Cần bảo vệ bản quyền phim trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vi phạm bản quyền phim điện ảnh, phim truyền hình trên không gian mạng là một vấn đề nhức nhối trong xu thế phát triển của mạng xã hội. Điều đó gây tổn thất nặng nề cho nhà sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa của một nền điện ảnh trong quá trình hội nhập.
Các trang web xem phim trực tuyến không có bản quyền gây thiệt hại nặng nề cho chủ sở hữu. (Ảnh: Yến Anh)

Các trang web xem phim trực tuyến không có bản quyền gây thiệt hại nặng nề cho chủ sở hữu. (Ảnh: Yến Anh)

Hơn 400 website phát sóng các bộ phim trái phép

Theo số liệu thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có hơn 400 website phim tiếng Việt đang công khai phát sóng hàng chục nghìn bộ phim trên internet, trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền.

Theo đại diện BHD (Công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh), tình trạng ăn cắp bản quyền phát hành trên không gian mạng rất phổ biến, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Từ nhiều năm nay, chỉ cần một cú nhấp chuột đã có thể “tiêu tan” bản quyền của những bộ phim bạc tỉ.

Các đường link phim lậu sao chép phim truyền tay nhau trên mạng xã hội, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền. Review phim là việc sử dụng bộ phim gốc để thực hiện hoạt động tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình và giải thích rõ hơn nội dung của bộ phim. Người xem chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim, không còn hấp dẫn để người xem bỏ chi phí xem trọn vẹn bộ phim nữa. Điều này đã gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.

Các fanpage, kênh trên internet phát sóng trái phép thường lồng quảng cáo để thu lợi bất chính. Trong khi đó, các nhà sản xuất phim bị tổn thất nặng nề. Một bộ phim để sản xuất được cần đầu tư rất nhiều tiền và trí tuệ, công sức, thời gian, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng… Thường một bộ phim điện ảnh chiếu rạp chi phí sản xuất vài chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Còn phim truyền hình, trung bình mỗi tập chi phí sản xuất 300 - 400 triệu đồng.

Mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái mạnh tay với website vi phạm bản quyền về phim, nhiều trang web phim lậu bị “đánh sập”, nhưng ngay sau đó đã xuất hiện một website khác thay thế với một tên miền mới. Nan giải hơn, việc đối tượng vi phạm thường sử dụng, dùng tên miền nước ngoài, giấu địa chỉ IP. Một số đối tượng đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài thông qua đại lý ở Việt Nam nhưng số khác lại trực tiếp đăng ký thẳng với nước ngoài. Do vậy, cơ quan quản lý rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.

Để bảo vệ bản quyền phim trên không gian mạng, một số nhà sản xuất, phát hành đã chủ động cung cấp dịch vụ nội dung phim ảnh, truyền hình có bản quyền trên internet như một cách thu hút người dùng vào trang mạng có bản quyền... Một số nhà sản xuất, phát hành phim đã kịp thời đăng ký bản quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ cho các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn.

Mong người xem có ý thức tôn trọng bản quyền

Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ VH,TT&DL đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện trên các lĩnh vực. Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” năm 2024 được triển khai đồng bộ; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức ngành VH,TT&DL tham gia phòng ngừa, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet, nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng.

Bộ VH,TT&DL cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2024 và thành lập 35 đoàn thanh tra, trong đó 6 đoàn thanh tra hành chính, 29 đoàn thanh tra chuyên ngành. Từ đầu năm đến nay, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan…, với tổng số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó là yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm (chương trình máy tính) dưới hình thức điện tử; tiêu hủy bản ghi âm fever, tháo gỡ bản ghi âm fever trên môi trường mạng và kỹ thuật số, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp…

Được biết, năm 2023, Thanh tra Bộ VH,TT&DL phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, bảo đảm thuê bao/người sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam không truy cập được vào 2.763 website, 3.611 link có nội dung vi phạm; xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Thực tế cho thấy, các chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan có mức xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe, một số hành vi xử phạt còn thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Vì vậy, thời gian tới nội dung này cần điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là trên môi trường số. Việc xử phạt cần phát huy tính răn đe, phòng ngừa. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan...

Để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo chắc chắn cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các ngành, nhưng có lẽ trên hết vẫn là ý thức của người xem. Các nhà sản xuất, phát hành mong mỏi người xem có ý thức tôn trọng bản quyền, bởi khán giả xem phim “chính chủ”, “tẩy chay” phim lậu là cách cổ vũ cho những nhà làm phim sáng tạo thực hiện những bộ phim hay, có giá trị về nghệ thuật cũng như chất lượng, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam phát triển.