“Kỳ lân” VNG - Niềm cảm hứng cho doanh nghiệp khởi nghiệp

(PLVN) - Nói đến cộng đồng khởi nghiệp nội địa, sẽ không thể không nhắc đến cái tên VNG – start-up “kỳ lân” đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này. Hành trình nhiều thử thách nhưng cũng đầy thú vị của VNG đã minh chứng: Nếu khởi đầu bằng niềm đam mê nghiêm túc, bạn hoàn toàn có cơ hội để biến những giấc mơ thành hiện thực.
Ông Lê Hồng Minh – CEO của VNG.

Giấc mơ không được viết trong một đêm

Nếu phải nói về doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên chính là VNG, cùng với CEO Lê Hồng Minh.

Zing MP3, Zalo, ZaloPay, Báo Mới... là những cái tên không còn xa lạ với người dùng Internet Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Đó là những cái tên Việt hiếm hoi có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường các sản phẩm dịch vụ số, cạnh tranh cùng những tên tuổi ngoại như Spotify, SamsungPay hay Facebook Messenger. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để có được thành công ngày hôm nay, VNG - cùng với những người sáng lập, điều hành - đã trải qua quãng đường như thế nào.

Năm 2002, ông Lê Hồng Minh, khi ấy vẫn còn là một nhân viên của Tập đoàn tài chính hàng đầu VinaCapital, từng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự World Cyber Game tại Hàn Quốc. Sau khi quay về, ông cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ vào đầu năm 2003 chỉ để chơi game và làm một vài dịch vụ kinh doanh kèm theo. 

“Nếu bạn thất bại thì đó là vì bạn, hoặc là bạn chưa đủ giỏi, chưa làm việc chăm chỉ, chưa cống hiến 100% của mình” - Lê Hồng Minh, CEO của VNG.

“Công việc ban ngày của tôi là một nhân viên tín dụng ngân hàng và công việc ban đêm của tôi là một người chủ tiệm cafe Internet. Đó là khởi điểm công việc kinh doanh của chúng tôi” – ông Lê Hồng Minh kể về ngày đầu khởi nghiệp.

Chỉ 2 năm sau đó, ông lập nên VinaGame với 5 thành viên mang theo tham vọng khai thác mảnh đất màu mỡ game online tại Việt Nam. Ngay lập tức, VinaGame đã tăng trưởng đột phá và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường game online Việt Nam.

Năm 2005, VinaGame ký thành công hợp đồng với Kingsoft để mang về tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ và gần như ngay sau đó đã tạo nên kỉ lục chưa từng có tại thị trường game trực tuyến Việt Nam khi có những lúc lượng người truy cập Võ Lâm Truyền Kỳ vượt quá con số 200.000 người trong cùng một thời điểm.

Năm 2006, chỉ 3 năm kể từ khi thành lập, doanh thu của VinaGame đã cán mốc 17 triệu USD nhờ việc đưa vào vận hành hệ thống Cyber Station Manager ở các quán Internet. Năm 2007, công ty này ra mắt cổng nghe nhạc trực tuyến Zing MP3. 

Văn phòng Công ty VNG với không gian làm việc xanh và sáng tạo.

Năm 2010, Khu vườn trên mây trở thành một trong những tựa game trên nền web đầu tiên do người Việt tự sản xuất trước khi xuất khẩu ra quốc tế vào những năm sau đó.

Tiếp nối thành công của mảng kinh doanh game, VinaGame tiếp tục khai trương mạng xã hội Zing Me năm 2009. Đến năm 2010, VinaGame đổi tên thành VNG để thể hiện khát vọng kinh doanh đa ngành nghề, thay vì chỉ dừng lại ở thị trường game.

Năm 2012, VNG ra mắt Zalo, ứng dụng nhắn và gọi điện miễn phí trên nền tảng di động và máy tính. Song song với đó, tập đoàn này tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới như ví điện tử ZaloPay, hệ thống ứng dụng thể thao 123Go….

Start-up kỳ lân công nghệ duy nhất tại Việt Nam

Dù xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp phát hành game, giờ đây, VNG đã chuyển mình rất nhanh để đón bắt hàng loạt xu hướng công nghệ “hot” nhất thế giới như dịch vụ đám mây hay tài chính cá nhân và thanh toán di động.

Doanh nghiệp này đang phát hành những tựa game ăn khách nhất thế giới tại Việt Nam, tổ chức nhiều giải đấu thể thao điện tử khắp Đông Nam Á, tự phát triển nhiều tựa game “made in Việt Nam” và gặt hái nhiều giải thưởng danh giá của cộng đồng game quốc tế.  

