Chuyển gần 4.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua hợp đồng nhập khẩu khống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sử dụng các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống để thực hiện việc chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 pháp nhân, các bị cáo đã chuyển hơn 3.923 tỷ đồng ra nước ngoài.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đào Thị Oanh (SN 1991, Giám đốc Cty TNHH Thương mại dịch vụ ADIA, Cty TNHH Hỗ trợ dịch vụ khu công nghiệp Việt Nam, Cty TNHH East Global Việt và Cty TNHH Tư vấn du học OD Việt Nam), Mai Thị Thu Hà (SN 1999, quê Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) và 4 bị cáo khác ra xét xử về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tuy nhiên, ngay sau đó Tòa án đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi quen biết, Đào Thị Oanh và Nguyễn Thụy Hương Trầm (SN 1993, ở TP HCM, đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 2/2023) đã liên kết cùng làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế trái phép.

Trầm có nhiệm vụ tìm đối tác nước ngoài đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và khách hàng có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài. Oanh có các nhiệm vụ: tìm kiếm khách hàng có nhu cầu chuyển tiền; thành lập và cung cấp cho Trầm các Cty ở Việt Nam để đứng tên trên hợp đồng xuất khẩu và mở tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản các Cty của Oanh để nhận tiền trong nước và chuyển tiền đến tài khoản của các Cty ở nước ngoài.

Từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2022, Oanh tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác mua, thành lập, sử dụng 9 pháp nhân tại Hà Nội, TP HCM và Hưng Yên; mở tài khoản tại các ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế; lập 2013 Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống (gồm: phụ tùng xe máy, ô tô, muối tinh, kim loại, điện tử, quần áo, gia dụng...) với 1739 Cty tại 41 quốc gia.

Sau đó, Oanh đã sử dụng các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa khống này để thực hiện việc chuyển tiền điện tử qua tài khoản ngân hàng của 9 pháp nhân trên theo hình thức chuyển tiền T/T - Thanh toán trước Hợp đồng nhập khẩu. Tổng số tiền đã chuyển vào tài khoản của các đối tác nước ngoài là hơn 3.923 tỷ đồng được thực hiện thông qua 10 ngân hàng.

Việc tạo lệnh và duyệt lệnh chuyển tiền được thực hiện trên máy tính, thông qua hình thức chuyển tiền Internet Banking tại Văn phòng của Cty TNHH Thương mại dịch vụ ADIA, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khi thực hiện chuyển tiền thanh toán quốc tế, toàn bộ các chứng từ hải quan (gồm: Tờ khai Hải quan, Invoice, Bill of lading, Packing list) được các đối tượng xin nợ và cam kết hoàn trả thủ tục sau khi nhận nhập khẩu hàng.

Thực tế, sau khi chuyển tiền ra nước ngoài, Oanh không làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, không có chứng từ nhập khẩu hàng hóa nộp cho các ngân hàng, không khai báo thuế, giải thể các Cty nêu trên để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Trầm chia cho Oanh từ 15 đồng đến 30 đồng/1 USD được chuyển ra nước ngoài căn cứ theo tỷ giá USD từng thời điểm.

Nguồn tiền đầu vào của 9 pháp nhân trên (F0) là từ 29 cá nhân và 8 Cty (F1) chuyển đến với số tiền hơn 3.429 tỷ đồng. Tra soát tiếp, nguồn tiền trên là từ 946 cá nhân và 9 Cty (F2) chuyển đến với số tiền 20.541 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định trong tổng số tiền được chuyển vào tài khoản của 9 Cty trên có hơn 3.923 tỷ đồng được chuyển trái phép ra nước ngoài và hơn 96,9 tỷ đồng được chuyển ngược lại cho các Cty và cá nhân trong nước vì ngân hàng ngăn chặn hoặc khách hàng hủy ngang…

Theo cáo trạng, các bị cáo chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài số tiền hơn 3.923 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, Oanh khai nhận sử dụng số tiền trên để trả lương cho các nhân viên. Trong vụ án này, Oanh được xác định là đối tượng cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác.

Đối với Nguyễn Thụy Hương Trầm đã xuất cảnh sang Mỹ và số lượng các công ty khác có dấu hiệu chuyển tiền trái phép và nhóm đối tượng liên quan (đối tượng trung gian, khách hàng chuyển tiền ra nước ngoài…) là rất lớn nên Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội ra quyết định tách hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án để điều tra, xác minh làm rõ sau./.

Đọc thêm