Kỳ thảo giúp trường thọ ở thung lũng mây trắng

(PLO) - Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, bà con dân tộc Mường thuộc xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) quanh năm mây trắng bao phủ
vẫn thường hái một loài cây rừng mọc hoang bám mình trên những vách đá và những cây cổ thụ để đun nước uống, ngâm rượu ngô và làm thuốc chữa bệnh.
Một góc Lũng Vân
Một góc Lũng Vân
Thần dược ở “xứ sở thần  tiên” 
Từ trung tâm TP.Hòa Bình, phải vượt gần 50km đường đèo về ngã ba chợ Lồ, sau đó đi tiếp chặng đường ngoằn nghèo, dốc cao liên tục mới tìm đến được xã Lũng Vân, vùng đất được mệnh danh là “miền đất thần tiên”. Nằm cách mặt nước biển khoảng 1600-  2000m, trên những dãy núi cao chót vót là nơi cao nhất của người Mường sinh sống nên nơi đây còn được mệnh danh là “nóc nhà của người Mường”.  
Đường lên Lũng Vân thướt tha mây trắng, thi thoảng gió kéo mây tạt vào người khiến du khách cứ ngỡ rằng mình đang ở trong chốn bồng lai tiên cảnh. Lũng Vân nằm sâu bên trong những dãy núi cao, biệt lập với thế giới bên  ngoài và khí hậu nơi đây cũng rất khắc nghiệt nên chẳng mấy khi có người lạ   đặt chân đến đây. Mùa đông ở Lũng Vân lạnh buốt đến thấu xương, cái rét khắc nghiệt làm cho cây lúa gục đổ lá tả tơi, đến ngay cả những chú trâu cày cũng đã từng không chịu nổi mà quỵ xuống hàng loạt.  
Vậy mà vùng đất này lại đặc biệt sản sinh ra những loài kỳ hoa dị thảo là dược liệu của nhiều bài thuốc quý hiếm. Thời còn chưa có trạm y tế, bà con dân tộc nơi đây đã biết cách hái những cây thuốc nam về chế biến thành thuốc để tự chữa bệnh cho mình.  
Ông Hà Văn Tơ, Chủ tịch xã Lũng Vân cho biết, kinh tế các hộ dân nơi đây chủ yếu đều thuộc dạng tự cung, tự cấp. Toàn xã có hơn 400 nóc nhà, chia thành 12 bản, với gần 3.000 nhân khẩu. Cuộc sống còn khó khăn nghèo nàn nhưng xã lại nổi tiếng trong toàn tỉnh vì có số lượng người sống hơn  100 tuổi nhiều nhất. Có lẽ một phần nhờ không khí vùng cao trong lành không chút bụi bặm, bà con dân tộc bản tính đôn hậu không thích tính  toán, bon chen lại lao động chăm chỉ nên cơ thể tráng kiện, ít sinh ra bệnh   tật, đau ốm.  
Cứ tối tối, các gia đình lại quây quần yên bình trong những nếp nhà sàn với những hạt lúa, bắp ngô, con ốc đá, lá rau rừng... sau ngày làm việc vất   vả trên nương rẫy. Nhưng người dân nơi đây lại không cho rằng họ trường thọ không chỉ nhờ bản tính đôn hậu, khí hậu trong lành mà còn có một bí   quyết nữa giúp họ sống lâu trăm tuổi, đó là một loài kỳ thảo trên rừng mà bà con hàng ngày thường hái về để đun nước, ngâm rượu, chữa bệnh - đó là cây Đái bay.  
Theo Chủ tịch Tơ, không biết từ bao giờ cây Đái bay đã đóng vai trò quen thuộc trong đời sống người dân địa phương. Ông Tơ chỉ biết rằng sáng nào những người Mường Lũng Vân trước khi lên nương cũng phải chuẩn bị một can nước Đái bay để uống.  
Trông vẻ bên ngoài, thân loài cây này mềm như thân cây Sắn dây, có lá to giống như lá thị, cả thân cây và láđều có thể dùng được. Bà con dân tộc khi hái cây Đái bay về sẽ cạo vỏ thật sạch, rửa hai, ba lần nước suối, thái lát mỏng, phơi khô, khi nào đun nước sủi thì thả loài cây này vào. Nước cây Đái Bay có màu đỏ, vị ngọt mát, đun đến nước thứ hai, thứ ba là ngon nhất, bởi lúc này sẽ xuất hiện mùi thơm thoang thoảng. Riêng với thân cây, chỗ nào phình ra to nhất thì sẽ cắt lấy dùng để ngâm rượu ngô hoặc dùng làm thuốc xông hơi.  
Một số cụ già trong làng hé lộ: “Để hái được loài cây này phải mất khá nhiều công sức, có khi đi vào rừng sâu hàng tuần mà vẫn không lấy được. Nhất là mấy năm trở lại đây, nhiều thương lái người nước ngoài tìm đến săn lùng mua với giá cao nên loài cây này càng trở nên khan hiếm dần”. 
