Suýt mất bàn chân vì dùng thuốc nam chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một người đàn ông 57 tuổi bất ngờ bị sưng đau bàn chân, sau khi dùng thuốc tại nhà điều trị, tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn...
Vết loét bàn chân của người bệnh - Ảnh: BVCC
Vết loét bàn chân của người bệnh - Ảnh: BVCC

Người bệnh cho biết, trước nhập viện khoảng 2 tuần ông sưng đau bàn chân trái. Sau đó sưng tấy lan rộng toàn bộ bàn chân và cẳng chân trái, có điểm hóa mủ kèm theo sốt nóng, sốt rét từng cơn. Người bệnh không đi khám mà tự mua và dùng thuốc nam. Sau khi dùng thuốc, ông thấy bệnh không đỡ mà mệt nhiều, sốt, sưng đau, chảy mủ chân tăng lên.

Lúc này người bệnh mới đến viện một bệnh viện tại Quảng Ninh để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chuẩn đoán người bệnh bị Sốc nhiễm khuẩn/ Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng/ Loét hoại tử bàn chân trái/ Đái tháo đường type 2/ Tăng huyết áp/ đợt cấp gút mạn/ Suy vỏ thượng thận do thuốc nam.

Theo BS Nguyễn Thùy Dung – Khoa Nội tiết cho biết: Trường hợp người bệnh là tình trạng nhiễm khuẩn rất nặng có nguy cơ cắt cụt chi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Người bệnh đã được sử dụng kháng sinh chống viêm, nhiễm trùng, kết hợp với sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, huyết áp, lipid máu, hormone tuyến thượng thận. Bên cạnh đó là chăm sóc vết loét bàn chân bằng cách cắt lọc tổ chức hoại tử.

Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần vệ sinh và kiểm tra bàn chân hàng ngày. Khi phát hiện tổn thương viêm loét bàn chân không được tự ý điều trị tại nhà mà người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.

Không nên tùy tiện sử dụng thuốc nam

Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, BV Trung ương Quân đội 108, cho biết, đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì nhiều lý do. Trong đó, bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa.

Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, nhưng vì đông dược thường là hỗn hợp gồm rất nhiều chất nên khó xác định dị nguyên cụ thể. Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc. Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt, chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc... dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.

Để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.

Về phía thầy thuốc cũng phải khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Cần hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc nam một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho người bệnh.

Đọc thêm