Ký ức của một nữ chiến sĩ công an về Bác

(PLO) - Mỗi năm, cứ đến ngày sinh của Bác, các tổ chức đoàn, hội tỉnh Hà Giang lại mời bà lên nói chuyện. Bà bảo, năm nào cũng nói câu chuyện này, mỗi năm cảm giác mỗi khác nhưng những tình cảm, sự xúc động trước nhân cách lớn của vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh lúc nào cũng khiến bà trào nước mắt.
Bức ảnh chụp cùng Bác được treo trang  trọng trong nhà bà Khu, như một báu vật của gia đình.
Bức ảnh chụp cùng Bác được treo trang trọng trong nhà bà Khu, như một báu vật của gia đình.
Bà là Đinh Thị Khu (năm nay đã 75 tuổi), nữ chiến sĩ công an duy nhất của tỉnh Hà Giang được tháp tùng, bảo vệ Bác Hồ ngày Bác lên thăm Hà Giang nói chuyện.
Người Cha già dân tộc gần ngay trước mắt
Với giọng run run, bà vẫn nhớ như in những ngày đặc biệt của cuộc đời mình. Bà kể: Năm 1961 bà và các anh em chiến sĩ công an đồng nghiệp nhận được một nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ an toàn tuyệt đối chuyến thăm của một đồng chí lãnh đạo Trung ương xuống tỉnh. Anh em thi nhau đoán là ai, là đồng chí nào nhưng không thể nào đoán trúng vì mỗi người một ý nên tất cả đều hồi hộp chờ đợi. 
Đúng ngày 26/3, hai chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời thị xã, một chiếc bay vào sân bay Phong Quang (xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên), một chiếc đáp xuống vị trí cầu Mè. Khi nhìn thấy một người dáng cao cao, gầy gầy lấp ló bước từ trực thăng xuống, không ai bảo ai, tất cả anh em đều chộn rộn sung sướng khi nhận ra đó là Bác Hồ. Nhưng rồi vì nhiệm vụ cao cả, tất cả phải cố gắng che giấu tình cảm của mình để làm tròn nhiệm vụ. 
Bà Khu tâm sự, dù bà chỉ được giao nhiệm vụ nắm tình hình, bảo vệ vòng ngoài nhưng lần đầu tiên nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, bà nghẹn ngào xúc động, nước mắt cứ chực trào ra. Tối hôm đó, bà được giao nhiệm vụ bảo vệ buổi làm việc của Bác với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Khi Bác kết thúc cuộc nói chuyện, bà vẫn nán lại để được gần Bác hơn. Vừa nhìn thấy bà, Bác nói: “Cô công an trông như văn công thế kia thì ai sợ”. Bà ngỡ ngàng khi được nhìn Bác gần đến thế, lại còn được Bác đùa vui. Đêm ấy, về đến cơ quan, những lời của Bác, ánh mắt trìu mến của Bác cứ trở đi trở lại trong đầu óc cô công an mới 20 tuổi đời. 
Nhưng rồi nhớ ra nhiệm vụ ngày mai phải bảo vệ Bác trong buổi nói chuyện với nhân dân toàn tỉnh ở Quảng trường 26/3 nên bà lại cùng anh em lên phương án tác chiến. Bà kể, đêm hôm đó bà cùng anh em trong đơn vị không thể nào ngủ được vì vui, hạnh phúc, hồi hộp. Anh em đi tuần tra cả đêm, dò từng lùm cây, từng bụi cỏ. Ai cũng tập trung cao độ cho công việc. Cô công an trẻ măng cũng căng thẳng không kém bởi vừa lo lắng cho công việc, vừa nhớ đến những hình ảnh hiền từ của Bác hồi tối. 
4 giờ sáng, trên khắp các ngả đường dẫn tới Quảng trường, người dân mang theo cờ, hoa, biểu ngữ kéo về. Bà cùng các chiến sỹ công an nhẹ nhàng hướng dẫn bà con xếp thành hàng lối để buổi nói chuyện của Bác được thuận tiện. Bà kể, người dân ai cũng háo hức nên trật tự và răm rắp nghe theo sự sắp xếp của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ở Quảng trường. Hình như ai cũng đợi chờ được một lần nhìn thấy vị Cha già của dân tộc hiện diện trước mắt chứ không phải qua những lời kể, những hình ảnh được ghi lại trên sách báo, tài liệu. 
Cô công an trẻ măng khi ấy được phân công bảo vệ khu lễ đài, nơi Bác đứng nói chuyện. Được đứng thật gần Bác lần thứ hai, bà Khu ngỡ ngàng như không tin rằng đấy là sự thật. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp bài Kết đoàn để tất cả mọi người cùng hát. Niềm hạnh phúc, tự hào và xúc động truyền đi qua những giọng hát hào hùng, trầm bổng của đoàn người có mặt tại Quảng trường. Bà bảo, rất nhiều người vừa hát vừa đưa tay ôm ngực mình nghẹn ngào, nước mắt trào ra vì hạnh phúc bất ngờ... 
