Ngày 2/12, hơn 100 sinh viên khóa II (1979-1982), Đại học Luật Hà Nội (trước là khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cùng tề tựu Hà Nội để được “về lại với những ký ức yêu thương” sau 30 năm chia tay, đem tri thức và những trải nghiệm về cuộc sống, về chiến tranh đi gây dựng “nền dân chủ của đời sống tư pháp” trong nỗi nhớ khôn nguôi một thời đèn sách…
Dưới mái trường này, nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có các sinh viên khóa II, Trường Đại học Luật Hà Nội đã được đào tạo để trở thành những cán bộ chủ chốt của nước nhà |
Kể từ ngày 22/6/1982 khi cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho 134 sinh viên (trong số đó có một số sinh viên khóa I tham gia thi tốt nghiệp với khóa II), thời gian cứ âm thầm những bước đi nhưng các cựu sinh viên ngày nào giờ đã là những gương mặt thành công trên các lĩnh vực hoạt động Tư pháp, từ Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cho đến Vụ trưởng, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp,...
Nhiều bạn sinh viên trong khóa đã trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ Luật, Giảng viên các Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp... Có người đã nghỉ hưu, cũng đã có người vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng. Những thành công của họ đã minh chứng một điều: Các cựu sinh viên khóa II là những người có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn vững vàng, là hạt nhân thúc đẩy cho sự nghiệp Tư pháp của đất nước phát triển.
Dù đã hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, nhưng tất cả sinh viên khóa II Trường Đại học Luật Hà Nội (được thành lập trên cơ sở thống nhất giữa Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Cao đẳng pháp lý Hà Nội) vẫn luôn nặng lòng về những tháng ngày đầy tình cảm, thầy trò đùm bọc nhau vượt qua gian khó, thiếu thốn để lời thầy giảng vẫn được vang lên trên giảng đường, để những trang sách của sinh viên vẫn được soi sáng dưới ánh đèn dầu mỗi đêm mất điện..., gom góp những kiến thức làm hành trang cho từng sinh viên đi đến thành công của ngày hôm nay.
Chuẩn bị cho ngày trọng đại này, Ban Tổ chức (do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ làm Trưởng ban) đã dành cả 1 năm liên lạc, thu thập thông tin của các thầy cô và 128 sinh viên khóa II để hoàn thành một cuốn Kỷ yếu. Dù vẫn còn 11 người không thể liên hệ được và không phải ai cũng có đủ thông tin cần thiết, nhưng cuốn Kỷ yếu đã được hoàn thành và sẽ trở thành “cẩm nang” để những ký ức về trường, về lớp, về thầy cô, về bạn bè của thời “rau cháo nhưng chứa chan tình cảm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những cựu sinh viên khóa II Đại học Luật Hà Nội ngày nào./.
* Trích Thư Chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – nguyên giảng viên Khoa Luật (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
“Sau ba mươi năm, có thể nói sự tận tâm phục vụ sự nghiệp Tư pháp của các anh, chị, các bạn, và các em đã đến ngày khai hoa kết trái (…) Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành Tư pháp trong thời gian qua đã có những bước phát triển quan trọng, đang vươn lên tầm cao mới theo các chiến lược xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp của đất nước. Tương lai, triển vọng sự nghiệp Tư pháp nước nhà với mục tiêu hướng đến việc xây dựng một NNPQ XHCN, đề cao và tôn trọng quyền tự do cơ bản của con người, của công dân, dân chủ hóa hoạt động tố tụng đang chờ đợi sự tiếp tục cống hiến của các anh, chị, các bạn và các em sinh viên Khóa II, dù ở bất kể trên cương vị, trách nhiệm nào.
Tôi tin tưởng rằng, với việc phát huy kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tinh thần năng động, sáng tạo, các anh, chị, các bạn và các em sẽ tiếp tục đem hết khả năng, nhiệt huyết của mình cùng với các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội có những đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp Tư pháp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
*. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ: “Thời đó, cả thầy và trò chúng tôi đều coi việc dạy và học là trách nhiệm thiêng liêng. Chúng tôi học bằng ý thức được rèn luyện qua “chất lính” (vì đa số sinh viên khóa II là bộ đội phục viên), được những giáo viên có trình độ lý luận, thực tiễn và tình cảm yêu thương chân thành truyền thụ những kiến thức sâu rộng, cụ thể mà suốt 30 năm qua đã được vận dụng vào quá trình công tác, tạo nền thành nền tảng cho những thành công của chúng tôi ngày hôm nay”.
