Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, qua thăm khám, các bác sỹ thấy vùng mang tai trái của bệnh nhân sưng to, ranh giới không rõ, da nóng, đỏ, đau, lỗ ống Stenon trái nề đỏ, vuốt dọc ống có mủ đặc, trắng chảy ra, xung quanh lỗ ống có khối chắc, ranh giới khá rõ, thăm dò qua lỗ ống Stenon thấy có khối cứng.
Sau khi chụp phim cộng hưởng từ (để xác định ranh giới và mức độ xâm lấn với các tổ chức xung quanh, các bác sỹ đã chỉ định phẫu thuật lấy sỏi ống tuyến nước bọt mang tai cho bệnh nhân.
Các bác sỹ đã tách bỏ được sỏi có màu đen, bề mặt sần sùi, cứng chắc, hình bầu dục, kích thước 2cm x 1cm ra khỏi tuyến nước bọt mang tai trái của bệnh nhân.
Trực tiếp xử lý cho bệnh nhân, bác sỹ Phạm Thị Cẩm Thơ cho biết: “Sỏi ống tuyến nước bọt mang tai nếu như không được phẫu thuật lấy ra sớm sẽ gây viêm tuyến mang tai mãn tính, xen kẽ là những đợt viêm cấp tính và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân có xuất hiện u, cục vùng mang tai hoặc sưng đau kèm dấu hiệu viêm nhiễm vùng mang tai thì cần sớm đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt để được xử lý kịp thời”.
Theo các chuyên gia y tế, sỏi ống tuyến nước bọt là những tinh thể chất khoáng hình thành bên trong ống dẫn tuyến nước bọt, thành phần của sỏi chủ yếu là canxi, một phần nhỏ magie, kali và amoni. Sỏi ống tuyến nước bọt có thể gây tắc một phần hoặc hoàn toàn đường dẫn nước bọt vào miệng.
Phương pháp phẫu thuật lấy sỏi ống tuyến nước bọt mang tai có đặc tính ưu việt là điều trị triệt để bệnh lý, hạn chế tối đa tái phát, tránh biến chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ cho người bệnh sau phẫu thuật.