Theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP, từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 sẽ áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi - rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước. Từ ngày 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ sẽ trở về theo quy định cũ tại Nghị định số 20/2019 của Chính phủ.
Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua, Chính phủ đã quyết định giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước so với quy định hiện hành. Vào năm 2020, Chính phủ quy định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 28/6 đến hết 31/12/2020 (Nghị định 70/2020/NĐ-CP). Không lâu sau đó, doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lập tức tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp của các doanh nghiệp thành viên 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 67.516 xe, nhưng từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 đã đạt 120.957 xe, tăng gần gấp đôi.
Đáng nói, theo thống kê của Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách từ lệ phí trước bạ ô tô sau gần 4 tháng Nghị định 70 có hiệu lực đã hụt hơn 3.700 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng gần gấp đôi với 14.110 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, do chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ chỉ áp dụng cho các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã đẩy các hãng xe nhập khẩu, các liên doanh bắt buộc phải có các chính sách hỗ trợ giá, lôi kéo người tiêu dùng.
Từ đây, một cuộc đua giảm giá, kích cầu đã diễn ra sôi nổi. Cụ thể, nhiều loại xe được hỗ trợ từ chính sách, các hãng xe thậm chí “chơi lớn” khi quyết định “tặng” thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại. Nhiều đại lý cũng áp dụng chính sách giảm giá trực tiếp để thu hút khách hàng, đảm bảo và tăng doanh thu. Hầu hết các loại xe ôtô trên thị trường Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 đều có chính sách hỗ trợ giảm giá, tặng quà có giá trị tương đương từ 50 – 100% số tiền người tiêu dùng lẽ ra phải nộp lệ phí trước bạ.
Có thể nói, chính sách giảm phí trước bạ là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua được xe ô tô với chi phí thấp nhất trước khi lệ phí trước bạ quay trở về mức thu 100%.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong ngày 1/12, lượng xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước đăng ký nộp lệ phí trước bạ đã đạt mức 11.286 chiếc, gấp gần 10 lần so với những ngày cuối tháng 11.
Những ngày qua, ở tất cả các chi cục thuế tại Hà Nội đã diễn ra tình trạng người dân đổ xô đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ, đăng ký xe ô tô. Trước tình hình này, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã khuyến cáo, công dân có nhu cầu đăng ký xe, nhất là xe ôtô nên vào Cổng dịch vụ công Quốc gia để khai báo đăng ký xe hoặc truy cập Cổng thông tin điện tử Cục CSGT để tiến hành khai báo điện tử, giúp giảm thời gian chờ đợi khi đăng ký xe, thuận tiện cho cơ quan đăng ký xe và đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
Trong khi đó, Tổng cục Thuế cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân, sau khi khai lệ phí trước bạ và nhận thông báo số tiền lệ phí trước bạ phải nộp, có thể thực hiện thanh toán điện tử tiền lệ phí trước bạ bằng mã hồ sơ trên thông báo hoặc tin nhắn của cơ quan thuế qua Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking của các ngân hàng đã kết nối với Tổng cục Thuế (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, TPBank, VPBank, MBBank).
Riêng đối với Cục Thuế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể thực hiện khai trực tuyến. Người nộp thuế có thể vào Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế (Etax) hoặc Cổng dịch vụ công Quốc gia để khai điện tử tờ khai lệ phí trước bạ.
Tuy nhiên, sau đó các tổ chức, cá nhân vẫn phải đến cơ quan CSGT để được hướng dẫn, kiểm tra việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đăng ký trước bạ thông qua dữ liệu điện tử nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy do cơ quan thuế truyền sang và giải quyết thủ tục đăng ký xe theo quy định. Sau khi kiểm tra hồ sơ và thực tế xe, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đăng ký xe hoàn thiện hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe. Chủ xe nhận giấy hẹn trả giấy chứng nhận đăng ký xe, nộp lệ phí đăng ký xe và nhận biển số.