Zalo, ứng dụng nhắn tin và gọi điện nổi bật của VNG đã cán mốc 100 triệu người dùng và “xuất ngoại” thành công ra thị trường khu vực. Không những vậy, Zalo còn ngày càng trở thành một cổng kết nối đắc lực, một công cụ giao tiếp đặc biệt hiệu quả giữa người dân với chính quyền điện tử của hơn 20 tỉnh, thành, cung cấp cho người dùng thông tin thời gian thực về tình hình giao thông, tra cứu lịch tiêm chủng, đăng ký các thủ tục hành chính cơ bản…

Được phát triển gắn liền với nền tảng Zalo, ví điện tử ZaloPay cũng rất nhanh chóng đã lọt vào Top 5 ví điện tử trên thị trường nội địa. VNG Cloud – thương hiệu dịch vụ đám mây của VNG cũng đang liên tục mở rộng mạng lưới đối tác với tốc độ đầy hứa hẹn. 

Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập, sự ra mắt hàng loạt các sản phẩm mới khiến VNG phát triển nhanh chóng mặt. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của VNG đạt mức gần 4.959 tỷ đồng. 

Không chỉ làm chủ thị trường trong nước, VNG đã liên tục khảo sát, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường quốc tế khi mở chi nhánh tại Thái Lan, Myanmar, Philippines…., hợp tác với các đối tác quốc tế hàng đầu, cả về nguồn lực lẫn kinh nghiệm và công nghệ. 

VNG là 1 trong 9 “Kỳ lân công nghệ” ở khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Google-Temasek.

Trên con đường phát triển của mình, năm 2014, VNG lần đầu được xếp vào nhóm doanh nghiệp Unicorn hay Kỳ lân công nghệ khi được định giá 1 tỷ USD. Đây cũng là start-up Việt Nam đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này.

Sống một cuộc sống trọn vẹn

Trong cuộc đối thoại hấp dẫn và truyền cảm hứng tại sự kiện Forbes Summit 2019 hồi tháng 3, ông Lê Hồng Minh từng chia sẻ: “Vào năm 20 tuổi, tôi đã đọc một quyển sách và nó có tác động cực kỳ to lớn đối với tôi. Và bản tuyên ngôn về tầm nhìn cá nhân của tôi chính là sống một cuộc sống trọn vẹn và có tầm ảnh hưởng đến càng nhiều cuộc sống khác càng tốt. Ở một khía cạnh nào đó, khi nhìn vào hành trình cá nhân của mình, nhìn vào VNG, tôi nghĩ là chúng tôi khá hạnh phúc vì đã tác động, ảnh hưởng tích cực đến được cuộc sống của rất nhiều người Việt Nam”.

Nói về đam mê tuổi trẻ và khởi nghiệp, ông Minh cho rằng: “Vẻ đẹp của tuổi trẻ đó là mình không nghĩ quá nhiều về hậu quả của việc thất bại. Các công ty lớn có rất nhiều thứ khiến họ sợ hãi, đó có thể là sự danh tiếng. Cho nên tôi rất khâm phục các công ty khởi nghiệp trẻ”.

“Rõ ràng việc có những người trẻ và đam mê rất là quan trọng, đó là điều mà chúng tôi muốn đạt được nhưng không dễ dàng” – ông Minh chia sẻ - “Câu trích dẫn tôi thích nhất chính là: “Hãy làm bằng mọi giá, chỉ cần đừng chết là được”.

CEO Lê Hồng Minh cho rằng, làm start-up không hào nhoáng, lung linh như nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ, mà sẽ có vô vàn những thời điểm khó khăn, những thách thức ghê gớm khiến bạn muốn từ bỏ. Mọi người hay đưa ra lời khuyên là đừng từ bỏ, hãy làm cho đến khi thành công.

Nhưng với Lê Hồng Minh, không bao giờ từ bỏ có nghĩa là bạn vẫn tiếp tục làm ngay cả khi bạn không thành công, bởi vì bạn yêu việc mình đang làm. “Khi bạn làm điều gì đó vì đam mê, mà không quá ám ảnh với áp lực phải thành công ngay lập tức, phải kiếm được nhiều tiền, thì rất có thể, một điều gì đó khác thường, đặc biệt sẽ đến với bạn” – ông kết luận. 

VNG là Kỳ lân công nghệ duy nhất của Việt Nam

Unicorn hay “Kỳ lân công nghệ” là cụm từ được dùng để nói về những doanh nghiệp start-up có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Theo thống kê của CBInsight, tính đến tháng 3/2019, hiện có tổng cộng 326 công ty được xếp vào nhóm kỳ lân. Trong đó, Hoa Kỳ có nhiều doanh nghiệp Unicorn nhất khi chiếm tới 48% số công ty trong bản danh sách, tiếp đến là các công ty Trung Quốc (chiếm 28%).

Tại Đông Nam Á, theo báo cáo năm 2018 của Google và Temasek, cả khu vực hiện chỉ có tổng cộng 9 công ty được xếp vào nhóm Unicorn. Đáng chú ý khi nhóm 9 doanh nghiệp này lại chiếm tới 16 tỷ USD trên tổng số 24 tỷ USD vốn đầu tư vào nền kinh tế số của khu vực trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2018.

Các doanh nghiệp này bao gồm Go-Jek, Bukalapak, Tokopedia và Traveloka của Indonesia, Grab của Malaysia, Lazada, Razer, SEA (Garena) của Singapore và VNG của Việt Nam.

Đọc thêm