Vùng đất cấm phụ nữ
Okinoshima là một hòn đảo nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, giữa đảo chính Kyushu và bán đảo Triều Tiên. Đảo là một phần của thành phố Takehara, tỉnh Hiroshima, Nhật Bản. Từ thời xa xưa, nơi này là một cửa ngõ giao thương quan trọng, tạo thành một phần của tuyến thương mại trên biển giữa các nước lân cận Nhật Bản. Hòn đảo này cũng là nơi có nhiều trao đổi văn hóa giữa người Nhật, Trung Quốc và người dân bán đảo Triều Tiên.
Okinoshima là một vùng đất linh thiêng phát triển của tín ngưỡng Shinto cổ đại (là tín ngưỡng lớn nhất của Nhật Bản). Nơi này có một di tích tự nhiên cổ đại là ngôi đền Okitsu, thuộc khu đền thờ nữ thần biển cả Munakata Taisha Okitsumiya, được thành lập vào giữa thế kỷ 17.
Tuy nhiên, trước lúc ngôi đền Okitsu được xây dựng trên đảo, vào khoảng vào thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9, các nghi lễ tâm linh đã được các thương nhân thực hiện. Họ mang theo lễ vật quý giá dâng lên nữ thần biển cả Munakata Taisha Okitsumiya để cầu may mắn, bình an cho cả chuyến đi dài lênh đênh ngoài đại dương sóng to gió lớn.
Cứ thế theo thời gian, hòn đảo trở thành địa điểm chôn giữ nhiều báu vật có giá trị. Hiện tại có tới 120 ngàn hiện vật quý giá đã được tìm thấy trên đảo, từ mảnh vỡ cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Ba Tư, những đồng tiền cổ của triều đại nhà Đường (Trung Quốc) từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, chuỗi hạt ngọc, thanh gươm quý giá cho tới nhẫn vàng của người Triều Tiên… Tất cả những hiện vật này đều coi là báu vật quốc gia.
Hòn đảo là nơi linh thiêng và có những quy định hết sức nghiêm ngặt. Dân số trên đảo chỉ có một tu sĩ duy nhất là ông Takayuki Ashizu, làm nhiệm vụ cai quản và canh giữ ngôi đền thiêng trên đảo. Những người được phép đi lại tự do vào đền Okitsu chỉ có các giáo sĩ theo tín ngưỡng Shinto.
Ngoài ra, mỗi năm một lần, đảo chỉ đón tiếp một lượng khách hạn chế, tới tham dự lễ hội truyền thống kéo dài vỏn vẹn hai tiếng trong ngày 27/5 để tưởng niệm những thủy thủ thiệt mạng trong một trận chiến hải quân trong chiến tranh Nga - Nhật năm 1904 - 1905. Năm nay, đảo chỉ đón khoảng 200 người là nam giới tham gia nghi lễ.
Dù thế giới đang sống ở thế kỷ 21 hiện đại, tân tiến, nhưng ở Okinoshima luật lệ phân biệt giới tính vẫn tồn tại. Không ai biết chính xác tại sao phụ nữ lại bị cấm đến Okinoshima, chỉ biết rằng luật lệ này đã có từ thời xa xưa bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo Shinto. Người ta đồn rằng nếu phụ nữ tới gần đền Okitsu, thuộc khu đền thờ nữ thần Munakata Taisha, sẽ bị hoá đá.
“Trên đảo có rất nhiều luật lệ và những điều cấm kỵ. Người dân địa phương rất tôn trọng sự linh thiêng của Okinoshima, bởi đây là “nơi cư ngụ của các vị thần”. Chuyện cấm phụ nữ đặt chân tới là quy định từ lâu đời và chúng tôi tuân thủ theo. Người dân địa phương sống lân cận quanh đảo và các tu sĩ đều cố gắng bảo vệ Okinoshima. Chúng tôi coi đây là một vinh dự”, ông Takayuki Ashizu cho biết.
Nhiều người cho rằng, phụ nữ đặt chân đến Okinoshima sẽ khiến mảnh đất thiêng bị vấy bẩn, ô uế ảnh hưởng tới việc tu luyện của các tu sĩ cũng như sự linh thiêng của đảo.
