Trong quá trình biên soạn bản thảo cuốn sách “Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên” nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, chúng tôi được tiếp cận với nhiều tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi xin trích đăng một phần hồi ký của ông, trong đó ghi lại kỷ niệm của ông về Bác.
Chỉ nhân dân Việt Nam có quyền giám sát
Sau khi tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân đồng bào, trước thế giới, Hồ Chủ tịch mau chóng lãnh đạo thành lập Quốc hội. Quốc hội đầu tiên của nước ta được bầu ngày 6/1/1946, họp phiên đầu tiên ngày 2/3/1946 có vai trò một mặt củng cố địa vị đối ngoại của Việt Nam, một mặt làm luật để xây dựng chính quyền quản lý nội bộ Việt Nam.
Nội tình Việt Nam lúc đó hỗn độn, Tưởng Giới Thạch điều quân của Tiêu Văn vào miền Bắc bên ngoài là để giải giáp quân Nhật nhưng kéo theo bọn giả danh cách mạng Việt Nam đang trú ngụ bên Trung Quốc là Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Kách mệnh đồng minh hội, hòng sử dụng chúng làm tay sai nắm quyền cai trị miền Bắc Việt Nam. Mặt khác, quân Pháp cử một số đại diện nhảy dù xuống Hà Nội. Trong khi ở miền Nam, quân Pháp đi theo quân Anh vào giải giáp Nhật, âm mưu chiếm lại Nam kỳ.
Ở Hà Nội, Hải Phòng hàng ngày xảy ra tống tiền, bắt cóc, ám sát, nổ súng, quân Tàu đòi tiền, đòi giám sát… Đại diện Pháp thì đòi trao đổi ý kiến… Bác thỏa mãn quân Tàu những đòi hỏi về vật chất và khuyên nhân dân đừng đánh lại chúng, Nhưng khi tướng Tàu muốn đặt cố vấn bên cạnh Chính phủ Việt Nam thì Hồ Chủ tịch trả lời: “Thưa ngài, đối với tôi, chỉ có nhân dân Việt Nam là có quyền giám sát tôi, ngoài ra không có ai được giám sát cả”.
Một mình Bác đi giao thiệp trong Hà Nội trên một ô tô con, có một bảo vệ. Tôi nói Bác đi thế sợ nguy hiểm, Bác bảo: “Chưa việc gì”.
Về phía Pháp, đại diện là Xanh-tơ-ny (Sainteny) nhiều tối hội đàm riêng với Hồ Chủ tịch bên cạnh phòng tôi ở, thỉnh thoảng có anh Hoàng Minh Giám dự cuộc hội đàm, là một ván cờ mà một mình Bác tính nước. Bác ký được với Xanh-tơ-ny Hiệp ước sơ hộ 6/3/1946 là một thiên tài sách lược. Lập tức quân Tàu rút hết về nước, chấm dứt nạn sách nhiễu hàng ngày của chúng. Chỉ còn đoàn Pháp, tình hình nhẹ nhõm hẳn đi.
Hiệp ước 6/3/1946 đặt Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Việt Nam có Nghị viện, quân đội, tài chính riêng. Nhưng Pháp không đồng ý ghi Việt Nam là nước tự trị. Cuối cùng Bác đề nghị gọi Việt Nam là nước tự do. Xanh-tơ-ny chấp nhận, còn miền Nam có thống nhất với miền Bắc không thì sẽ trưng cầu ý dân miền Nam.
Sau khi ký Hiệp ước 6/3, Bác thống nhất với Đô đốc Đác-giăng-li-ơ (d’ Argenlieu) đến cuối tháng 5/1946 Việt Nam sẽ cử một phái đoàn sang Pháp đàm phán về mối quan hệ hai nước, Bác cùng đi với danh nghĩa thượng khách. Có ý kiến e ngại Bác đi sang Pháp có thể gặp nguy hiểm. Bác quyết định cứ đi. Việc này cũng như việc một mình Bác đi giao thiệp ở Hà Nội không sợ ám sát là cái khiếu mẫn thính của nhà chính trị lỗi lạc, cảm đoán được chiều hướng của một tình hình trừu tượng gọi là vô trọng lượng, không có gì để cân nhắc được (les imponderables).
Hội nghị đàm phán giữa Việt Nam và Pháp họp ở Phông-ten-bờ-lô (Fontainebleau) thất bại. Phái đoàn Việt Nam do anh Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tôi là một chuyên viên pháp lý xuống tàu thủy về nước. Một gia đình Pháp tỏ ý lo âu nói với tôi: “Không biết chúng có để cho các ông về đến nhà không”?
