"Là lãnh đạo, phải minh bạch và tăng cường “vi hành”

 Trăn trở khi địa phương giàu truyền thống nhưng vẫn còn nghèo, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và nói về văn hóa lãnh đạo là tính cách của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hoài khi đối thoại với PLVN.

Trăn trở khi địa phương giàu truyền thống nhưng vẫn còn nghèo, thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và nói về văn hóa lãnh đạo là tính cách của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Tiến sỹ Nguyễn Hữu Hoài khi đối thoại với PLVN.

- Cuối năm 2010, Quảng Bình phải trải qua đợt lũ lịch sử với nhiều thiệt hại nặng nề, ông có thể cho biết công tác khắc phục đến nay như thế nào?

"Là lãnh đạo, phải minh bạch và tăng cường “vi hành” ảnh 1
 
- Năm 2010, Quảng Bình đã bị thiệt hại nặng nề do cơn lũ lụt lịch sử gây ra. Nhưng nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các tổ chức, đồng bào trong và ngoài nước, cùng với nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân địa phương, những thiệt hại cơ bản đã được khắc phục, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường. Người dân ở những vùng bị thiệt hại nặng được hỗ trợ hoàn toàn về giống lúa để canh tác kịp vụ Đông Xuân.
Về cơ sở hạ tầng, ngoài những công trình cấp thiết đã được sửa chữa, nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, đặc biệt những đoạn bờ sông, cửa sông bị sạt lở nghiêm trọng về lâu dài cần được Trung ương đầu tư vốn để khắc phục.

Trong cơn lũ lụt, tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt tại các điểm nóng để chỉ đạo và động viên cán bộ, nhân dân.

Chứng kiến người dân gặp nạn mới thấu hiểu được nỗi cùng cực của bà con. Là địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, về lâu dài, Quảng Bình cần phải có sự trợ giúp của Chính phủ để xây dựng những công trình cao tầng như: Trụ ở xã, trạm y tế, trường học... để làm nơi phòng tránh bão lũ cho bà con mỗi khi thiên tai xảy ra.

- Đại hội Đại biểu lần thứ 11 của Đảng vừa kết thúc, là Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông có thể cho biết Quảng Bình đã quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của đại hội như thế nào?

- Sau khi Đại hội 11 kết thúc, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo phổ biến nhanh kết quả đại hội cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã phổ biến kết quả Đại hội cho toàn thể cán bộ chủ chốt của huyện, thành phố. Hiện các chi bộ, đảng bộ cơ sở đang cùng lúc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 lồng ghép phổ biến kết quả của Đại hội 11 của Đảng.

Quảng Bình xác định trọng tâm và mang tính đột phá trong thời gian tới là vấn đề xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, gồm hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, lưới điện, viễn thông...

- Thưa ông, một vài năm trước, Quảng Bình để xảy ra một số vấn đề khiến người dân địa phương xôn xao Trung ương phải vào cuộc. Chuyện cũ đã được xử lý, nhưng cá nhân ông và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những biện pháp gì để tránh những chuyện không hay xảy ra?

- Một vài năm trước đúng là Quảng Bình xảy ra một số vấn đề, nhưng là những vấn đề nhỏ. Có thể nói, trong quá trình điều hành thì không thể tránh khỏi sai sót. Mặc dù là những vấn đề nhỏ, nhưng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định nếu không được kiểm soát và xử lý, vấn đề nhỏ sẽ trở thành vấn đề lớn. Bởi vậy, chúng tôi xác định nguyên nhân và diễn biến của từng sự việc, từ đó, rút kinh nghiệm trong điều hành và các mối quan hệ trong xử lý công việc. Về cá nhân, trên cương vị người đứng đầu UBND, cơ quan hành chính cao nhất của tỉnh, tôi sẽ chỉ đạo và thực hiện minh bạch hóa mọi vấn đề, phát huy dân chủ, kỷ cương trong điều hành và quản lý.

- Ông có thể nói rõ hơn về quyết tâm của Quảng Bình?

- Quảng Bình là quê hương hai giỏi. Bác Hồ khi vào thăm đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân địa phương phải cố gắng phấn đấu trở thành một tỉnh mẫu mực. Lời căn dặn của Bác luôn được lãnh đạo và nhân dân Quảng Bình trăn trở, quyết tâm phấn đấu. Hiện nay, phát huy truyền thống và lòng tự trọng quê hương và thực hiện lời dặn của Bác, tập thể lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành chúng tôi có sự đồng thuận cao, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp đưa Quảng Bình thoát nghèo, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư những lĩnh vực trọng điểm, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội có những bước phát triển rõ rệt, giữ vững an ninh trật tự.

- Trong các yếu tố để tạo nên kết quả mà Quảng Bình hướng tới, chưa thấy ông đề cập đến công tác tư pháp. Chẳng lẽ công tác tư pháp lại “đứng ngoài cuộc” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình?

