Năm 2017, trong bối cảnh lượng việc và tiền các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) phải thi hành tăng cao (gần 47 ngàn việc tương ứng số tiền trên 28 ngàn tỷ đồng), trong khi biên chế chưa tương xứng nhưng các cơ quan thi hành án dân sự vẫn đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế đất nước.
Thi hành xong gần 550 ngàn việc
Năm 2017, các cơ quan THADS đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016. Về tiền, đã thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ 747 triệu 665 nghìn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016.
Nhìn vào những con số nói trên có thấy, năm 2017 các cơ quan THADS đã thi hành xong số việc và tiền đều cao hơn 2016 (tăng gần 19 nghìn việc và hơn 6 nghìn tỷ đồng). Riêng việc thi hành án đối với các tổ chức tín dụng ngân hàng được coi là những việc khó thi hành nhưng cũng đã thi hành xong: 4.440 việc, thu được số tiền là 27.701 tỷ 223 triệu 513 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 19,76% về việc và 27,89% về tiền, tăng so với năm 2016 cả về giá trị tuyệt đối (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng) và về tỷ lệ (tăng 2,41% về việc và 2,9% về tiền).
Tính đến thời điểm cuối 2017 cũng là gần nửa năm các cơ quan THADS thực hiện Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, Bộ Tư pháp đã quán triệt, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan THADS trong cả nước tập trung tổ chức, thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến khoản nợ của tổ chức tín dụng. Nhiều địa phương lớn, nơi có nhiều án tín dụng ngân hàng đã dồn sức cho việc thi hành những bản án này. Đơn cử như Hà Nội, năm 2017 đã thi hành xong: 244 việc/1.836 tỷ đồng; Số đình chỉ thi hành: 84 việc/331 tỷ đồng; Số ủy thác thi hành án: 94 việc/1.187 tỷ đồng; Số có điều kiện thi hành: 2.573 việc/9.163 tỷ đồng (trong đó, đang thi hành: 2187
việc/7.085 tỷ đồng). Sau 2 năm Hà Nội thực hiện Quy chế phối hợp giữa Cục THADS thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hà Nội đã cho thấy những sự chuyển biến tích cực. Có những vụ việc khó, người đứng đầu hệ thống ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ tối đa các chấp hành viên để cùng Cơ quan Thi hành án giải quyết. Còn tại TP Hồ Chí Minh, cũng bằng quy chế phối hợp giữa hai cơ quan Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM và Cục THADS TP HCM đã đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt trong giải quyết những vụ việc phức tạp. Các tổ chức tín dụng phản hồi tích cực về thái độ và tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ của các Chi cục THADS đối với những vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng góp phần đẩy nhanh tiến độ THADS trên địa bàn.
Một trong những điểm đáng chú ý khác được ghi nhận năm 2017 là kết quả thi hành án của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; đã thi hành xong gần 50 ngàn việc, thu số tiền gần 2.800 tỷ đồng. Nhiều địa phương có kết quả thi hành tương đối cao như Sơn La, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Hà Nội, Đắk Nông, Hưng Yên, Điện Biên… Theo đánh giá của Tổng cục THADS, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và các trại giam, trại tạm giam tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, nhất là trong rà soát, xử lý khoản tiền do phạm nhân là người phải thi hành phần nghĩa vụ dân sự nộp còn tồn đọng. Việc thực hiện các quy chế phối hợp không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan THADS mà còn tháo gỡ khó khăn cho trại giam trong việc thu tiền của phạm nhân. Quan trọng hơn, đã tạo điều kiện cho phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách thuận lợi nhất, để xem xét đặc xá đối với họ.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Những kết quả của năm 2017 không thể không nói đến sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và nỗ lực không ngừng của các cơ quan THADS địa phương. Ngay từ đầu năm, các văn bản pháp luật về THADS, các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được hệ thống cơ quan THADS thực hiện nghiêm túc. Ngay sau khi Bộ Tư pháp ban hành chương trình trọng tâm trong lĩnh vực THADS, Tổng cục, các cơ quan trực thuộc Tổng cục, 63 Cục THADS và 710 Chi cục đã xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và rốt ráo thực hiện ngay từ những ngày đầu năm công tác. Tổng cục THADS cũng kịp thời giao chỉ tiêu cho địa phương, trên cơ sở đó, việc giao chỉ tiêu được thực hiện đến từng chi cục, chấp hành viên.
Trong năm, công tác quản lý chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới, nhiều hội nghị trực tuyến với địa phương đã được tổ chức, đặc biệt khi có những vấn đề cần tháo gỡ, chấn chỉnh. Thậm chí nhóm các địa phương còn nhiều tồn tại được đối thoại thẳng thắn, trực tiếp với lãnh đạo Bộ, Tổng cục để tìm giải pháp khắc phục khó khăn. Bộ Tư pháp cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra toàn diện về chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất, trong đó có kiểm tra xác minh điều kiện thi hành án. Các địa phương trên tinh thần kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phân loại án không chính xác hoặc chạy theo thành tích.
Công tác THADS là công việc khó khăn, phức tạp, nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, vì thế Tổng cục THADS cũng đã tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ trong toàn hệ thống; hướng dẫn xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật THADS sửa đổi, bổ sung.
Năm 2017, công tác phối hợp liên ngành cũng được đặc biệt chú trọng ở TW và địa phương. Các quy chế phối hợp tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong năm lãnh đạo Bộ Tư pháp có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo VKSNDTC, TANDTC để nâng cao hiệu quả công tác. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tạo sự đồng thuận, tổ chức thi hành tốt các vụ việc phức tạp, kèo dài. Công tác tiếp công dân cũng đã được tăng cường cả ở TW và địa phương.
Tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu năm 2017 là năm Bộ Tư pháp tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án coi đây là giải pháp đột phá trong công tác THADS. Các cơ quan THADS trên toàn quốc đã vận hành Cổng, trang thông tin điện tử THADS, công bố các thủ tục hành chính, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần rút ngắn thời gian THA, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những nỗ lực trong công tác đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương tại Hội nghị triển khai công tác THADS, hành chính năm 2018.
Tuy nhiên, Tổng cục THADS cũng nhìn nhận những hạn chế của năm 2017 như số việc, tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, còn sai phạm trong đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm nhất ở cấp Chi cục… Tuy nhiên, với những giải pháp hết sức cụ thể được chỉ rõ trong năm 2018 và quyết tâm của toàn hệ thống, chắc chắn năm 2018 công tác THADS, hành chính sẽ tiếp tục có những chuyển biến cơ bản, vững chắc...
Năm 2018, Tổng cục THADS xác định: Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội, bảo đảm kết quả THADS, thi hành án hành chính năm 2018 ổn định, thực chất. Tập trung phân loại án chính xác, đúng quy định của pháp luật; tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án. Tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác THADS trên toàn quốc và từng địa phương. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý ngành dọc.