“Lạc đường” vì “chạy theo” ứng dụng Võ Tắc Thiên?

(PLO) - Thời gian vừa qua, các trào lưu chỉnh sửa hình ảnh, tạo kiểu ảnh xuất phát từ các bộ phim ngoại "Võ Tắc Thiên" đang trình chiếu trở nên rầm rộ. Liệu một bộ phận người trẻ có đang bị “lạc đường” trong văn hóa tiếp nhận?
Kenny Sang phản cảm khi cố hóa trang thành Võ Tắc Thiên.
Kenny Sang phản cảm khi cố hóa trang thành Võ Tắc Thiên.
Ngập "Võ Tắc Thiên" trên Facebook
“Ứng dụng Võ Tắc Thiên” có lẽ là trào lưu được giới trẻ săn lùng nhiều nhất trong thời gian qua. Ứng dụng này của Trung Quốc, cũng xuất phát từ một bộ phim Trung Quốc đình đám là “Võ Tắc Thiên” kể về nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.  Nội dung phim không có gì mới mẻ nhưng điều đặc biệt khiến giới trẻ “phát sốt” là tạo hình lộng lẫy và gợi cảm của nhân vật Võ Tắc Thiên do diễn viên điện ảnh Trung Quốc Phạm Băng Băng thủ vai. 
“Ăn theo” bộ phim, ứng dụng Võ Tắc Thiên dành cho các dòng điện thoại thông minh khiến người dùng chỉ cần vài thao tác là có thể “trang trí” cho gương mặt mình những nét trang điểm giống tạo hình nhân vật mà Phạm Băng Băng thủ vai: mắt xếch, môi đỏ mỏng, trên trán có kí hiệu đặc biệt… Không chỉ đùa với ảnh gương mặt mình, nhiều bạn trẻ còn đùa bằng cách lấy hình em bé, thú nuôi để “trang trí” giống với Võ Tắc Thiên trong phim.
Hàng loạt phiên bản nhái Võ Tắc Thiên Phạm Băng Băng.
Hàng loạt phiên bản nhái Võ Tắc Thiên Phạm Băng Băng. 
Ngoài ứng dụng di động, nhiều bạn trẻ còn vẽ 3D, phác họa chân dung… theo hình mẫu từ bộ phim. Đáng nói, trào lưu này càng phát triển mạnh mẽ hơn với sự tham gia của một bộ phận sao Việt. Một thời gian, giới truyền thông và độc giả  “phát ngán” vì sao Việt như: Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh và ngay cả người đẹp chuyện giới Lâm Chí Khanh và “hot boy nổ” Kenny Sang…  liên tục tung ra các bộ ảnh hóa thân Võ Tắc Thiên. Cá biệt, có trường hợp một cô “hotgirl” đã phẫu thuật nhiều lần để chỉnh hình cho giống với Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thủ vai.
Ngoài “ứng dụng Võ Tắc Thiên”, ngay trước đó, một trào lưu khác cũng rầm rộ trong giời trẻ, đó là “trào lưu tóc đùi gà”, ăn theo hình ảnh nàng Tiểu Long Nữ trong bộ phim “Thần Điêu đại hiệp” phiên bản mới của Trung Quốc. Giới trẻ và hàng loạt “hot girl, hot boy” cũng thi nhau làm “tóc đùi gà” và khoe ảnh, trong đó có cả những tấm ảnh rất xinh đẹp nhưng không hiếm ảnh khiến người xem dở khóc dở cười.
Nghèo nàn trong cảm nhận văn hóa 
Đứng trước phong trào rầm rộ nói trên, bên cạnh một bộ phận giới trẻ lẫn “sao” Việt tham gia nhiệt tình, thì rất nhiều luồng ý kiến phản đối đến từ cư dân mạng. Đặc biệt là sự việc các “sao” đua nhau chạy theo trào lưu, tung hàng loạt bộ ảnh hóa thân thành các nhân vật trong phim Trung Quốc. 
Với Ngọc Trinh, ngoài sắc diện thiếu thanh tú, gương mặt cứng đơ thiếu biểu cảm hở hang quá mức, cô còn bị chê bai là “làm chuyện rỗi hơi, vô ích” và bị coi là “phiên bản xấu nhất của Võ Tắc Thiên”. “Hotboy” Kenny Sang thì dù đã “trang trí” khá nhiều vật lạ trên người như hoa, nơ… nhưng càng bị ném đá vì “nam không ra nam nữ không ra nữ”, “thảm họa văn hóa”, nhiều người còn cho rằng bộ ảnh hóa thân Võ Tắc Thiên của Kenny Sang như một sản phẩm lỗi của sự lai căng văn hóa.
Ngọc Trinh trong phiên bản nhái Võ Tắc Thiên
Ngọc Trinh trong phiên bản nhái Võ Tắc Thiên 
Kì công hơn, người đẹp chuyển giới Lâm Chí Khanh còn đưa cả một ê kíp xuống miền Tây để thực hiện bộ ảnh hóa thân Võ Tắc Thiên và quảng cáo rầm rộ cho bộ ảnh trước khi tung ra. Thế nhưng, trái với dự tính của cô nàng, dù bộ ảnh rất trau chuốt nhưng không nhận được sự phản hồi tốt từ phía dư luận, có chăng chỉ là lời chê “vô bổ”, “sính ngoại”…
Ăn theo trào lưu một cách đơn giản hơn, nhiều sao và giới trẻ chỉ sử dụng ứng dụng Võ Tắc thiên để chỉnh sửa nhan sắc của mình trên ảnh, trong đó có khá nhiều sao trẻ: Elly Trần, Minh Hằng, Sam, Tâm Tít… Tuy nhiên, ngay cả ứng dụng vui này cũng gây khó chịu cho cộng đồng mạng.
M.L. - một hot blogger chia sẻ: “Không khó chịu sao được khi sáng, trưa, chiều tối, ngày qua ngày, hễ cứ lên mạng, tham gia mạng xã hội là thấy toàn Võ Tắc Thiên, đẹp xấu, thanh, thô, cứ như không phải đang ở nước mình ấy, đến mức cứ muốn xóa sạch đi cho xong”. 
Nhiều lời chê trách cũng dành cho các bạn trẻ, rằng ham vui thì thì ham vui, nhưng cũng phải có giới hạn. Sự đổ xô vào các trào lưu mới lạ, ngoại lai và không bổ ích chứng tỏ sự nghèo nàn về cảm nhận văn hóa của một bộ phận giới trẻ Việt. Đặc biệt là các “sao”, những người có chút ảnh hưởng trong cách hành xử đối với các bạn trẻ. Còn phản ứng từ một bộ phận giới trẻ cho thấy, đối với họ, các trào lưu nói trên chỉ mang tính giải trí, cho vui và nhiều luồng dư luận đã “nâng quan điểm” quá đáng… 
Không biết cuộc tranh luận sẽ tiếp tục thế nào, nhưng trước mắt, với sự phản ứng mạnh của dư luận, có vẻ trào lưu nói trên đang chìm lắng đi.