Rồi Bác Hồ rời lễ đài trong tiếng hát trầm bổng, say sưa của đoàn người để di chuyển đến Cầu Mè, nơi chiếc trực thăng đang chờ để đưa Bác về lại Hà Nội. Vì phải bám theo để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác, bà hạnh phúc vô ngần khi được Bác nhìn thấy và đã tặng bà bó hoa lay ơn. 
Bà Đinh Thị Khu vẫn nhớ như in về ngày được gặp Bác Hồ.
Bà Đinh Thị Khu vẫn nhớ như in về ngày được gặp Bác Hồ. 
Cô công an trẻ khi ấy lặng người xúc động, nước mắt cứ thi nhau rơi xuống dù nụ cười vẫn nở trên môi. Bác nhẹ nhàng hỏi thăm: “Cháu vào công an lâu chưa? Cháu học lớp mấy? Năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Lương cháu được bao nhiêu?”. Tất cả những từ ngữ, cử chỉ, giọng điệu của Bác... đến nay đã qua hơn 50 năm nhưng bà Khu vẫn nhớ từng lời, từng chi tiết, nhớ cả ánh mắt, cái vai khẽ rung của Bác năm nào... 
Lời Bác dặn như kim chỉ nam làm việc  
Nhưng “Tôi nhớ nhất lời dặn dò của Bác: Là công an, các cháu phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải đoàn kết đồng chí, đồng đội, phải cố gắng học tập chuyên môn, nghiệp vụ tốt, học hỏi những đồng chí đi trước” – bà tâm sự, giọng vẫn còn nguyên sự xúc động. 
Nhớ lời Bác, bà luôn cố gắng rèn luyện, cùng đồng đội bảo vệ cuộc sống yên bình cho bà con trong những ngày đất nước còn chiến tranh, loạn lạc, từ chiến tranh chống Mỹ đến chiến tranh biên giới. Đến khi hết giặc ngoại xâm lại đến những thành phần cực đoan trà trộn nhằm gây rối trật tự công cộng. Trong bất cứ tình huống nào, bà Khu đều bình tĩnh vượt qua. Bà đã trải qua nhiều công việc, chức vụ khác nhau. Khi thì công tác tại Công an tỉnh, lúc lại ở cơ sở, nhưng dù ở cương vị nào bà cũng luôn vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi khi khó khăn, bà lại nhớ những lời Bác căn dặn để vượt lên, đạt được thành tích tốt nhất. Bà cùng với chồng (nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên – PV) cùng dâng hiến tuổi xuân cho tỉnh, cho công cuộc giảm nghèo của địa phương. 
Hành trang theo suốt cuộc đời làm nghề của nữ chiến sĩ công an Đinh Thị Khu là những lời dặn dò của Bác, ánh mắt trìu mến của Bác, là những cảm xúc quá lớn và vinh dự được gặp Bác khi còn quá trẻ. Dù trong cuộc đời làm nghề bà chỉ làm công tác hậu cần, hành chính nhưng bà cũng đã nỗ lực, cùng các đồng nghiệp phá một vụ án mạng nghiêm trọng trong một gia đình mà đến giờ kể lại bà vẫn thấy đau xót. Với những đóng góp của mình, bà được cất nhắc lên làm Phó Trưởng Công an thị xã Hà Tuyên (nay là TP.Hà Giang).
Bà bảo, tham gia phá vụ án mạng đó khiến bà nhận ra rằng, trong một gia đình, mọi người phải thường xuyên chuyện trò, trao đổi những khúc mắc, tâm sự, sẻ chia những khó khăn với nhau để cùng tìm hướng giải quyết,  không để xảy ra những câu chuyện đau lòng. Đó cũng là bài học bà luôn nhắc nhở những đồng nghiệp, nhân viên của mình khi ở cương vị lãnh đạo đơn vị. 
Tuy nhiên, những câu chuyện mà bà luôn ghi nhớ và kể cho con cháu không phải là những khó khăn, những thành công trong công việc của mình. Câu chuyện mà bà luôn luôn kể lại với sự tự hào, xúc động chính là ngày bà được gặp Bác Hồ. Những lời nói giản dị, cử chỉ ân cần, gần gũi của Bác được bà kể lại để nhắc nhở con, cháu về tính khiêm tốn, quan tâm đến mọi người xung quanh. Những câu chuyện đó là bài học trực quan, sinh động về học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người và mọi thành viên trong gia đình luôn thấm nhuần, vận dụng vào thực tiễn giao tiếp, thực thi công việc ở cơ quan và cuộc sống hàng ngày. 
Đến nay, 4 người con của bà Khu đều đã thành công trong công việc của mình, có những đóng góp nhất định cho Hà Giang. Gia đình bà luôn được xem như một gia đình kiểu mẫu để các hộ dân ở khu phố Minh Khai nói riêng, nhân dân Hà Giang nói chung học tập và hướng đến./.

Đọc thêm