Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố - Một học giả lớn của dân tộc

(PLVN) - Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.
Nhà văn Ngô Tất Tố - Một học giả lớn của dân tộc, ảnh tư liệu

Sáng lập và phát triển trào lưu văn học hiện thực

Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954; quê ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngô Tất Tố đã được sự dạy dỗ của Nho học. Năm 1898, Ngô Tất Tố học chữ Hán từ ông nội ở quê.

Năm 1912, Ngô Tất Tố học một thời gian ngắn tiếng Pháp và bắt đầu tham gia các kỳ thi truyền thống do triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Năm 1926 ông ra Hà Nội làm báo cho "An Nam tạp chí". Vì không đủ tiền nên ông cùng Tản Đà phải vào Sài Gòn, có thể nói ông thực sự không thành công trong thử thách Nam Kỳ. Nhưng tại đây, ông đã được tiếp cận với kiến thức và văn hóa của thế giới trong khu vực thuộc địa.

Sự nghiệp sáng tác của ông trải rộng và xuất sắc trên nhiều lĩnh vực văn học, báo chí, dịch thuật, nghiên cứu... Hoá thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài.

Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực xuất sắc viết về đề tài người nông dân nghèo trước cách mạng. Ông được coi là nhà văn tiêu biểu trong trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước năm 1945, Ngô Tất Tố nhiều lần hướng về những người nông dân nghèo khổ, nơi ông khai thác và phát hiện những vẻ đẹp tiềm ẩn sâu trong tâm hồn họ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tập trung sáng tác tác phẩm tuyên truyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp của đất nước.

Cùng với những tác giả lớn thời bấy giờ như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... tác giả Ngô Tất Tố đã miêu tả và phản ánh hiện thực đất nước ta một cách chân thực nhất. Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại.

Ông đã cho biết bao thế hệ độc giả thấy được sức sáng tạo của một nhà văn tiên phong sáng lập và phát triển trào lưu văn học mới - văn học hiện thực. Những tác phẩm của Ngô Tất Tố, điển hình như “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Lều chõng”…, vẫn còn nguyên giá trị văn học và xã hội cho đến hôm nay.

Di sản của nền văn học Việt

Tại lễ kỷ niệm Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức “Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố” (20/4/1893 - 20/4/2023) vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/4/2023, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu uy tín đều nhấn mạnh những đóng góp giá trị, kiệt xuất của nhà văn Ngô Tất Tố cho văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà; khẳng định, ông là một chân dung lớn, với một sự nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực; đồng thời phân tích giá trị những tác phẩm tiêu biểu của ông.

Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Nhà Văn Ngô Tất Tố được Hội Nhà Văn tổ chức trang trọng. (Ảnh Thùy Dương)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa, học giả lớn của dân tộc. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời, ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến. Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.

Ông đã xác lập con đường đi của mình từ khi còn rất trẻ và kiên định, bản lĩnh, trí tuệ, quả cảm trên con đường đó, trở thành người viết luôn đứng về phía nhân dân, về phía ánh sáng lương tri để chống lại bóng tối. Tất cả những trang viết, tác phẩm dịch của ông đều trở thành di sản của nền văn học, văn hóa Việt Nam và vẫn còn giá trị lớn trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương đại. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi xứng đáng được ngưỡng mộ, tôn vinh và là tấm gương để các thế hệ nhà văn, nhà báo, thế hệ trẻ học tập và đi tới".

Nghề báo cũng là lĩnh vực thể hiện tài năng của Ngô Tất Tố. Ngô Tất Tố là người đến sau trong làng báo Việt Nam đầu thế kỷ XX và cũng ở thời kỳ báo chí sôi nổi. Ông được ghi nhận như một nhà báo tâm huyết và sắc sảo với nghề, bất bình với chế độ thuộc địa, nỗi khổ cực của dân nghèo và sự đè nén áp bức của bọn cường hào ác bá.

Trong số hàng nghìn tác phẩm báo chí được ông viết ra, hiện đã xác định được khoảng trên 1.300 tác phẩm là của ông viết dưới hàng chục bút danh. Nhà văn Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời từng nhận xét: “Ngô Tất Tố là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho. Trong tác phẩm báo chí của mình, Ngô Tất Tố giúp người đọc hình dung rõ đời sống xã hội phong kiến, thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát".

Nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương nhận định, Ngô Tất Tố viết báo ở một tầm văn hoá cao, ở một ngưỡng kiến thức rộng lớn và chính xác. Nhiều bài báo của Ngô Tất Tố có cốt cách của truyện ngắn hài hước, sắc nhạy và thâm thuý. Rất nhiều bài báo của ông đến nay vẫn thời sự, vẫn như viết ra để nói việc bây giờ, cho người đọc bây giờ.

Giáo sư Hà Minh Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận định khâm phục: Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Một Ngô Tất Tố hiện đại qua hàng loạt bài báo với tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, quyền sống cho người nông dân bị áp bức khổ cực. Một Ngô Tất Tố hiện đại với những tiểu thuyết phóng sự phản ánh sâu sắc chân thực những bức tranh quê, những sự đổi đời của văn hóa phong kiến suy tàn từ thời kỳ bút lông chuyển sang bút sắt.

“Ngô Tất Tố đã viết dưới ánh sáng của khoa học để phục vụ đại chúng và bảo vệ dân tộc. Ghi nhận tính chiến đấu, ý thức xã hội và văn phong báo chí của Ngô Tất Tố cũng là ghi nhận vai trò người trí thức trước cộng đồng, ghi nhận sự nỗ lực của nhà nho tiến kịp với trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Cuốn sách “Cẩm Hương đình” của Tống Lang, do Ngô Tất Tố dịch - ấn bản kỷ niệm 100 năm bản dịch đầu tiên ra mắt. (Ảnh Thùy Dương)

Nhân dịp này, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cũng giới thiệu cuốn sách “Cẩm Hương đình” của Tống Lang, do Ngô Tất Tố dịch - ấn bản kỷ niệm 100 năm bản dịch đầu tiên ra mắt. “Cẩm Hương đình” đề cập đến nỗi khổ đau và khát vọng hạnh phúc của con người trong một thời đại tao loạn, cũng như giá trị sống đích thực của con người. Cuốn sách được nhà văn Ngô Tất Tố dịch năm 1915, in và phát hành tại Hà Nội lần đầu năm 1923. Bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố đã góp phần mở rộng biên độ của tiếng Việt trong diễn dịch ngôn ngữ văn học.