Kỷ cương đầu tư công

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính một vị Phó Chủ tịch Quốc hội cũng phải kêu lên: “Phải lập lại trật tự, trong đầu tư công không thể lấy tiền chỗ nọ đắp vào chỗ kia”.

Chúng ta đã qua thời kỳ, tất cả các ngành, địa phương nhìn vào “bầu sữa ngân sách”. Qua thời kỳ đầu tư dàn trải (dù mới khởi công, thi công dở dang, thậm chí không phát huy tác dụng cũng đã được cộng vội vào tăng trưởng GDP); qua thời kỳ nhiều tỉnh “bật đèn xanh” cho cấp huyện ra Hà Nội chờ chực ở Trung ương, gặp vị nọ, vị kia đẻ “xin công trình”, “xin dự án”...

Vụ án Trịnh Xuân Thanh đang “nóng” công đường và dư luận cho thấy “đầu tư công” được sử dụng vô tội vạ như thế nào? Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC. Hậu quả là gì? Những kẻ “liều mạng” ở PVC đã sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Đã hết thời “bầu sữa Thạch Sanh”. Chính vì thế, cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được Chính phủ xác định tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, lãnh thổ.

Nguyên tắc là ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành Y tế, Giáo dục…

Bên cạnh tăng cường kỷ cương đầu tư công, Chính phủ nhắm tới kỳ vọng, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP. Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công; tăng cường quản lý đầu tư công.

Hy vọng kỷ cương sẽ có kỷ cương, điều mà chúng ta khi thực thi thường yếu kém!

Đọc thêm