Phát biểu chào mừng VALF lần thứ tư, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật nhấn mạnh, VALF là sự kiện khoa học thường niên do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội sáng lập từ năm 2021, đã trở thành diễn đàn học thuật uy tín của giới luật học và các lĩnh vực khoa học liên quan nhằm thảo luận những vấn đề mới, những phát triển mới của luật học thế giới và Việt Nam.
PGS Việt cho biết, phát triển bền vững (PTBV) xuất hiện lần đầu vào năm 1980 trong Chiến lược bảo tồn thế giới của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế và ngày càng sử dụng phổ biến. PTBV không chỉ là mục tiêu, yêu cầu cấp thiết mà còn là mô hình phát triển mới nhằm ứng phó với một thế giới ngày càng khó đoán định, nhiều biến động và kém ổn định… vì sự sinh tồn và phát triển của nhân loại hôm nay và mai sau.
Mô hình phát triển này cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm, hạn chế của mô hình phát triển của giai đoạn trước khi có xu hướng thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của cá nhân, lấy tăng trưởng kinh tế (quốc gia, dân tộc) làm thước đo cho sự phát triển, lấy công nghiệp làm phương thức thúc đẩy sự thịnh vượng…
PGS.TS Trịnh Tiến Việt phát biểu chào mừng Diễn đàn. (Ảnh: An Duy) |
PTBV cũng là vì con người, con người là trung tâm của PTBV nhưng để bền vững, việc thỏa mãn nhu cầu của con người cần đặt trong tổng thể với sự tồn tại và PTBV của cả hệ sinh thái, gắn với sự tồn vong của cả nhân loại, bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa quốc gia, dân tộc, giữa các hệ giá trị, các nền văn minh, sự hài hòa giữa nhu cầu của thế hệ hiện tại và của các thế hệ tương lai.
Theo PGS Việt, trong bối cảnh PTBV được coi như là mô hình, yêu cầu, mục tiêu phát triển mới, chúng ta cần hệ thống thể chế mới, phương thức mới và nhận thức mới phù hợp hơn, có năng lực và hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội hiện tại và tương lai… Vì vậy, VALF năm nay được tổ chức nhằm thảo luận, làm rõ những vấn đề mới đặt ra, những yêu cầu mới, nhận thức mới về pháp luật và các lĩnh vực của nó trong bối cảnh PTBV. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch hành động của quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phát triển kinh tế, môi trường, xóa đói giảm nghèo và giới được ưu tiên, tập trung.
Phân tích quan điểm tiếp cận hiện đại về PTBV, GS.TS Đào Trí Úc nêu một số nguyên tắc của pháp luật về PTBV như nguyên tắc bảo đảm an ninh con người, an ninh cho các thế hệ con người và của các hệ sinh thái; nguyên tắc pháp quyền; nguyên tắc công bằng; nguyên tắc kết hợp hài hòa các yếu tố phát triển về kinh tế - xã hội, sinh thái, văn hóa và quản trị. Theo GS Úc, hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ đã và đang thay đổi trước yêu cầu PTBV là một hệ thống có tính bao trùm với những quy chuẩn, nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh mới, tạo hành lang mới cho phát triển hướng tới một tương lai bền vững và chắc chắn.
Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: An Duy) |
GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, pháp luật cần phải tăng tính chủ động, không thể chỉ đi giải quyết phần ngọn, nếu không pháp luật luôn lạc hậu và cuộc sống không chấp nhận pháp luật như thế. Đặc biệt, GS Lý đặt kỳ vọng PTBV, phát triển xanh phải là nguyên tắc của luật pháp và PTBV sẽ là một ngành luật, có tính chất bao quát, bao trùm hơn.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh lại đưa ra một số giải pháp xây dựng pháp luật vì PTBV. Theo bà, trong quá trình xây dựng pháp luật, cần bảo đảm sự tham gia của xã hội cũng như đánh giá chính sách, đây là những cơ sở tạo nên hệ thống pháp luật hài hòa lợi ích, công bằng xã hội. Đặc biệt, quy trình lập pháp vì PTBV đòi hỏi cần có những nghiên cứu, kiểm nghiệm chính xác; đồng thời phải tiếp cận linh hoạt và mềm dẻo dựa trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu chiến lược trước những biến động nhanh chóng của quan hệ xã hội…
Với 6 hội thảo chuyên đề, các diễn giả, đại biểu đã cùng nhau khẳng định sự cấp bách hơn bao giờ hết của vấn đề bảo đảm phát triển an toàn và bền vững; PTBV vừa là mục tiêu, vừa là mô hình phát triển mới vì sự sống còn của cả loài người và của mỗi con người.