10 ngày tìm kiếm
Theo thông báo của Thường vụ Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) ngày 24/6, Pháp y quân đội đã xác minh làm rõ thi thể các thành viên phi hành đoàn hy sinh trên chuyến bay CASA-212.
Thông báo của Bộ Quốc phòng, đã xác định được máy bay CASA-212 số hiệu 8983 rơi tại vị trí cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ về phía Tây khoảng 2,7 hải lý, Nam Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 15 hải lý.
Tại khu vực này, ở độ sâu 50 - 60m, lực lượng chức năng đã trục vớt được các bộ phận chủ yếu của máy bay gồm: thân, đuôi, cánh quạt, động cơ, các chi tiết kỹ thuật, khí tài, vật dụng cá nhân của các thành viên tổ bay.
Cũng tại vị trí máy bay gặp nạn, lực lượng tìm kiếm đã vớt được thi thể các thành viên phi hành đoàn rơi cùng máy bay. Các thi thể này đã được cơ quan Pháp y Quân đội giám định, xác định rõ danh tính.
|
Đại tá phi công Trần Quang Khải trên Su-30. |
Chiều 24/6, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sau 10 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay Su-30MK2 và động cơ máy bay CASA số hiệu 8983 cùng nhiều thi thể thành viên phi hành đoàn.
Ngày 24/6, Bộ Quốc phòng xác nhận 9 thành viên thuộc tổ bay CASA 212 đã hy sinh. Bộ sẽ làm công tác chính sách cho những quân nhân hy sinh cùng gia đình họ theo quy định, đồng thời, tiếp tục tìm kiếm hộp đen máy bay. Từ đó, cơ quan chức năng kết hợp các yếu tố khác để tìm nguyên nhân tai nạn.
Thượng tướng Tuấn cho biết, qua lời kể của phi công Cường, bước đầu xác định Su-30 gặp sự cố trong buồng lái nên phi công nhảy dù thoát hiểm. Nguyên nhân tai nạn CASA 212 đang được đánh giá. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khi làm nhiệm vụ có biến động bất thường, máy bay bay ở độ cao thấp, đó có thể là những yếu tố kết hợp tạo ra tai nạn.
Cũng theo Thượng tướng Tuấn, dù điều kiện khó khăn nhưng quân đội đã được trang bị hệ thống dò tín hiệu tối tân, hệ thống tìm hộp đen, robot lặn, kết hợp các phương tiện truyền thống như tàu giã cào... giúp việc tìm kiếm hiệu quả trong điều kiện ban đêm, sóng to, gió lớn.
Người trở về từ Su-30
Người duy nhất sống sót sau tai nạn kép máy bay Su-30 và CASA 212 là thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, quê Bắc Giang), một trong hai phi công trên tiêm kích Su-30 gặp nạn sáng 14/6.
Một ngày sau tai nạn, thiếu tá Cường được tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh cứu trên vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt.
Kể lại thời khắc cứu sống anh Cường, ngư dân Phan Văn Lệ (ngụ Hà Tĩnh) cho hay, khoảng 4h sáng 15/6, sau một đêm buông neo nghỉ trên vùng biển gần Hà Tĩnh, mọi người đang chuẩn bị nổ máy tàu đi tiếp thì nghe tiếng kêu cứu cách khoảng vài chục mét.
Nhìn ra xa, ông Lệ thấy một bóng đen, sau đó là những tiếng gọi "thuyền ơi, thuyền ơi, cứu với". Ngư dân lấy đèn pin ra soi, thấy ánh sáng như lửa của que diêm phát ra từ phía bóng đen (Pháo hiệu của phi công dùng lúc khẩn cấp, to bằng ngón tay cái, mở nút là bắn lên và phát ra ánh sáng.
Mỗi phi công khi làm nhiệm vụ thông thường có khoảng 20 quả. Lúc gặp nạn, Thiếu tá Cường đã phát ra hơn 10 quả nhưng đều bị tịt, khi được cứu, anh Cường vẫn còn một quả). Nhận ra có người cần cứu nạn, ông lập tức nói anh em buông thuyền thúng, thả neo xuống cứu người. Kéo được người lên thuyền mới biết là thiếu tá Cường - phi công Su-30 gặp nạn.
Anh Cường về đất liền an toàn trưa 15/6. Anh kể, khi cách mục tiêu huấn luyện 15km trong buồng lái có tiếng nổ, hai phi công đã nhảy dù. Lúc đáp xuống mặt biển, hai người vẫn nhìn thấy dù của nhau, anh Cường ở gần bờ hơn.