Tuy nhiên, ông Takayuki Ashizu lại phản đối, “Luật cấm phụ nữ được giữ vững suốt nhiều thế kỷ qua. Luật này hoàn toàn không liên quan đến việc phân biệt đối xử, phân biệt giới tính. Việc vượt biển lên đảo rất nguy hiểm. Bởi họ là giới tính sinh con đẻ cái, mang trọng trách sản sinh thế hệ nối dõi của loài người và luật của chúng tôi là phải bảo vệ phái yếu”.
Phía chính quyền địa phương cho biết, dù chỉ nói là cấm phụ nữ nhưng trên thực tế hòn đảo này cấm hầu hết mọi đối tượng, trừ những thầy tu tới đây để tu luyện. Khách viếng thăm là nam giới cũng phải tuân thủ những luật lệ riêng.
Theo đó, nam giới được tự do lên đảo, thoải mái tắm lộ thiên ở những hồ nước linh thiêng mà không lo bị thần linh trừng phạt. Đây là một nghi lễ thanh tẩy tồn tại hàng thế kỷ qua, bao gồm trút bỏ trang phục và trải qua nghi lễ misogi - tắm biển khỏa thân, ngâm mình dưới đại dương để tẩy rửa bụi trần, sau đó mới được phép đặt chân lên mặt đất linh thiêng của đảo.
Họ còn xem đó là cách để mình được ban phúc. Đặc biệt, theo quy định du khách nam khi lên đây không được phép mang về bất cứ món đồ nào trên đảo, cho dù là nhành cây ngọn cỏ. Họ cũng không được phép tiết lộ chi tiết chuyến thăm. Ngoài ra, động vật bốn chân cũng bị cấm. Đồng thời, ai muốn rời đảo cũng phải được tu sĩ cho phép mới được đi.
Hòn đảo “không hiếu khách”
Năm 2009, hòn đảo được đề cử như là một Di sản dự kiến của UNESCO với tên gọi “Đảo linh thiêng Okinoshima”. Đến tháng 7/2017, nhờ giá trị văn hóa, Okunoshima đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Thế giới, tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên tại Krakow, Ba Lan, đưa số lượng địa điểm văn hóa và thiên nhiên Nhật Bản vào danh sách Di sản Thế giới lên 21.
Ông Tadahiko Nakamura, 64 tuổi, một tu sĩ đồng thời là người đứng đầu Hợp tác xã Ngư nghiệp Munakata trên đảo chia sẻ: “Các ngư dân địa phương xung quanh luôn bảo vệ Okinoshima từ thời cổ đại và được hòn đảo bảo vệ lại. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi đảo được thêm vào danh sách các di sản của UNESCO”.
Theo lệ thường, một khi đã vào danh sách của UNESCO, các địa danh sẽ trở thành điểm hút khách du lịch. Một số công ty du lịch nước ngoài thậm chí đã chuẩn bị lên kế hoạch cho các tour khám phá bao gồm cả phụ nữ tới hòn đảo Okinoshima.
Tuy nhiên, hòn đảo đã đưa ra lệnh cấm các hoạt động du lịch trong tương lai và chỉ cho phép các đạo sư tới đây. Họ lo ngại rằng khi đưa hòn đảo vào danh sách của UNESCO, lượng khách du lịch sẽ tăng lên, qua đó đe dọa sự linh thiêng và hủy hoại vẻ nguyên sơ, độc đáo của hòn đảo này.
Ông Takayuki Ashizu, đại diện ngôi đền Munakata Taisha Okitsumiya cho biết, dù nhận được nhiều lời đề nghị từ phía các cơ quan du lịch, nhưng hòn đảo vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm phụ nữ. “Chúng tôi sẽ nghiêm ngặt bảo tồn hòn đảo và luật lệ cấm phụ nữ sẽ không bao giờ thay đổi, ngay cả khi hòn đảo được công nhận là Di sản Thế giới.
Chúng tôi sẽ không mở cửa Okinoshima đón công chúng rộng rãi. Mọi người không nên đến thăm đảo chỉ vì sự tò mò, hiếu kỳ. Riêng các nhà khoa học sẽ được phép tới đây với mục đích nghiên cứu và bảo tồn”, ông Takayuki nhấn mạnh.