*. LS.Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam): “Nhớ về những ngày học tại Khoa Luật, ấn tượng đối với tôi là ý thức học tập và nghiên cứu khoa học sôi nổi mà học sinh phổ thông chúng tôi (chỉ chiếm chưa đến 10% sinh viên toàn khóa) đã học được từ các sinh viên là bộ đội phục viên trong sự khuyến khích của giáo viên. Sau 30 năm, tôi luôn tự hào khi là một trong những sinh viên các khóa đầu của khoa Luật. Giờ các anh, các chị, các bạn học của tôi nhiều người đã trở thành lực lượng cán bộ tư pháp nòng cốt cho các cơ quan trên khắp mọi miền đất nước. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo vững vàng, có trui rèn của các khóa đầu của Khoa Luật...”
*. GS.TS.Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an): “Thật khó để tôi diễn tả được hết nỗi xúc động khi gặp lại các thầy, cô, anh chị và các bạn đã cùng tôi đi qua thời sinh viên ở khoa Luật những năm 1979-1982. Sau 30 năm kể từ ngày ra trường, dù đi nhiều nơi, làm nhiều việc, nhưng ở đâu, làm gì tôi vẫn luôn nhớ về thời sinh viên – thời kỳ đẹp nhất của mỗi con người vì “Đời sinh viên vui buồn mơ mộng/Ai đã qua rồi chắc dễ gì quên”. Tôi biết ơn các thầy, cô, các anh chị và bạn bè khóa II, chính họ đã cho tôi rất nhiều, tạo động lực cho tôi phấn đấu vươn lên. Tôi luôn nhớ rằng, những gì tôi có được như ngày hôm nay phần nhiều là do những năm tháng sinh viên quyết định. Tôi mong trong hành trang mang theo trong cuộc đời mỗi cựu sinh viên khóa II luôn có những kỷ niệm của thời sinh viên đó như tôi”.
Ông Vũ Đức Long (nguyên giáo viên chủ nhiệm Lớp A khóa II, Đại học Luật Hà Nội): Luôn nhớ về nét đẹp tâm hồn, phong cách của các sinh viên Năm 1977, nhận quyết định về Khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Vũ Đức Long (giờ là Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp) coi “ước mơ trở thành giáo sư của một trường Đại học danh tiếng” đã thành sự thật. Nhớ về những tháng ngày giảng dạy “ăn đong từng bữa” về giáo trình, tài liệu trong khó khăn chung của đất nước thời tem phiếu, ông “cám ơn cuộc đời rằng, nhờ có những năm tháng đó mà tôi có được cảm giác trong trẻo, thánh thiện ngày hôm nay”. 30 năm đã qua, những gì về khóa II, khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội) đã đọng lại trong ký ức của ông? - Ba mươi năm qua đi kể từ ngày ấy, lớp sinh viên mà tôi làm chủ nhiệm ra trường. Vậy mà kỷ niệm về những năm tháng cùng làm việc với sinh viên lại sống dậy xôn xao trong tôi mỗi khi tôi có dịp đi qua khu ký túc xá Mễ Trì của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), mỗi dịp đi công tác ở các địa phương, gặp lại sinh viên cũ của lớp với tình thầy trò, tình bè bạn ấm áp, vô tư, không hề một chút vẩn đục. Nhưng có lẽ một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất như vậy, nhưng các sinh viên lớp tôi chủ nhiệm lại rất chịu khó đam mê học tập. Thời kỳ đó do còn độc thân, sống trong ký túc xá của Trường, nên giáo viên với sinh viên cùng tham gia nhiều hoạt động văn - thể - xã hội. Sự gần gũi, gắn bó tình cảm thầy trò thật sâu đậm. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tên, nét mặt và dáng vóc của hầu hết các sinh viên trong lớp, nhất là về nét đẹp tâm hồn, phong cách của họ. Quãng thời gian giảng dạy đó đối với cuộc đời ông có ý nghĩa như thế nào? Mặc dù đã 26 năm chuyển sang lĩnh vực công tác khác, nhưng những kỷ niệm thật đẹp về những năm tháng làm Chủ nhiệm Lớp A - Khóa II - Khoa Luật luôn thường trực trong tâm trí tôi; để rồi mỗi khi có dịp gặp lại học trò cũ, cảm giác ấy lại xốn xang ùa về trong tôi. Nay nhiều sinh viên năm xưa đã trưởng thành vượt bậc, nhiều người vượt qua thầy về trình độ học vấn, chức vụ, thậm chí còn có học trò hiện là sếp trực tiếp của tôi. Nhưng mỗi khi họ gặp và chào tôi bằng thầy, trong tôi lại trào dâng một cảm giác thánh thiện, pha chút ngỡ ngàng. Và tôi cũng tự hào rằng, ít nhiều trong một quãng thời gian ngắn của cuộc đời, tôi đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đào tạo cho đất nước một lớp người thành đạt trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật nước nhà. Trân trọng cảm ơn ông! |
Hương Giang (thực hiện)