Kỳ lạ quốc gia hạnh phúc 'treo' ảnh cái chết khắp nơi

(PLO) -Bhutan là một quốc gia nhỏ bé nằm ở châu Á, ẩn mình bên dãy Himalaya hùng vĩ. Được mệnh danh là quốc gia Phật giáo, cũng là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nơi chỉ có sự hài lòng còn nỗi buồn không có chỗ trú chân. Chính điểm thú vị này mà Bhutan khiến nhiều người phải tò mò mà tự tìm hiểu lý do tại sao?
 Bhutan được mệnh danh là quốc gia Phật giáo
Bhutan được mệnh danh là quốc gia Phật giáo

Người dân Bhutan gọi đất nước mình là Druk Yul – nghĩa là miền đất của Rồng Sấm. 

Hơn 2/3 dân số theo đạo Phật

Với dân số khoảng hơn 800.000 người, Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới- nơi nền Phật giáo Kim cương thừa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và trở thành tôn giáo chính thức của Bhutan.

Hơn  2/3 dân số theo đạo Phật và Phật giáo cũng luôn được chính phủ ủng hộ cả về hai mặt chính trị và kinh tế. Minh chứng là chính phủ luôn quan tâm, đồng thời hỗ trợ các khoản trợ cấp cho các tu viện Phật giáo, đền thờ và các chương trình Phật giáo trên cả nước.

Ngoài ra, chính phủ cũng cố gắng không để những tôn giáo khác xâm nhập vào đất nước, đặc biệt Kito giáo và các tôn giáo lớn trên thế giới không được phép tuyên truyền ở Bhutan.

Điều này thể hiện rằng, giá trị văn hóa của  không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài của người dân mà còn ghi dấu đậm nét trong tính cách họ, chân thật và hướng thiện theo đúng tinh thần Phật giáo. 

4 trụ cột phát triển đất nước

Bhutan dường như sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trước những năm 1970, nước này không mở cửa đón tiếp người nước ngoài và đến tận năm 1999 nước này cũng không hề có bất cứ chương trình truyền hình nào cả.

Không chỉ thế, Bhutan không hề đẩy mạnh phát triển kinh tế, không đô thị hóa hay hiện đại hóa mà chỉ duy trì cuộc sống yên bình, ổn định và luôn muốn giữ gìn các giá trị tinh thần. 

Được biết, vị vua thứ tư của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck là người đề ra tiêu chuẩn Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness – GNH) để đánh giá mức độ phát triển của đất nước, thay cho các chỉ số kinh tế như GNP hay GDP. Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng GNH.

Quốc vương và hoàng hậu Bhutan.

 Quốc vương và hoàng hậu Bhutan.

Quốc vương Bhutan đưa ra 4 yếu tố trụ cột là: “Lãnh đạo tốt, phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo tồn văn hóa và giữ gìn môi trường”. Những yếu tố trên sẽ là trụ cột để phát triển các chính sách tiến bộ bao gồm: miễn phí chăm sóc y tế và giáo dục; giữ gìn những nét đẹp văn hóa bằng cách qu định người dân phải mặc trang phục truyền thống hàng ngày; bảo tồn và giữ gìn truyền thống Phật giáo và các công trình Phật giáo; bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan của đất nước... 

Sau những thay đổi này, Bhutan đã gặt hái được nhiều thành công, kể từ năm 1980 tuổi thọ của người dân tăng lên 20 lần, 99% trẻ em được đi học, và thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 450% trong vòng 30 năm.

Trong một cuộc khảo sát năm 2005, 45% người dân Bhutan cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ có 3% chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Còn gì hạnh phúc bằng khi trẻ em đi học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được trợ cấp sách vở, lương thực.

Người dân và kể cả du khách đều được chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Dù còn hơn 30% dân số thuộc diện nghèo, nhưng ở Bhutan, không ai lo bị đói, lo ốm đau không có tiền thuốc men hay lo con cái mình thất học. 

Hạn chế du lịch

Từ những năm 1970, Quốc vương Bhutan mới bắt đầu mở của đất nước tiếp nhận khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, cách quản lý số lượng du khách cũng rất độc đáo. Bhutan không hạn chế cấp visa, nhưng quy định mọi du khách đều phải mua tour trọn gói của các công ty do nhà nước cấp phép hoạt động, với mức phí tối thiểu cho một ngày lưu trú là 200 USD.

