Hòn đá chia cắt tình duyên?

(PLO) - Trải qua hàng trăm năm, hòn đá thề nằm giáp ranh giữa làng Lụt và làng Lở (thuộc xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hòn đá vô tri vô giác lại là nỗi ám ảnh của người dân hai làng, bị cho rằng là nguyên nhân khiến biết bao cuộc tình trai gái đẹp như mơ bị chia lìa đôi ngả?.
Cận cảnh hòn đá thề
Cận cảnh hòn đá thề

Cuộc chiếm đất tai hại

Hòn đá thề là minh chứng văn hóa lịch sử cấm cản trai gái hai làng Lụt và Lở không được kết hôn với nhau. Hòn đá này được chôn ở địa phận làng Vóc (xưa gọi là làng Vô Kỵ, ở giữa làng Lụt và làng Lở).
Cụ Phạm Liên Giáp, 90 tuổi, người làng Vóc cho biết, mấy trăm năm trước, khi đó là thời kỳ phong kiến, vùng đất An Đỗ (làng Lở bây giờ) rất trù phú, với những cánh đồng màu mỡ trải dọc bờ sông Mã. Cạnh đó là vùng đất Mường Kẹ (làng Lụt bây giờ) khô cằn, trong khi dân cư đông đúc; chủ yếu có ruộng bậc thang, trồng trọt, cày cấy liên tục mất mùa, cuộc sống đói kém.
Vào khoảng giữa thế kỷ 18, với dân số đông hơn nhưng nghèo hơn, những chức sắc đứng đầu Mường Kẹ đã dùng âm mưu chiếm đoạt vùng đất trù phú An Đỗ.
Sau đó, dân làng Mường Kẹ kéo nhau đến canh tác ở vùng đất mới “mua” được. Dân An Đỗ đã dùng mọi kế sách nhưng không lấy được đất về.
Truyền thuyết cho rằng không làm được gì, người An Đỗ đã mời “thầy mo” cao tay nhất vùng về phù phép làm bùa, lập lời thề ếm vào hòn đá rồi chôn sâu dưới cánh đồng.
Nội dung lời thề là từ nay những kẻ cướp đất sẽ vĩnh viễn không được sống chung một nhà với người An Đỗ. Trai Mường Kẹ không được lấy gái An Đỗ. Gái An Đỗ không được làm dâu Mường Kẹ. Buổi “ếm bùa” kèm lễ giết trâu bò ăn uống linh đình.
Cánh đồng Tạp Bùa nơi chôn giữ hòn đá thề
Cánh đồng Tạp Bùa nơi chôn giữ hòn đá thề 
Cuối cùng, những hòn đá thề được bí mật chôn ở cánh đồng bị mất do Mường Kẹ chiếm. Cánh đồng đó hiện nay vẫn còn, được người dân biết đến với tên là Tạp Bùa (trong tiếng Mường, có nghĩa là ruộng bùa).
Hàng trăm năm qua, đến nay dấu tích của những hòn đá thề đã không còn đầy đủ. Theo lời kể của cụ bà Trương Thị Quỳnh (89 tuổi, ngụ làng Vóc) thì trước đây có đến 3 hòn đá thề. Nhưng do người dân làm đồng thấy đá ở ruộng cản trở việc cày bừa nên đã đào và di chuyển đi 2 hòn đá nhỏ. Còn hòn đá chính nằm ở khoảnh ruộng nước, rất nhiều lần người ta cố gắng đào bỏ nhưng không hiểu sao mọi cố gắng đều bất lực, hòn đá vẫn chễm chệ giữa cánh đồng.

Lời thề và bùa chú ếm vào hòn đá vô tri vô giác là truyền thuyết, nhưng dân làng vẫn nhắc đến câu chuyện. Con cháu đời sau giữa làng Lụt và làng Lở dù có yêu nhau say đắm thế nào cũng không dám trái lời thề để kết hôn với nhau. Người địa phương có câu thành ngữ: “Lụt thì phải Lở nên không được ở với nhau”.

