Sáng nay (7/), trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp để cư tri cả nước theo dõi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã thẳng thắn nhận định về một số bất cập trong chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ. Đồng thời kiến nghị những biện pháp theo ông để có thể tiến tới xóa nghèo bên vững.
Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh |
Kể một câu chuyện thực tế trong chuyến công tác khi được nghe ý kiến của một bà cụ phản, ánh về những bất cập trong chính sách đối với người nghèo, Bộ trưởng cho rằng cấp thiết thay đổi lại chính sách này. “Bà cụ bảo tôi rằng, bọn thanh niên lười làm, đánh bạc, vi phạm pháp luật mà cũng được hỗ trợ như những người già yếu, bệnh tật… như vậy là không công bằng, Chính phủ đang khuyến khích bọn lười làm. Bà cụ nói khiến tôi phải suy nghĩ.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi chính sách. Chúng ta đang có quan điểm là xem xét về vật chất thôi. Ai đạt chuẩn nghèo cũng hỗ trợ như nhau. Cần phải đi vào thực tế. Nếu cứ như hiện nay, hiệu quả của chính sách giảm nghèo sẽ giảm, và thậm chí phản tác dụng” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, cần có điều kiện kèm theo cho chính sách hỗ trợ. Ví dụ chúng cho họ 1, 2 năm hưởng chế độ, sau đó phải để họ cam kết điều kiện gì đó. Nếu không, ai cũng muốn hỗ trợ, muốn nghèo, không chịu vươn lên.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, khi xây dựng chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016 – 2020, cần một tiêu chí mới, tiến gần hơn với chuẩn nghèo quốc tế trên cơ sở điều kiện của Việt Nam.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng chương trình xóa đói giảm nghèo của chúng ta chưa hiệu quả như mong muốn là bởi có quá nhiều chính sách nhưng chồng chéo, không hiệu quả, nhiều cơ quan quản lý, nhưng thiếu một nhạc trưởng. Chính phủ cần tăng cường lồng ghép các chương trình. Theo bà, chìa khóa của chính sách giảm nghèo là giải quyết vấn đề nghèo đa chiều.
“Để giảm nghèo ở miền núi, cần xóa bỏ nền kinh tế tự cung tự cấp. Nếu người dân có rừng được nhận gạo, nhận tiền để trồng rừng thì sẽ thoát nghèo dễ hơn. Để dân làm chủ rừng và đất lâm nghiệp chính là xóa đói giảm nghèo.” – bà nói.
Sự ỉ nại đối với chính sách giảm nghèo của một bộ phận người nghèo cũng là một nguyên nhân cản trở mục tiêu giảm nghèo của chúng ta. ĐB Ngô Thị Minh, (Quảng Ninh), cũng như nhiều đại biểu khác nêu thực tế có nhiều người nghèo không chịu lao động sản xuất chỉ trông chờ vào hỗ trợ và “sợ” thoát nghèo. Do đó, chính sách hỗ trợ cần phải có điều kiện để người nghèo có động lực thoát nghèo.
ĐB Ngô Thị Minh phát biểu: “Phải kiên quyết cắt bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi hộ nghèo và người nghèo không chấp hành các điều kiện Nhà nước nêu ra và không có ý thức thoát nghèo. Để đạt được điều này cử tri đề nghị chính phủ cần xem xét kỹ các điều kiện đặt ra với người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành khi hưởng chính sách giảm nghèo trong điều kiện nhất định, khắc phục tình trạng chính sách giảm nghèo manh mún như hiện nay”.
Cũng phân tích từ tình trạng chây ì, ỉ nại của một bộ phận người dân đang được hưởng chính sách xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) thẳng thắn nhận định “Không thể phủ nhận tình trạng chây ì, ỉ nại. Có nơi còn mất đoàn kết khi bình bầu hộ nghèo. Đây đó, còn có tình trạng trọng lợi hơn trọng danh. Tình trạng trẻ hóa độ tuổi người nghèo đang báo động”.
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đaknong) |
Do đó, theo ĐB tỉnh Phú Thọ, cần xem những chính sách không còn phù hợp, tăng các chính sách hỗ trợ dạy nghề, cần đưa ra những điều kiện để họ phấn đấu thoát nghèo.
Đồng quan điểm, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đaknong) cũng đề nghị đã cần triển khai thêm các chương trình mang tính chiều sâu. Cần những chính sách đột phá để người nghèo có hướng vươn lên thoát nghèo.
ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh đưa ra giải pháp theo dõi thoát nghèo đi kèm với chính sách theo dõi, hỗ trợ sau thoát nghèo. Khi một hộ được đóng dấu thoát nghèo, phải theo dõi họ 3 năm, để khi họ có khó khăn, hoặc có biến cố phải có biện pháp giúp đỡ ngay. Có như vậy sẽ không bị tái nghèo, và Chính phủ lại phải giúp họ xóa nghèo từ đầu. Theo bà, cần có nguồn quỹ riêng để chống tái nghèo.
Một giải pháp mang tính căn cơ hơn mà ĐB Hạnh nêu ra là chính sách để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. “Đó là một cách giảm nghèo bền vững khi tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Tôi xin khẳng định, giảm nghèo không bền vững nếu không tăng trưởng kinh tế. Mà cộng đồng doanh nghiệp sẽ có tác dụng để thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.” bà nói.
Lê Phước Thanh (Quảng Nam) chung quan điểm về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách xóa nghèo bền vững. “Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ đầu tư vào nông thôn, vùng sâu vùng xa….” – ông nói.
Đưa ra biện pháp cụ thể hơn, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn, vì vậy cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh trong nông nghiệp vừa để tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập người dân, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
ĐB Thân Đức Nam |
Đại biểu Thân Đức Nam nói: “Tôi đề nghị sớm ban hành đạo luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện hàng năm chuyển khoảng nửa triệu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đây là một giải pháp căn cơ để giảm nghèo ở nông thôn. Cần thay đổi cách đầu tư và tổ chức dạy nghề ở khu vực nông thôn, việc đầu tư các trung tâm dạy nghề cần có trọng điểm, trọng tâm, tránh dàn trải huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề nhưng thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy nghề, không thu hút được người học”.
Góp ý kiến trong buổi thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu cũng đề nghị trong bối cảnh hiện nay, cần có những chính sách đặc biệt về xóa đói giảm nghèo cho bà con ngư dân, bà con ở vùng biên giởi, hải đảo, đặc biệt là bà con vùng biên giới phía Bắc./.