Anh được điều trị tại Bệnh viện 108, sức khỏe tiến triển tốt. Phần vết thương ở tay lên da non. Các phần khác như gan, tạng, thận không bị chấn thương. Chăm sóc anh tại viện là người vợ đang làm việc theo ca tại Nhà khách 99 Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Anh Cường cho biết mong chóng bình phục để trở lại cầm lái Su-30.
|
Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường trở về sau tai nạn Su-30. |
Về thượng tá phi công Trần Quang Khải (43 tuổi, quê Bắc Giang), chiều 17/6, tàu cá của ngư dân phát hiện thi thể anh Khải cách đảo Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý về phía đông đông nam. Tàu biên phòng ra đón anh về đất liền vào sáng 18/6.
Anh Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Ngày 18/6, phi công Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng truy phong quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.
Lễ truy điệu anh tổ chức ngày 20/6 tại Nghệ An, sau đó linh cữu được đưa về quê nhà ở thôn Tân Văn (xã Tân Dĩnh, Bắc Giang) chiều cùng ngày. Anh Khải là con thứ 10 trong số 11 chị em và là con trai trưởng. Trong mắt người thân, anh là người hiền lành, kín tiếng. Một người chị của anh Khải cho biết:
“Gia đình chỉ biết em làm phi công, chứ không biết cụ thể thế nào, lập nhiều chiến công ra sao. Tận đến lúc cậu ấy mất, chúng tôi mới biết được cậu ấy có nhiều thành tích như vậy”. Trong gia đình, anh Khải là người duy nhất theo nghiệp nhà binh. Cách đây hơn 3 năm, anh mới lập gia đình. Vợ anh là giáo viên, cùng quê Bắc Giang.
Vợ chồng hai người hai nơi, vợ thuê nhà ở Hà Nội, anh công tác tại Thanh Hóa, con gái hiện 3 tuổi. Vợ anh có bằng thạc sĩ, đang là giáo viên hợp đồng, chưa được biên chế ở trường nào. Để tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội và đất nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đặc cách tuyển dụng vợ anh Khải vào ngành giáo dục từ ngày 19/6, dạy ở trường THPT Chu Văn An theo nguyện vọng.
Sáng 21/6, Đại tá Khải được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Huân chương được lãnh đạo Quân chủng phòng không - không quân trao tặng cho đại diện gia đình.
Ký ức tổ bay CASA 212
Về những thành viên tổ bay CASA 212, đồng đội và người thân vẫn cố mạnh mẽ đối diện nỗi đau các anh đã hy sinh.
Máy bay CASA có nhiệm vụ bay thông báo bão, bay trinh sát, tuần thám biển; bay hạ cánh các sân bay ven đảo, trên đảo. Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 là một trong 9 thành viên trên CASA 212. Anh là phi công lái chính với hơn 2.000 giờ bay, là bậc thầy của nhiều thế hệ.
Chính anh thực hiện bay trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370. Tháng 4 vừa qua, Đại tá Toàn đã thực hiện thành công bay nhà giàn DK1, Trường Sa và mới đây nhất là bay chuyển sân hạ cánh ở Trường Sa, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của những người lính ở Lữ đoàn Không quân vận tải 918.
Với Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (SN 1962, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918), ngay khi biết tin chồng cùng các đồng đội gặp nạn, vợ Thượng tá Hảo đã từ TP.HCM bay ra Hà Nội để ngóng tin chồng. Chị cho biết, có những thời điểm anh Hảo xa nhà thời gian dài, thậm chí có năm Tết không về.
Vợ con thiếu vắng anh nhưng đều thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao anh đang gánh vác. Người con trai lớn đang theo học năm thứ 2 tại Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang, con trai út vừa thực hiện xong nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Hảo là quân nhân có nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Người thân cho biết, khi anh Hảo học đến lớp 9, có đoàn không quân đến tuyển quân, qua nhiều vòng xét tuyển, thấy anh Hảo đạt tiêu chuẩn sức khỏe thì lấy đi học.
Nhập ngũ năm 1983 không lâu, anh Hảo được cử đi học ở Liên Xô, hai năm sau về nước công tác trong ngành quốc phòng tại TP.HCM. Mới khoảng bốn năm trở lại đây, anh được điều động ra Bắc, tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 918.
