Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển”.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư. Hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công - tư, khai thác TOD…, quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan rà soát cơ chế, chính sách, những vướng mắc cần giải quyết, những chính sách cần thiết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Giao một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hướng tách thành dự án riêng, khi có hướng tuyến thì giao các địa phương GPMB, kêu gọi đầu tư các nhà ga, trước hết là dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thủ tướng cũng chỉ đạo lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các dự án phải hướng tới mục tiêu phục vụ Nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua, nếu còn thiếu cơ chế, chính sách nào thì trình Quốc hội để áp dụng chung cho các dự án. Đối với các đề án phát triển công nghiệp đường sắt, Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế. Các địa phương khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai xây dựng khu tái định cư cho dự án trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội thông qua.
Với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12/2026. Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu UBND hai Thành phố rà soát tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho Dự án đường sắt đô thị Thành phố, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.
Phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025
Chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn diễn ra vào chiều 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu 3.000km cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi, chúng ta đã thấy hình hài con đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau. Qua đó, Thủ tướng yêu cầu không chủ quan mà phải tiếp tục phát huy tinh thần tiến công, thần tốc, bứt phá để về đích.
Báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng và các ý kiến tại cuộc họp cho biết, sau khi các đoàn kiểm tra có chỉ đạo, các dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số địa phương đã cơ bản hoàn thành bàn giao GPMB, hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu; nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc trong năm 2025 góp phần giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo; mở ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới. Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng với việc vận dụng linh hoạt các chính sách, không để người dân thiệt thòi, chú ý đời sống vật chất, tinh thần và sinh kế cho người dân; bảo đảm cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án. Đồng thời yêu cầu các địa phương phối hợp với chủ đầu tư xác nhận thực trạng của nhà dân trong quá trình kiểm đếm, chăm lo cho người dân đã nhường mặt bằng cho dự án; các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và tăng cường vận động Nhân dân chia sẻ, ủng hộ trong quá trình thi công.
Yêu cầu dứt khoát tới tháng 12/2025 phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, vào TP HCM và tới Đất Mũi (Cà Mau), Thủ tướng đồng thời chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc từ Cà Mau xuống cảng Hòn Khoai (khoảng 90km).
Phương Mai