Văn bản lập luận, xây dựng đề án thí điểm taxi bay nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng địa phương, tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư phát triển loại hình vận tải taxi bay để phát triển du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh này có tài nguyên du lịch biển đảo, du lịch phong phú, đặc sắc với 134km bờ biển, được định hướng phát triển trung tâm du lịch của vùng, trung tâm du lịch biển quan trọng của cả nước. Trên địa bàn tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng, các vịnh và đầm ven biển, nhiều đảo gần bờ, cảnh quan đẹp đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ các hoạt động du lịch biển.
Theo đề xuất, taxi bay là loại hình vận chuyển sử dụng máy bay nhỏ chạy bằng điện, cất hạ cánh theo phương thẳng đứng, vận chuyển khoảng 4 - 5 người, là phương tiện vận chuyển lý tưởng để du khách có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao; phù hợp khám phá thiên nhiên, giúp di chuyển giữa các điểm du lịch một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Đây cũng là phương tiện được địa phương này đánh giá phương thức vận tải “xanh, mới lạ, độc đáo, hiện đại, có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian, phục vụ tốt du khách, giá cả cạnh tranh, không phát thải nhiều chất gây hại”; “có rất nhiều tiềm năng, góp phần xây dựng tỉnh thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực”.
Những lập luận như trên của địa phương này là rất hợp lý trên lý thuyết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất khó khả thi, cả về thực tế lẫn căn cứ pháp lý.
Trong thực tiễn, đến nay taxi bay là loại hình vận tải hoàn toàn mới trên toàn cầu. Thế giới đã có một số quốc gia nghiên cứu, thử nghiệm taxi bay như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Singapore, Hàn Quốc... nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu, thử nghiệm.
Liên quan lĩnh vực hàng không, thế giới có những tiêu chuẩn chung vô cùng khắt khe, vì phương tiện bay, nhất là phương tiện bay chở người; phải đáp ứng những thiết kế kỹ thuật nghiêm ngặt, phòng tránh tối đa những sự cố xảy ra gây hệ lụy cho cả không trung và mặt đất.
Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, việc quản lý vùng trời cũng rất kín kẽ, không chỉ là cơ quan GTVT, mà còn có cơ quan quản lý bay dân dụng, cơ quan quân sự quốc phòng (bảo vệ an ninh an toàn vùng trời), xây dựng (kiểm soát độ cao các công trình xây dựng)… cùng phối hợp tham gia quản lý, kiểm soát. Không chỉ đơn giản cứ có phương tiện bay là muốn bay thì bay, mà phải được cấp phép từng chuyến bay; phải có hạ tầng bay vô cùng phức tạp, tốn kém, tinh vi.
Đặt ví dụ các vấn đề kỹ thuật trên đã đáp ứng yêu cầu, thì về căn cứ pháp lý, còn phải sửa đổi hàng loạt các quy định trong Luật Hàng không dân dụng, phòng không và nhiều văn bản pháp luật khác…
Nêu lên thực tế trên, để thấy rằng đề xuất cho chủ trương thí điểm taxi bay ở thời điểm hiện nay là có vẻ hơi sớm. Tuy nhiên, phải khẳng định kỳ vọng này là hoàn toàn chính đáng. Tất cả chúng ta cũng đều mong muốn rằng với khoa học kỹ thuật phát triển như hiện tại và ngày càng phát triển, thì trong một tương lai gần, những kỳ vọng như kỳ vọng taxi bay sẽ sớm trở thành hiện thực.