Về trung úy Lê Đức Lam (31 tuổi,quê ở Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương), nhân viên Cơ giới trên không thuộc Lữ đoàn 918, người đại tá cùng đơn vị chia sẻ, trung úy Lam có tuổi thơ vất vả. Đồng đội nhận xét anh là chàng lính hiền lành "thật thà như cái cây giữa rừng".
Người đồng đội kể, khi được điều động sang nhận nhiệm vụ tại Phi đội CASA-212, ông nhớ mãi hình ảnh của một anh lính lòng khòng, 21h đêm vẫn cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội. Anh lính ấy là Lam. Được hỏi về việc lau hành lang, Lam chia sẻ: “Cháu chẳng có việc gì làm nên lau hành lang cho đỡ buồn”. Sau này thân quen hơn ông mới biết vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên Lam rất ngại đi chơi.
Năm 2014, trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ, Lam rút điện thoại khoe với Chính trị viên phi đội hình vợ sắp cưới. Mọi người hỏi sao cưới vợ đến nơi mới khoe, Lam thật thà: “Người yêu cháu vừa xinh, vừa có hai bằng đại học. Cháu vừa xấu lại nghèo, cháu sợ người ta chê, người ta không ưng mình nên mãi chẳng dám khoe ai”. Cô gái ấy là vợ hiện tại của Lam.
Kết hôn đầu năm 2015, vợ chồng trẻ kinh tế khó khăn. Khi vợ mang thai, Lam đã nuôi lợn tiết kiệm để dành cho đứa con sắp chào đời. Trước hôm lên đường làm nhiệm vụ, anh còn “khoe” với đồng đội đã để dành được 1,5 triệu đồng.
Về Đại úy Lê Văn Đình (32 tuổi, quê Hạ Long, Quảng Ninh), nhân viên tuần thám trên không thuộc Lữ đoàn 918, người vợ nghe tin dữ về chồng đã khóc lịm, ngất lên ngất xuống. Vợ anh đang trong giai đoạn ở cữ chăm con trai út mới 3 tháng tuổi. Con gái lớn mới hơn 2 tuổi.
Anh Đình lấy vợ năm 2011, vợ chồng phải chuyển nhà trọ nhiều lần trước khi mua được căn nhà trả góp ở chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Dự định, sau chuyến đi này, anh sẽ về Thái Nguyên đón vợ và hai con về Hà Nội.
Người thân chia sẻ, anh Đình cao hơn 1,8m, đẹp trai, đi đâu cũng nổi bật. Anh là cháu đích tôn cũng là niềm tự hào của cả dòng họ vì là phi công, lại phục vụ trong quân đội. "Đình là người hiền lành, sống tình cảm, hòa nhã với mọi người. Mỗi lần xong một nhiệm vụ, ngay khi vừa đặt chân xuống mặt đất, việc đầu tiên của nó thường là gọi điện thoại về cho mẹ và vợ báo chuyến đi đã thành công. Giờ thì đợi mãi, ngóng mãi”, người thân chia sẻ.
Anh Đình từng chia sẻ với vợ, anh yêu việc bay lượn trên bầu trời, đam mê làm việc với máy móc, coi máy bay là đồng đội. Từ khi yêu đến khi lấy vợ, anh vẫn thường xuyên đi hàng tháng làm nhiệm vụ. Có những lần, vài tháng liền vợ chồng không liên lạc. Vì đặc thù ngành nghề, anh luôn xác định với gia đình và vợ con công việc rất nguy hiểm.
Tại gia đình Trung úy Nguyễn Văn Thái (34 tuổi, Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918, mẹ và vợ anh cho biết, bữa cơm cuối cùng anh về với gia đình là chiều 15/6, anh phóng xe từ đơn vị bên Gia Lâm về nhà.
Trước giờ ăn, anh tỉ mỉ cầm kéo cắt tóc cho hai con trai, con lớn 4 tuổi, con nhỏ mới 21 tháng vì sợ “Có thể cuối tuần bận không về được”. Đến khoảng 21h, anh nhận được điện thoại từ đơn vị rồi nói với gia đình sáng mai nhận nhiệm vụ bay, đi tìm đồng đội trên Su-30 mất tích. Nói rồi, anh đi luôn. Đến tối hôm sau thì hay tin dữ.
Mẹ anh kể: “Sinh trong gia đình bần nông, Thái vất vả từ nhỏ nên hiền lành, chịu khó. Cả nhà tôi chỉ mỗi nó theo ngành phi công. Nó bảo đã bay thì luôn có hiểm nguy, sợ thì không bay được, nó yêu thích công việc này lắm”.
