Kỳ bí nơi Cổng Trời Giộc Đâu

(PLO) - Những năm gần đây, dư luận xôn xao xung quanh ngọn núi Giộc Đâu thuộc thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) được cho là nơi giao thoa giữa đất và trời (hay gọi là Cổng Trời). Theo người dân, đây là nơi cực kỳ linh thiêng, có thể cầu gì được nấy. 
Hang động Giộc Đâu nằm ngay đầu chân dốc đường lên Cổng Trời.
Hang động Giộc Đâu nằm ngay đầu chân dốc đường lên Cổng Trời.

Đi theo hướng đông bắc cách TP Cao Bằng 25km, đến đèo Mã Phục chúng tôi rẽ trái đi vào đường huyện Trà Lĩnh khoảng 10 km thì đến địa bàn thị trấn Hùng Quốc, nơi có Cổng Trời. Thị trấn miền núi về chiều bình lặng với những hàng quán lưa thưa người.

Chúng tôi đi đến núi Giộc Đâu có gắn bảng chữ ngay chân núi. Phía trước mặt chỉ có một con đường đi lên nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo với những phiến đá tai mèo nhấp nhô. Trong lúc chúng tôi đang tìm đường thì có tiếng người phụ nữ nói vóng ra: “Lên Cổng Trời đấy à? Đi lên theo đường mòn trước mặt là phải rồi đấy. Hay đợi tí nữa trời chập tối lên cầu thánh sẽ linh thiêng hơn”.

Bà Lưu Thị Lan (67 tuổi) nằm ngay gần chân núi Giộc Đâu, nhà bán hoa quả bên vệ đường cho hay: “Từ thời còn con gái tôi đã về đây làm dâu, sinh sống ở đây mấy chục năm rồi cho đến khi gần bạc tóc mới biết nơi đây có cái Cổng Trời thiêng đến thế.

Người ta kháo nhau rằng, ở cái Cổng Trời này, đã có một đoàn người gồm có nhà ngoại cảm ở Hà Nội đi xe ô tô lên đây một lần và cầu khấn ròng rã suốt mấy ngày trời rồi nhà ngoại cảm đã phán rằng, nơi đây vào thời điểm kháng chiến chống Pháp đã có rất nhiều bộ đội hy sinh. Cũng vì vậy, hàng quán của tôi vài ba năm nay rất đông khách”.

Trời sầm tối. Lúc này, bỗng nhiên xuất khá nhiều người ăn mặc lịch sự bước hướng về phía Cổng Trời, mang theo hương hoa, đồ lễ. Cổng Trời là một khe núi rất nhỏ, cách mặt đất chừng 800m. Ở vài ba khúc quanh, chúng tôi cùng đoàn người dừng lại thắp hương cúng bái. Lạ một điều, mặc dù không phải ngày lễ, tết, nhưng vẫn có không ít người đến đây để thắp hương cầu khấn. Hỏi một trong số những người đi cùng mới biết đi cầu lễ vào lúc chập tối thì lời thỉnh cầu sẽ linh ứng hơn.

Khi đi lên khu vực được gọi là Cổng Trời, đầu tiên sẽ xuất hiện một cửa hang khá rộng ngay bên lề đường mòn bên phải. Đây cũng là nơi trú ngụ của người dân thay nhau trông coi khu vực Cổng Trời để tránh kẻ lạ mặt đến phá hoại, trộm cắp. Khi đi vòng qua trên miệng hang khoảng 30 mét, chúng tôi thấy một bãi đất trống nằm lọt thỏm giữa hai bên vách núi cao. Khắp nơi là những mỏm đá nhọn cắm chi chít hương, hoa và một phiến đá to hình giống hệt bản đồ của nước Việt Nam không phải do con người tạc khắc, mà hoàn toàn do tự nhiên hình thành.

Cả đoạn đường từ chân núi lên Cổng Trời, mọi bãi đất, lùm cây, tảng đá đều trở thành nơi có thể thắp hương. Cách chân núi chừng 100m đi lên phía trên đồi có một bãi đẩt trống khá bằng phẳng, xung quanh um tùm cỏ tranh cao đến hơn 1m. Xung quanh những tảng đá mọc tự nhiên xem kẽ nhau đều có khói hương nghi ngút, hoa quả, xôi gà và những lời xì xầm khấn vái của một vài người dân ở thị trấn Hùng Quốc lên thắp hương, dâng lễ và cầu nguyện.

Theo ông Lê Quang Mạn (76 tuổi), một người dân sinh sống tại chân núi Giộc Đâu thuộc thị trấn Hùng Quốc cho biết: “Vào các ngày lễ, Tết, số người kéo về đây rất nhiều. Chủ yếu là dân từ các tỉnh khác, người dân khu vực này đến lui nhiều rồi nên ngày càng ít người tới. Những ngày này dân chẳng ai ngủ được cả bởi vì vào nửa đêm lại càng huyên náo, người ta cho rằng đó là thời điểm Cổng Trời bắt đầu “mở”, cầu khấn thiêng nhất. Mà nơi này cũng thiêng thật. Nghe người dân xung quanh đây xôn xao là đã có cả quan chức của Trung ương lên tận đây cầu may mắn, tài lộc và cả những người trong vùng lên đây cầu xin số đề. Về nhà anh ta nói với anh em, bà con cùng đánh, không ngờ trúng thật…”.

Tuy nhiên, theo những người dân địa phương cho biết, khu vực này lâu nay đã biến thành điểm tụ tập của nhiều con nghiện. Ông Nông Quang Giáp, Phó Chủ tịch thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết:

“Từ xa xưa đến nay, Cổng Trời chỉ là một eo núi nhỏ, cỏ tranh mọc um tùm. Nhưng vài năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều người từ các thành phố lớn lui tới cúng lễ, nhất là sau khi có nhà ngoại cảm ở Hà Nội về. Và cũng từ đó mới xuất hiện các con nghiện, biến hang động tại chân núi Giộc Đâu trở thành điểm đen của việc tiêm chích, trộm cắp đồ lễ, gây mất an ninh trật tự. Chính quyền đã tuyên truyền phòng chống ma túy nhiều lần, vận động con em cai nghiện nhưng kết quả không mấy khả quan vì khi đã dính vào ma túy thì việc cai nghiện rất khó”.