Một mình Hồ Chủ tịch ở lại Pari, đàm thảo cùng Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Mu-tê (Moutet), đến nửa đêm 14/9/1946 mới ký xong một tạm ước. Rồi Bác xuống tàu chiến Đuy-mon Dur-Vin (Dumont Durville) của Pháp về nước. Tôi nghĩ Tạm ước 14/9/1946 đã bảo trợ cho đoàn Việt Nam về nước yên ổn.
Bác Hồ chụp ảnh cùng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vào tháng 11/1946 |
Về phần tôi, khi Chính phủ lâm thời hết nhiệm kỳ, tôi thôi chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nhân dân chuẩn bị bầu Quốc hội đầu tiên thì có cuộc thương lượng giữa các đảng phái. Chức Bộ trưởng Tư pháp được phân cho Đảng Dân chủ Việt Nam. Anh em đến mời tôi gia nhập Đảng Dân chủ mấy lần nhưng không cho biết ý đồ là để tôi giữ chức Bộ trưởng Tư pháp.
Anh Võ Nguyên Giáp đến phòng tôi ngủ trưa, tôi đi chỗ khác để anh yên tĩnh nên anh không kịp nói gì với tôi. Tôi không gia nhập Đảng Dân Chủ vì chí hướng là vào Đảng Cộng sản. Do đó, Bộ Tư pháp được chuyển cho anh Vũ Đình Hòe phụ trách. Anh đề nghị tôi làm Thứ trưởng, tôi không nhận. Chủ tâm của tôi là sẽ nhận làm Chưởng lý Bắc bộ (khi kháng chiến chống Pháp thì làm Giám đốc Tư pháp liên khu 10) để bắt tay thực hiện tổ chức bộ máy Tòa án theo Sắc lệnh 13 mà tôi đã trình Chính phủ lâm thời và được Hồ Chủ tịch ký.
Tôi còn giữ bức “Thư riêng” của Bác tự tay đánh máy gửi cho tôi năm 1948, động viên tôi và anh em thẩm phán, hỏi thăm bà mẹ tôi qua đời, lại thêm bốn câu thơ về việc Cù Huy Cận: “Trọng Khánh giúp Cù Huy, làm được cứ làm đi, chúc các chú thành công, ta không ngăn cản gì”.
Tác phong của lãnh tụ là thế, hễ nhận được thư riêng của cán bộ là tự tay đánh máy trả lời thân mật, ân cần.
Về đời tư, quên mình vì nước, vì dân, Bác lo toan những việc lớn lao tột đỉnh của đất nước mà đời tư của Bác đơn sơ đến mức không có đời riêng tư.
Bộ quần áo kaki cổ đứng và đôi dép lốp thật tượng trưng cho ý chí xả thân của Bác, không vơ chút nào vào thân mình. Bác ăn uống sơ sài. Ở chiến khu Việt Bắc, đến dự Hội nghị Tư pháp, Bác không cho làm cơm thết, Bác ngả ra bãi cỏ cơm nắm, lọ cà, lọ thịt kho và gọi tôi cùng ăn. Tôi gắp miếng thịt, dai không nhá nổi phải dúi xuống cỏ.
Ở rừng dọn về Hà Nội khi giải phóng miền Bắc, không sao ưa được dinh thự của Tây tại Phủ toàn quyền của Pháp cũ nên Bác ở gian nhà bình thường của người thợ điện. Sau phải dựng một nhà sàn đơn giản bên ao cá để Bác làm việc và nghỉ ngơi.
Hòa bình rồi nhưng Bác vẫn “du kích” đi kiểm tra cơ quan. Bác thường đến bất thình lình, đi thẳng xuống gặp gỡ anh chị phục vụ rồi mới lên gặp thủ trưởng. Một lần Bác đột nhập vào phòng Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hải Phòng của tôi và hỏi: “Chú có biết dân lo gì không?”. Tôi thường xuống với dân phố nhưng lúc đó tôi không báo cáo được câu nào với Bác.
Tôi nghiệm thấy mỗi lần đột xuất đứng trước Bác, tôi bị thu hút, chỉ nhìn và nghe, không nói được lên lời. Bác đi rồi mới tiếc không trình bày được những ý kiến hay của mình. Một lần khác, Bác đứng nói chuyện với đám đông anh chị em thanh niên tại sân Ủy ban hành chính. Xong rồi, Bác bảo các cháu hát và túm tôi kéo ra cầm nhịp để rồi Bác bí mật rút lui.