Ðiện Biên Phủ rợp sắc cờ đỏ sao vàng mừng ngày 2/9

 Bước sang tháng 9, trong lòng ai nấy đều rạo rực, hân hoan bởi có ngày Tết Ðộc lập. Cách đây 73 năm, cả dân tộc vỡ òa trong hạnh phúc khi đất nước bước sang trang mới. Năm châu bốn bể biết đến một đất nước, một dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, kiên cường và bản lĩnh. Tinh thần ấy đã xuyên suốt cho tới tận bây giờ và mãi mãi về sau.

Ðã thành thông lệ của những ngày tháng 9 lịch sử, mảnh đất Ðiện Biên nằm giữa thung lũng Mường Trời được ví như một cánh đồng hoa rộng lớn, với đủ sắc màu rực rỡ. Sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc - niềm tự hào dân tộc; của băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ ngập tràn các tuyến phố, hòa lẫn với sắc phục đồng bào các dân tộc từ muôn ngả tụ hội. Người dân của mảnh đất Ðiện Biên lịch sử lại háo hức chào đón ngày tết thứ 2 trong năm - Tết Ðộc lập!

Ðiện Biên Phủ rợp sắc cờ đỏ sao vàng mừng ngày 2/9 ảnh 1

Ngay từ những ngày trung tuần tháng 8, các tuyến phố của TP. Ðiện Biên Phủ đã ngập tràn trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc thiêng liêng. Ảnh: Hải Yến

Rộn rã và nổi bật nhất đó là trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ - nơi hội tụ và thu hút đông đảo bà con các vùng lân cận tìm về. Có thể nói, đúng với không khí đón tết, đâu đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ và lòng người ai nấy đều rạo rực hơn. Không cần chờ đến khi có sự chỉ đạo từ các cấp chính quyền, những ngày trung tuần tháng 8, nhà nhà rộn rã treo cờ Tổ quốc bằng niềm hãnh diện.

Những con phố, khu dân cư như sống dậy sự hào hùng, khí thế và ngập tràn hạnh phúc của ngày tháng độc lập năm nào. Khác với khi du lịch vào mùa, thành phố chủ yếu đón du khách ngoại tỉnh và quốc tế, thì vào dịp Tết Ðộc lập này lại ngập tràn trong sắc phục của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Ðiều này không hề khó hiểu, bởi Ðiện Biên vốn là mảnh đất của lịch sử, nên hơn bất cứ đâu, mỗi người dân nơi đây đều yêu mến giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc. Và cái cách thể hiện tình yêu, niềm tự hào ấy cũng mộc mạc, chân chất. Họ gác lại mọi công việc ruộng nương thường nhật, xuống phố để tham quan, ngắm nghía, cảm nhận sự đổi thay, sầm uất của phố thị. Trước kia còn khó khăn, nhiều người trong số họ phải đi bộ vượt núi, nhưng ngày nay gia đình nào cũng có xe máy, đường giao thông mở rộng thuận tiện hơn, nên họ đi chơi Tết Ðộc lập cũng đông hơn, xa hơn.

Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ luôn là điểm thu hút đông đảo bà con hơn cả, bởi tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thi đấu thể thao, trò chơi truyền thống. Mặc dù ở đâu đó, cuộc sống bà con còn những khó khăn nhất định, song sự lạc quan vẫn toát lên trên gương mặt của các chàng trai, cô gái về vui Tết Ðộc lập. Vì là vui tết, nên ai nấy cũng xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất, chị em điểm trang bằng khăn đội đầu, vòng cổ, xà tích bạc; còn các tràng trai chỉ cần chiếc khèn, quả pao…

Ðiểm đến không thể bỏ qua trong ngày tôn vinh nền độc lập, tự do của dân tộc, đó là những di tích lịch sử thuộc quần thể Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Người người, từ già trẻ, gái trai cho đến mọi thành phần dân tộc đều muốn ghi dấu bước chân mình trên Ðồi A1, Hầm Ðờ-cát, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, các nghĩa trang liệt sĩ… như một cách nhớ về lịch sử và tri ân sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông, để từ đó trân quý hơn giá trị của nền độc lập. Chẳng thế mà con số thống kê từ Bảo tàng tỉnh trong dịp này, bình quân mỗi ngày đón tiếp khoảng trên 1.000 lượt khách tới tham quan các điểm di tích. Riêng năm 2017, trong 3 ngày nghỉ Tết Ðộc lập (2 - 4/9) có hơn 9.000 lượt khách, chủ yếu đều là bà con các dân tộc ở khắp vùng, miền trong tỉnh. Những con số không thua kém gì khi du lịch Ðiện Biên vào mùa (tức là thời điểm tháng 3 - 5 hàng năm).

Ðể đáp lại những tấm lòng yêu nước, yêu hòa bình, tự do và hướng về lịch sử của người dân địa phương, ngày 7/2/2018, HÐND tỉnh đã ban hành văn bản miễn thu phí tham quan các điểm di tích lịch sử, công trình văn hóa trong các dịp nghỉ lễ, trong đó bao gồm cả Tết Ðộc lập. Ðó là lý do dự báo khách tham quan các điểm di tích lịch sử trong ngày 2/9 năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh. Ðể sẵn sàng chuẩn bị chu đáo cho nhu cầu tham quan, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Ðơn vị đã chủ động bố trí, sắp xếp về cả con người và cơ sở vật chất từ trước đó; việc mở cửa tại các điểm di tích được chỉ đạo mở sớm hơn, đóng cửa muộn hơn theo nhu cầu khách; hướng dẫn viên được tăng cường túc trực tại các điểm; các dịch vụ phục vụ đi kèm, như: nước uống, đồ ăn nhẹ được phối hợp với đoàn thanh niên và các đơn vị của Sở bố trí tại các địa điểm thuận tiện nhất cho bà con.

Ðể người dân vui Tết Ðộc lập trọn vẹn và ý nghĩa, không chỉ các đơn vị liên quan của ngành Văn hóa mà các sở, ngành, địa phương đều vào cuộc. Từ việc bố trí về giao thông; đảm bảo an ninh trật tự; trực cấp cứu, chăm sóc sức khỏe; phục vụ điện lưới; vệ sinh môi trường… 73 năm trôi qua - một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay, cái cách mà người ta đón Tết Ðộc lập ở nơi này, nơi kia có thể khác xưa, nhưng giá trị của độc lập, tự do thì vẫn nằm sâu trong tâm khảm mỗi người. Và những người dân dung dị, hiền hòa nơi quê hương lịch sử Ðiện Biên Phủ vẫn đang hòa cùng đất nước, dân tộc hân hoan chào đón ngày Tết Ðộc lập trong niềm tự hào đầy thiêng liêng.

Đọc thêm