Theo một cao niên, từng có vài đôi trai gái làng Lụt với làng Lở bất chấp lời nguyền, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, làng xóm để đến với nhau, nhưng họ thường bất hạnh, gặp những tai ương khó lí giải. “Có cặp thì vợ hoặc chồng chết, hoặc gặp những tai họa đau lòng khác”, ông cụ nói.
Có cặp người vợ vào rừng chặt gỗ, bất cẩn thế nào cây đổ đè xuống trúng người, chết thảm. Sau này có thêm hai đôi nữa người làng Lụt lấy vợ làng Lở thì được mấy năm thì một đôi bị tai nạn chết cả hai. Một đôi khác thì có vợ chỉ bị chó cắn cũng dẫn đến tử vong... Từ ngày ấy, trai gái hai làng dù có cảm mến nhau cũng chỉ giới hạn ở kết nghĩa làm bạn bè.
Tâm sự của cặp đôi làm trái lời nguyền
Mấy chục năm trở lại đây, có duy nhất một cặp đôi dám phá lời nguyền để đến với nhau. Đó là trường hợp của chị Phạm Thị Vân (làng Lở) và anh Hà Văn Tiền (Làng Lụt). Tình yêu của hai người được nảy sinh từ những ngày thanh niên trong xã tổ chức giao lưuvăn nghệ.
Một cao niên trong làng thuật lại câu chuyện
Một cao niên trong làng thuật lại câu chuyện 
Anh Tiền được đánh giá là người con trai tháo vát có tiếng của làng Lụt, còn chị Vân có tiếng là người con gái đẹp cả người lẫn nết ở làng Lở. “Trai tài, gái sắc” gặp gỡ trong những buổi thi hát, tập văn nghệ, chẳng mấy chốc họ cảm mến nhau.“Thế rồi chúng tôi nhớ nhung, yêu nhau từ lúc nào không hay”, chị Vân nhớ lại.
Khi đã “thề non hẹn biển”, đôi trai gái dẫn nhau về nhà ra mắt gia đình. Đôi bên gia đình cùng kịch liệt phản đối. Thế nhưng tiếng gọi của tình yêu khiến đôi trẻ nhất quyết thuyết phục cha mẹ để được hẹn hò yêu thương. Sợ lời nguyền lại ảnh hưởng đến tương lai con cái, đồng loạt cả hai gia đình một lần nữa ra sức ngăn cản, thậm chí giam vào buồng không cho anh chị gặp mặt nhau. Nhưng họ vẫn âm thầm yêu, rồi quyết định  “ăn cơm trước kẻng” để có em bé, đẩy hai bên gia đình vào thế đã rồi.  Cuối cùng hai bên gia đình đồng ý cho anh chị lấy nhau trong nơm nớp lo sợ.
Hai họ sợ lời nguyền xưa làm mất hạnh phúc của con mình, liền bàn bạc không cho các con sinh sống trên đất làng Lụt hay làng Lở. Anh chị được gia đình bố trí chuyển lên xóm Chợ, cách làng cũ khá xa. Cuộc sống vẫn bình yên, anh chị đã có một cơ ngơi nho nhỏ, một cậu con trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi, cuộc sống không giàu sang nhưng yên ấm, hạnh phúc.
Cuộc tình vượt qua lời nguyền này khiến nhiều người thay đổi quan niệm, cho rằng chẳng có bùa chú hay lời nguyền nào cả. Có thể trước đây hàng trăm năm giữa hai làng có mâu thuẫn thù ghét nhau nên các cụ cấm cản con cháu lấy nhau.
Sợ thế hệ sau này không nghe lời nên các cụ thêu dệt chuyện bùa phép, lời nguyền để “dọa” con cháu. Và quan niệm cổ hủ này cần được xóa bỏ để cuộc sống người dân không bị đảo lộn, nom nớp lo lắng; để trai gái tự do tìm hiểu hạnh phúc cho mình.

Đọc thêm