Tiến quân ca được Bác Hồ lựa chọn trở thành Quốc ca
Bài Tiến quân ca được Nhạc sỹ Văn Cao - khi đó mới 21 tuổi - viết nhiều ngày trong mùa Đông giá rét năm 1944 tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Những ngày tháng ấy, nhân dân Việt Nam đang sống trong những ngày cùng cực, đói khổ nhất. Nhưng rồi nhiệm vụ khó khăn cũng hoàn thành sau nhiều ngày Văn Cao vật lộn trên căn gác nhỏ, nơi mà đêm đêm thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên, tiếng cãi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn...
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn yêu thích những ca khúc cách mạng của nhạc sỹ Văn Cao (Ảnh tư liệu). |
Bài Tiến quân ca được in báo Độc Lập vào tháng 11/1944. Từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn Tiến quân ca làm Quốc ca cho nước Việt Nam độc lập sắp trở thành hiện thực. Ngày 17/8/1945, bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa Thủ đô Hà Nội và nhanh chóng lan tỏa trên khắp cả nước, tiếp thêm khí thế, sức mạnh cho cả dân tộc đang hừng hực khí thế đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, quyết giành độc lập cho dân tộc.
Năm 1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa I quyết định chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, từ năm 1976, Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặc dù vào năm 1981, Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca mới nhưng không thành công. Về sau này, trước những ý kiến thay đổi lời Quốc ca, họa sỹ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sỹ Văn Cao chia sẻ: “Không chỉ đến những năm 80, mà trước đó đã có cá nhân đề cập việc đổi Quốc ca với Bác Hồ. Bác đã nói, sao các chú lại bàn chuyện đổi Quốc ca ở đây? Lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở đâu, lời Quốc ca vang lên đến đó… Đối với nhiều người thì Quốc ca đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân và là hồn của đất nước …”.
Hát Quốc ca từ sâu thẳm trái tim mình
|
Hát Quốc ca từ trái tim mình! (Ảnh: T. Ư Đoàn). |
Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc trong Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” trong ngày gác bút nghiên lên đường ra trận cùng 3.000 sinh viên Hà Nội tháng 9/1971, đã viết: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động”...
Còn nhớ, tại một trận đấu lớn tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, một cậu bé hỏi cha của mình: “Cha ơi, màu đỏ dập dềnh như sóng biển kia là gì?”. Người cha xúc động trả lời: “ Đó là màu máu của cha ông mình, con ạ”…
Và còn đó, Quốc ca được cất lên bằng lời và cả bằng tay như các em học sinh khiếm thính ở Trường trung học cơ sở Xã Đàn, Hà Nội. Quốc ca được hát bằng trái tim nhiệt huyết của 60 sinh viên Trường đại học FPT trên đỉnh Phan-xi-păng cao ngút, vời vợi. Năm 2014, ca sĩ Minh Quân và Ngọc Anh đã thực hiện dự án âm nhạc MV Quốc ca với sự tham gia của 1.300 thành viên gồm nhiều lứa tuổi, thành phần, trong đó có 300 nghệ sĩ nổi tiếng... Quốc ca vang lên nơi đảo xa, nơi rừng sâu núi thẳm, khắp 54 dân tộc anh em… Quốc ca vang lên trong những thời khắc giao thừa tại các Đại sứ quán; là khi các du học sinh nhiều thế hệ rưng rưng xúc động thêm tha thiết nhớ về dải đất hình chữ S thân thương…
|
Đội tuyển bóng đá nữ hát Quốc ca tại Worldcup 2023. (Ảnh FiFa). |
Những năm gần đây, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Nam Sudan bên cạnh lá cờ màu xanh của Liên hợp quốc thật đẹp và nhiều cảm xúc. Các chiến sỹ mũ nồi xanh kể rằng, mỗi khi hát Quốc ca, chào cờ là những cảm xúc thiêng liêng tự hào với quyết tâm hoàn thành sứ mệnh khi tham gia trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS).
Và còn đó, khoảnh khắc đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam đã vang lên ở World Cup nữ 2023 đầy tự hào. HLV Mai Đức Chung xúc động chia sẻ: “Trong tôi dâng trào cảm xúc, bởi trước đây tôi chưa bao giờ có cảm giác được cầm quân ở World Cup, khi cả thế giới đón xem trận đấu và lắng nghe Quốc ca Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được hát Quốc ca Việt Nam ở sân chơi thế giới”… Tờ New York Sport cho hay, tất cả 11 cầu thủ Việt Nam trong đội hình xuất phát đã đồng thanh hát Quốc ca một cách say mê, với cánh tay phải đặt chính xác lên trái tim của họ. “Đó là khoảnh khắc mà những người Việt Nam chờ đợi rất lâu”, tờ Newsweek của Mỹ nhận định.
|
Bà Nghiêm Thúy Băng (ngồi xe lăn) - vợ nhạc sỹ Văn Cao và họa sỹ Văn Thao (hàng trên, thứ tư từ trái qua) - con trai nhạc sỹ - bên một số bạn văn và người thân gia đình. (Ảnh: Ban tổ chức đêm nhạc 100 năm ngày sinh Văn Cao). |
Và với tôi, khi có dịp chào cờ và hát Quốc ca ở đảo tiền tiêu Tổ quốc - đảo Trần (Quảng Ninh) gần đây, đó là những cảm xúc thiêng liêng, sâu lắng. Bài Quốc ca chúng tôi đã nghe, đã hát bao lần nhưng khi ấy chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết hồn thiêng sông núi, máu và hoa của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Là những hy sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong cuộc sống hôm nay…
GS Sử học Lê Văn Lan chia sẻ, mỗi khi được hát Quốc ca đối với ông rất thiêng liêng: “Sau gần 70 năm, tôi vẫn luôn hát Quốc ca với tất cả tâm hồn và ý thức của mình về niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước. Tôi còn nhớ năm 1945, khi ấy tôi khoảng 10 tuổi, tôi đã ra hồ Hoàn Kiếm để tham gia vào trò chơi trận giả đánh giặc ngoại xâm. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe và hát Quốc ca… Tôi gặp gỡ với cách mạng chính qua bài hát Quốc ca...”.