Trăm tuổi vẫn leo núi làm nương rẫy  
Những bậc cao niên ở Lũng Vân vẫn thường giải thích cho con cháu họ rằng: Lũng Vân chính là thung lũng trong mây, và nhờ sự hội tụ của mây trời, sương khói và cây rừng nơi đây mà  những người con của Lũng Vân có thể sống đến “bách niên giai lão” mà vẫn minh mẫn lạ thường. Ngoài công dụng Kỳ thảo ở thung lũng mây để đun nước uống và ngâm rượu, cây Đái bay còn được ngâm cùng với rượu tỏi, hạt dổi, vỏ quế rồi bắt một con rết to cho vào sẽ có tác dụng trị đau gân, đau chân tay, sưng bầm, tím tái, phong   thấp, cảm hàn... rất tốt.  
Nhưng bài thuốc đặc biệt nhất vẫn là dùng loại cây đó kết hợp vừa xông, vừa uống sẽ trị được chứng   nhức mỏi cơ thể, đau nhức xương cốt ở người già. Những người đi rừng, leo núi nhiều cũng thường xuyên dùng phương pháp này trước và sau một   chặng đường dài, sẽ khiến họ có sức khỏe dẻo dai... Bởi thế, cứ vào đến mùa vụ, nơi đây không hiếm cảnh những đôi vợ chồng già đã ở tuổi “xưa   nay hiếm” vẫn tất bật theo các con, cháu đi nương, làm rẫy.  
Cụ bà Hà Thị Nỉ, 105 tuổi giới thiệu thần dược giúp mình trường thọ
Cụ bà Hà Thị Nỉ, 105 tuổi giới thiệu thần dược giúp mình trường thọ
Bà Hà Thị Chỉ (63 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lũng Vân đưa khách đến bản Bục (bản có nhiều cụ cao niên nhất) gặp mế Hà Thị Nỉ nay đã 105 tuổi. Mế Nỉ có tới 9 người con, 45 người cháu, hơn 100 chắt, còn   chút và chít thì chưa thống kê được. Dù tuổi đã cao nhưng trông mế Nỉ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, tóc đã bạc trắng như mây nhưng da dẻ thật hồng hào. 
Đặc biệt, hàng ngày mế vẫn nấu hai bữa cám cho đàn lợn 5 con, và trông chít cho chút đi làm nương.   Cô con dâu của mế cho biết: “Ở tuổi ngoài bách niên mà mế vẫn đòi theo lên rừng hái thuốc. Không cho mế đi, nhiều khi mế buồn và bảo: “Chúng bay coi tao xem, tao đâu có phải người vô dụng mà bắt tao ở nhà?””. 
Cách đó không xa là nhà cụ Bùi Văn Cẩn, cụ Cẩn đã 92 tuổi mà trông cứ như mới ở tuổi thất thập. Sau khi đã rót cho khách 2 chén rượu ngô ngâm cây Đái bay, cụ Cẩn tâm sự, tổ tiên của người Mường Bi ở đất này chỉ thích sống ở trên núi cao, thích làm bạn với thiên nhiên nên cây rừng nào cũng quen mặt, nhớ tên. Khi cụ mới sinh ra đã được uống nước cây Đái bay, lớn lên lại uống rượu ngâm loài cây này, khi về già thì dùng thuốc có cây Đái bay để chữa chứng nhức mỏi gân cốt nên mới sống được lâu và khỏe như   hiện nay.  
Cụ Cẩn còn bảo, ngày ấy người Mường Bi ở thung mây này khổ lắm, đường sá đi lại khó khăn nên lúa ngô trồng được thì ăn, không trồng được thì cả mùa cứ “đánh bạn” với rau rừng, nước cây rừng. Cứ khi nào đói là lại uống nước cây Đái bay, kể ra cũng lạ kỳ lắm bụng đang sôi ùng ục mà có thứ nước ấy vào thì cái bụng sẽ yên, không còn cảm giác đói nữa. Có lẽ vì cái tác dụng ấy nên nhà nào cũng mang can đựng nước cây Đái bay đi nương, rẫy, uống thứ nước đó vào sẽ nhanh chóng tan biến mệt mỏi, làm nương, rẫy sẽ khỏe hơn rất   nhiều.  
Chẳng biết từ bao giờ cây Đái bay đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con dân tộc Mường nơi đây, ngoài công dụng giúp con người sống trường thọ, loài kỳ thảo đó còn gắn liền với văn hóa, phong tục, mỗi ngày lễ, ngày hội của người Mường Bi không thể không có chén rượu ngô ngâm cây rừng này. Mỗi khi có khách quý đến nhà là gia chủ lại rót 3 chén rượu ngâm cây Đái bay để tỏ lòng hiếu khách. Cũng nhờ chén rượu cây Đái bay mà tình cảm gia đình, anh em, hàng xóm, bạn bè... thêm gắn bó, đó cũng là thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của bà con dân   tộc Mường Lũng Vân.