- Không phải như vậy. Nói rộng hơn về các yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh trật tự thì công tác tư pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Chứng minh rõ nét nhất ở Quảng Bình là khâu giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án. Nếu không làm được khâu này, dự án sẽ không thể triển khai và đương nhiên kinh tế địa phương sẽ không thể phát triển. Xác định đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp, nên ngoài việc quán triệt, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp lý cho cán bộ, Quảng Bình còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Bởi vậy, các dự án giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn liên quan đến chế độ chính sách, liên quan đến cuộc sống người dân, nhưng với quyết tâm cao, trách nhiệm với nhân dân và được nhân dân ủng hộ nên cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác giải quyết khiếu nại của người dân, nhờ vậy, trong năm 2010, số đơn thư được giải quyết khá triệt để nên tồn đọng không nhiều.

Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung so với các tỉnh phía Bắc được đánh giá ngày càng tốt hơn.

Ông Hoài đi thị sát tình hình trong đợt lũ lụt năm 2010 ở Quảng Bình
Ông Hoài đi thị sát tình hình trong đợt lũ lụt năm 2010 ở Quảng Bình
- Vậy vai trò của công tác thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn như thế nào. Thưa ông?

- Như tôi đã nói, nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nên hiện nay ở tỉnh chúng tôi có một Hội đồng làm nhiệm vụ giúp lãnh đạo tỉnh về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và cơ quan thường trực là Sở Tư pháp. Ngoài việc chú trọng đầu tư con người và kinh phí, chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề lâu dài, không thể làm xong trong ngày một ngày hai. Vì vậy, Hội đồng thống nhất là mỗi khi có văn bản quy phạm pháp luật, thì phải tích cực tập trung phổ biến, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin và các tuyền truyền viên cơ sở, đặc biệt là tuyến xã. Tuyến tỉnh ngoài việc hướng dẫn còn phải thường xuyên cập nhật và gửi tài liệu xuống để cấp huyện, xã phổ biến và áp dụng.

Về vấn đề Thi hành án dân sự thực sự hiện nay còn nhiều khó khăn. Mặc dù về chuyên môn và con người là của Bộ Tư pháp, nhưng để làm tốt công tác này chúng tôi ngoài việc quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, còn phải thường xuyên quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những vụ việc được thi hành, một số vụ việc liên quan đất đai vẫn tồn đọng, phải làm dần. Một cái khó nữa là vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất theo Nghị định 69, Nghị định 17, theo văn bản này, cơ quan đấu giá quyền sử dụng đất là Trung tâm đấu giá. Quảng Bình có 159 xã, phường, thị trấn thì phần lớn đều có vấn đề liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, đó là chưa nói đấu giá tài sản khác, nhưng hiện nay trung tâm đấu giá chỉ có 3 đấu giá viên, con số này là quá ít. Chúng tôi đề nghị Bộ Tư pháp tạo điều kiện bổ sung, đào tạo Đấu giá viên, bởi ngoài việc biên chế thì đấu giá viên còn phải được cấp chứng chỉ hành nghề.

Hiện nay, Quảng Bình là địa phương thực hiện khá tốt việc thực hiện văn bản pháp luật và chấp hành tốt việc ban hành văn bản. Có được điều đó là nhờ việc UBND tỉnh luôn coi trọng vai trò tham mưu của các ban ngành, đặc biệt là Sở Tư pháp. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật, sau khi Sở Tư pháp thẩm định thấy đúng với quy định về ban hành văn bản và không trái với các văn bản Luật, quy định của TƯ thì chúng tôi mới ban hành thực hiện.

- Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo. Với vai trò là người đứng đầu chính quyền địa phương, ông có chịu sức ép gì không?

- Thật lòng mà nói, là người đứng đầu UBND một tỉnh còn nhiều khó khăn tôi cũng chịu khá nhiều sức ép. Trong đó, sức ép lớn nhất là Quảng Bình vẫn chưa thoát được tỉnh nghèo, vì vậy, làm sao để trong vòng 5 năm nữa sẽ đưa Quảng Bình đạt mức trung bình của cả nước và có bước phát triển mới. Tuy nhiên, không phải vì sức ép mà tôi chùn bước, bởi quyết tâm của cấp ủy và chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở; đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, chúng tôi tin chắc sẽ thành công và sức ép đó sẽ sớm được giải tỏa.

- Không ít địa phương đưa quyết sách ra thì nhiều nhưng làm thì ít và không hiệu quả bởi lãnh đạo không sâu sát trong chỉ đạo và kiểm tra. Là Chủ tịch UBND tỉnh, ông nghĩ gì về văn hóa “vi hành” cơ sở?

- Theo tôi, “vi hành” là một trong những việc lãnh đạo phải thường xuyên làm. Với tôi, cố gắng mỗi tuần đều thu xếp thời gian đi về cơ sở một lần. Bởi lẽ, ngoài việc xuống địa phương kiểm tra công việc, còn có việc nghe phản ánh những vướng mắc ở cơ sở để từ đó có giải pháp xử lý đúng; đồng thời, những chủ trương của Đảng và Nhà nước khi triển khai ở cơ sở cần có những giải pháp cụ thể, sát thực, phú hợp với thực tế địa phương.

- Xin cảm ơn ông và chúc Quảng Bình sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Trần Đức (thực hiện)

Đọc thêm