Ký ức tuổi hoa niên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bữa ngồi nghe lại giọng đọc cô Tuyết Mai trên radio vừa qua đời, làm tôi nhớ tới thời học sinh cấp 2 với chiếc radio ba tôi mang về.
Ký ức tuổi hoa niên

Khi ba tôi mang chiếc radio về nhà là khi tôi đang học cấp hai. Đó quả là niềm hạnh phúc quá lớn, vì lúc đó tôi như cảm thấy mình được tiếp cận một thế giới mới, được sở hữu thứ mà tôi ao ước.

Tuổi thơ ở nông thôn ngoài chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá, ếch, nhái… rồi đi lang thang bẫy chim, ăn trộm hoa quả… đọc đi đọc lại mấy cuốn sách cũ ở nhà thì đúng là không có gì để tôi tiếp cận với thế giới thông tin. Chiếc radio quả là báu vật trong thời điểm đó. Nó khiến tôi thay đổi rất nhiều về sinh hoạt.

Tôi nhớ, chiếc radio đó lắp ráp trong nước chứ không phải của Nhật Bản hay Trung Quốc. Tôi luôn để nó bên cạnh, nghe đủ thứ, tất cả các chương trình từ ca nhạc, hát chèo, nông thôn cho đến thời sự, kể chuyện cảnh giác, cải lương, đọc chuyện đêm khuya… Tôi vui vì không còn phải chạy sang nhà ông Lan để nghe ké radio vào ngày cuối tuần. Không phải ngồi trong nhà họ một cách rón rén, e ngại và không dám nói to khi nghe đài. Ông Lan luôn nghiêm khắc với lũ trẻ chúng tôi, chỉ cần đứa nào đi nghe đài lộn xộn là bị đuổi ra khỏi nhà.

Cảm giác hạnh phúc, tự do của tôi dâng đầy, nhưng tôi cũng phải biết cách phân phối thời gian nghe đài vì tiết kiệm pin. Chiếc đài chạy bằng pin con thỏ nên phải biết cách dè sẻn nếu không tôi sẽ bị hết pin khi muốn nghe những chương trình yêu thích. Ba tôi đi làm xa, vài tuần mới về nhà một lần, nên nếu hết pin coi như tôi không có người cung cấp năng lượng cho chiếc đài. Đã nhiều lần tôi phải mượn pin từ chiếc đèn pin của mẹ tôi để nghe đài. Tôi nghe cho đến khi mấy chiếc pin chảy nước, méo mó…

Giọng cô Tuyết Mai quả là tuyệt diệu, nhẹ nhàng, như lời thì thầm phả vào tuổi mới lớn của tôi, quyến rũ một cách thư thả và trong trẻo. Nhất là các chương trình thời sự hay đọc truyện đêm khuya, chương trình văn nghệ... Cảm giác đêm mùa đông nằm ôm đài nghe đọc truyện đêm khuya thật ấm áp.

Cái đài đã gắn bó với tôi cho đến khi học cấp 3 và khi đi học đại học thì tôi không còn để ý đến nó nữa. Bởi nhà đã có tivi nên cũng không ai thèm nghe radio, tôi cũng có quá nhiều thứ để nghe, xem, trên internet nên việc mở radio nghe thông tin là điều quá ít.

Có lần chợt nhớ, tôi có hỏi ba tôi là chiếc đài đâu rồi, ba nói nó hỏng và bán đồng nát rồi. Ừ nó đã quá cũ rồi, thời thế đổi thay, có những thứ công nghệ khác tốt hơn để phục vụ con người, nên đôi khi vì thế mà người ta vô tình vứt bỏ kỷ niệm.

Giờ đã có tuổi, bằng với tuổi ba khi mang chiếc đài về cho tôi ngày đó, tôi vẫn luôn nhớ chiếc đài nhỏ xinh là khoảng thời gian hạnh phúc của tuổi mới lớn, mang đến cho tôi sự phong phú về tâm hồn nơi thôn dã.

Mọi thứ công nghệ rồi cũng dần lạc hậu theo xu thế phát triển, nhưng với một thế hệ như thế hệ của tôi, dù không hiện đại nhưng thứ công nghệ radio hồi đó là cả một câu chuyện hồi niệm gắn bó trong một quãng thời gian dài. Nó đủ lấp đầy những thiếu thốn về mặt tinh thần và vẽ nên hình hài của cảm giác hạnh phúc.

Chiếc radio không còn, tôi cũng không còn nghe radio từ lâu. Nhưng ký ức chong đèn nghe radio thì thầm thâu đêm để mở ra những điều lý thú thì không thể quên. Kỷ vật có thể mất đi, nhưng kỷ niệm thì không thể mất, nhất là những kỷ niệm của một thời hoa niên.