ tôi không dám đi ngang qua chỗ đó. Nếu có việc đi ngang, tôi vòng đường khác. Đến giờ tôi còn không dám đi xe máy, đi đâu cũng nhờ mấy đứa em, đứa cháu chở đi. Đi ra đường nghe còi ô tô là tim đã đập thình thịch”.

Đọc thêm