Kỷ luật “tiêu tiền”

(PLVN) - Có một lĩnh vực có tiền nhưng khó “tiêu”, yêu cầu đặt ra là phải “tiêu” nhanh, đồng thời phải tiêu có kỷ luật. Đó chính là đầu tư công (ĐTC).
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với 12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra, tính đến 30/11/2021, số tiền giải ngân được gần 28 nghìn tỷ đồng trên tổng số vốn được phân bổ kế hoạch năm 2021 là hơn 76 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,48%. Tức là, “tiêu” rất chậm.

Các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTC rất đa dạng. Về chủ quan bao gồm: Cơ chế, chính sách quản lý về ĐTC; Công tác quy hoạch, kế hoạch hóa ĐTC; Bố trí, phân bổ vốn đầu tư; Quản lý và giám sát ĐTC; Công khai, minh bạch hoạt động các dự án đầu tư. Về khách quan bao gồm: Môi trường tự nhiên (đặc điểm địa hình, điều kiện thổ nhưỡng); Trình độ kỹ thuật, công nghệ; Trình độ và tay nghề của đội ngũ kỹ sư, tư vấn, giám sát và người lao động...

2 năm qua, đặc biệt năm 2021, dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài... nhưng trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có nguyên nhân thủ tục đầu tư. Với vốn trong nước thì “chưa sao” nhưng nhiều dự án ODA do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên đã bị dọa/thậm chí nhà thầu nước ngoài yêu cầu bồi thường.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2021, trong khi câu chuyện về tiến độ giải ngân vốn. Giải ngân vốn ĐTC đặc biệt quan trọng, gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương không sát sao kiểm tra, sợ trách nhiệm thì quá khó. Trên thực tế, có những công trình chỉ cần tập trung cao là đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. Chuyện này thường xảy ra với các dự án đường bộ. Ví dụ: một tuyến cao tốc dài 100km nhưng chỉ còn một cây cầu hoặc còn một đoạn vài trăm mét mà không hoàn thành thì cũng không thể đưa vào khai thác được. Đường có khi trên địa phương này, cầu ở địa phương khác...

Chính phủ và Nhà nước luôn chú trọng đến việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1082/CĐ-TTg tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc giải ngân. Ngoài ra, các nghị quyết, văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập rất nhiều tới nội dung này.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện vẫn còn yếu và thiếu đồng bộ, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn và việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời. Điều này cho thấy, các cơ quan hữu trách vẫn phải tiếp tục giải quyết những vướng mắc về “văn bản”. Phấu đấu giải ngân ở mức cao nhất, nhưng phải bảo đảm chất lượng, để sớm khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả ĐTC; đồng thời không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm.

Yêu cầu rất cao về nhiều mặt.

Đọc thêm