Chia sẻ với báo chí, người mẹ cho biết, trước đây, vợ chồng anh Thái thuê được một gian nhỏ 1 triệu/tháng ở Hà Nội, sau có hai con thì chuyển sang thuê căn chung cư rộng hơn mất 2,5 triệu/tháng. Đến đầu năm nay, vợ chồng anh được tạo điều kiện thuê nhà công vụ giá rẻ trong chung cư Tổng cục Cảnh sát biển.
“Về nhà mới, nó biết mẹ thích nghe hát nên sắm ngay một cái tivi. Cứ hôm nào về nhà nó lại hỏi mẹ thích nghe bài gì để con bật. Rồi nó bảo cố thêm mấy tháng nữa có tiền con sẽ đổi xe vì chiếc dream nát quá rồi và mua thêm một bộ bàn ghế nhỏ”, người mẹ nghẹn ngào.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu (SN 1976, quê Hải Dương, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918). Mẹ anh Chu cho biết, bà nhận được cuộc điện thoại cuối cùng của anh Chu là khoảng 7 giờ sáng 16/6. Khi ấy, bà đang ở vườn vải để mót những quả vải không bị rám nắng đem ra chợ bán.
Anh Chu khuyên mẹ đi về nhà nghỉ cho đỡ nắng, hôm nào anh sẽ gửi tiền về hỗ trợ, giờ chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Anh Chu là người được học hành cao nhất nhà. Mỗi lần được nghỉ phép, cả gia đình anh lại về thăm quê. Anh vào xoa bóp cho bố, thấy nhà thiếu cái gì lại chạy đi mua, từ cái bát, cái đũa tới đồ thờ cúng đều do anh sắm sửa. Vợ chồng anh Chu có hai con nhỏ (7 tuổi, 5 tuổi), sinh sống ở Hà Nội.
|
Những thành viên trong tổ bay CASA 212 gặp nạn ngày 16/6. |
Danh sách 9 thành viên tổ bay CASA 212:
1. Đại tá Lê Kiêm Toàn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (quê xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội)
2. Thượng tá Nguyễn Đức Hảo - Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội)
3. Thiếu tá Nguyễn Văn Chính – Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (xã Mỹ Hà, huyện Bình Lục, Hà Nam)
4. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu - phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương)
5. Đại úy Lê Văn Đình - nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (TP Hạ Long, Quảng Ninh)
6. Thượng úy Đỗ Văn Mạnh - Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không e 918 Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
7. Trung úy Lê Đức Lam – Nhân viên Cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (xã Vân Hội, huyện Ninh Giang, Hải Dương)
8. Trung úy Nguyễn Văn Thái - Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)
9. Trung úy Nguyễn Bá Thế - Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Diễn biến hai máy bay gặp nạn
- Sáng 14/6, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn ở vùng biển phía đông Nghệ An, gần đảo Mắt khi đang bay huấn luyện. Trên máy bay có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và thượng tá Trần Quang Khải. Một ngày sau, thiếu tá Cường được tàu ngư dân cứu sống.
- Ngày 16/6, tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su-30MK2. Trên máy bay có 9 sĩ quan, quân nhân.
- Ngày 17/6, thi thể phi công Trần Quang Khải được tìm thấy.
- Ngày 16-17/6: 42 tàu của các lực lượng Việt Nam và hàng trăm tàu cá ngư dân tham gia tìm kiếm máy bay CASA. Bộ Quốc phòng huy động trang thiết bị hiện đại nhất.
- Ngày 20/6: Phát hiện vật thể có kích thước 13x4m trong vùng tìm kiếm máy bay CASA, độ sâu 60 m.
- Ngày 21/6: Tập đoàn Airbus, Tây Ban Nha đề nghị phối hợp, giúp đỡ giải mã hộp đen máy bay CASA, tìm nguyên nhân tai nạn.
- Ngày 22/6: 15 tàu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm cùng Việt Nam ở phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.
- Ngày 23/6: Tìm thấy mảnh vỡ máy bay Su 30MK2 và động cơ máy bay CASA số hiệu 8983 cùng nhiều thi thể thành viên phi hành đoàn. Việc xác định vị trí CASA 212 nhờ một tàu New Zealand ngang qua vùng biển, phát hiện vật thể nên đã dừng lại thông báo, chờ Việt Nam ra trục vớt.