Mức giá khá cao này giúp ngành du lịch Bhutan, dù chỉ phục vụ một lượng khách nhỏ, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu lợi nhuận và bảo tồn. 

Bhutan là đất nước có hệ sinh thái ổn định nhất trên thế giới và hầu như không có thiên tai hay thiệt hại về môi trường. Theo sắc lệnh của nhà vua, cứ đốn 1 cây xanh vì bất cứ mục đích gì thì đều phải trồng bù 3 cây mới.

Vì vậy mà hơn 60% diện tích lãnh thổ toàn là rừng bao phủ, ngay cả các đô thị lớn của Bhutan cũng tràn ngập màu xanh. Những cánh rừng ngọn núi xanh bát ngát, tu viện tĩnh lặng uy nghiêm, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người dân, sự yên bình sung túc thể hiện trên từng lá cây ngọn cỏ…

Đặc biệt, túi nylon bị cấm sử dụng. Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và chất bảo quản là những thứ xa lạ với người nông dân. Chính những điều này đã tạo nên đất nước hạnh phúc nhất thế giới này, khiến người dân đều thỏa mãn với cuộc sống của mình và hầu hết du khách đã đến một lần đều muốn quay trở lại.

Bhutan được mệnh danh là quốc gia Phật giáo
 Bhutan được mệnh danh là quốc gia Phật giáo

Không có trộm cướp, giết người và ma túy

Trong khi cả thế giới đang bị chi phối bởi toàn cầu hóa, các quốc gia phát triển được hưởng lợi từ toàn cầu hóa khiến cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tiếp cận với công nghệ tiên tiến về mọi mặt của đời sống...

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc văn hóa, tôn giáo, phong tục truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, môi trường... bị ảnh hưởng và thay đổi theo. Nhưng ở đất nước Bhutan người ta lại thấy được sự cân bằng hoàn hảo.

Trong vài năm trở lại đây, internet, truyền hình cáp, điện thoại di động, cũng như các công nghệ hiện đại khác đã bắt đầu trở thành một phần của Bhutan, nhưng người dân nước này vẫn muốn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và giữ gìn môi trường luôn xanh sạch đẹp...

Khi cho phép triển khai truyền hình và internet, nhà vua đã nghĩ đến việc ngăn chặn tác động xấu mà những sản phẩm của văn minh phương Tây này gây ra cho người dân. Các kênh truyền hình có tính chất khiêu dâm, bạo lực, Fashion TV và kênh âm nhạc MTV đều bị cấm ở Bhutan. Chẳng ngạc nhiên khi ở thế kỷ 21, vương quốc này vẫn hầu như không có nạn trộm cướp, giết người và ma túy.

Người dân không sợ chết

Mỗi người dân Bhutan thường nghĩ đến cái chết một lần trong ngày. Điều này thật không bình thường đối với bất kỳ nước nào, nhất là đối với một nước thường được đánh giá chỉ số hạnh phúc cao như Bhutan.

Người dân Bhutan biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống dù có muốn hay không, do vậy họ thường chiêm nghiệm về cái chết, nghĩ về những điều họ không dám nghĩ, những điều đáng sợ ít nhất một lần trong ngày để rồi tự tìm đến những suy nghĩ vui vẻ, để khi nghĩ về cái chết sẽ không khiến cho họ đau buồn và họ sẽ sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, nhìn cuộc sống theo cách tốt đẹp hơn. 

Đặc biệt, không giống như nhiều người ở phương Tây, người Bhutan không có những kiêng kỵ về cái chết. Những hình ảnh về cái chết có mặt ở khắp nơi, nhất là trong những tranh vẽ Phật giáo với những hình ảnh minh họa đầy màu sắc, những điệu múa nghi lễ truyền thống cũng có đôi phần thể hiện cái chết. 

Có một cách giải thích về điều kỳ lạ này, đó là niềm tin Phật giáo đã thấm sâu vào đất nước này, nhất là niềm tin vào kiếp sau. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ có kiếp sau, bạn sẽ ít lo sợ về sự kết thúc của kiếp sống hiện tại.

Như trong Kinh Phật dạy, “Sợ chết chẳng khác gì sợ bỏ đi một cái áo cũ rách”. Chính điều này khiến người dân đất nước Bhutan luôn có những suy nghĩ tích cực, sống thanh thản và không phiền muộn và cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện với những gì mình có…