Không kiểm chứng được độ chính xác, nhiều người trở thành nạn nhân của ma trận thông tin trên các sàn giao dịch điện tử…
Loạn thông tin
Chưa lúc nào, các website mua bán, rao vặt… lại nhiều như lúc này. Các chợ điện tử, siêu thị điện tử… xuất hiện trên mọi lĩnh vực kinh doanh. Chỉ cần một cái nhấn chuột, có thể dễ dàng tìm được các website giao dịch loại hàng hóa cần tìm, cũng dễ dàng tìm được các thông tin để so sánh, đối soát. Từ bữa ăn trưa tới tiện nghi nội thất sang trọng, từ chiếc đinh, đôi dép trị giá vài ngàn đồng tới biệt thự, trang trại trị giá nhiều tỷ đồng… đều có thể tìm được trên các website điện tử.
Thế nhưng, chính sự tin cậy của nhiều người đối với các website mua bán là cơ hội trục lợi bất chính của những kẻ có dụng ý xấu. “Có những mặt hàng chênh giá tới vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu ở những gian hàng khác nhau. Có những website mà sau khi phát hiện bán hàng dởm, người bán tìm lại đã không còn hoạt động nữa” – anh Chu Ngọc Hoan, admin website mua….net, cho biết.
|
Còn nhớ, khoảng tháng 05 - 06 vừa qua, trên nhiều trang mạng điện tử về rao vặt, mua bán, bất động sản, có người đã rao bán các suất nhà thu nhập thấp dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) của Vinaconex Xuân Mai. Khi đó, chủ đầu tư còn chưa công bố nhận hồ sơ mua nhà, và rõ ràng, thông tin mua bán nhà thu nhập thấp dự án Ngô Thì Nhậm nói trên là thông tin ảo.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án phải đăng trên website của mình lời thông báo trấn an dư luận, khi mà chủ đầu tư chưa có sản phẩm mà trên thị trường điện tử đã rao bán rầm rộ, hoặc giá được rao bán còn thấp hơn cả giá sàn dự án mà chủ đầu tư công bố.
Cũng phải là “khách hàng thông thái”
Nhiều khách hàng tìm kiếm các website điện tử và đọc những thông tin mình quan tâm, nhưng không phải ai cũng để ý quy định mà website đưa ra cho người bán và thông báo đối với khách truy cập. Tổ chức dưới dạng trang mạng xã hội, các website mua bán cho phép người bán truy cập và đưa thông tin trực tiếp lên mạng. Ông Trần Anh Tú, Giám đốc marketing Chodientu – mạng xã hội mua sắm được nhiều người biết tới, cho hay: “Hiện tại, ở phiên bản Chợ Điện Tử 2.0, với những tin đăng bán mới thì Chợ Điện Tử chưa thể xác minh ngay được thông tin sản phẩm người bán đăng lên có chính xác hay không. Tuy nhiên tất cả người bán khi đăng bán sản phẩm đều phải đồng ý thỏa thuận người dùng trước đó, tức là họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của nội dung đăng bán”.
Mô hình mà Chợ Điện Tử áp dụng cũng là mô hình của hầu hết các trang mạng mua sắm xã hội hiện nay, nơi mà website chỉ là cầu nối, trung gian, còn người đăng bán chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin, còn người mua cũng phải đủ “thông thái” để lựa chọn giao dịch. Đại diện website batdongsan.com.vn cũng giải thích, “các giao dịch giữa người mua với người bán, người thuê và cho thuê là giao dịch hoàn toàn độc lập và các cá nhân tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Chúng tôi không tham gia vào bất cứ quá trình giao dịch nào của các bên, chỉ là cầu nối thông tin để hai bên mua/bán gặp nhau”.
Nỗ lực và nghiêm túc loại bỏ những thông tin không trung thực hoặc có hàm ý thiếu lành mạnh, nhưng batdongsan.com.vn khuyến nghị khách hàng tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đưa đến quyết định của mình. Còn ông Tú thì nhận định, “người bán, để "sống" được lâu dài cần phải buôn bán đảm bảo, minh bạch, bởi tính tương tác với người dùng và giữa các người dùng với nhau trong phiên bản Chodientu 2.0 là rất cao; người mua hàng có quyền đánh giá, nhận xét... và chia sẻ những đánh giá về sản phẩm/người bán với cộng đồng".
Có một khoảng trống pháp lý
Mô hình tổ chức của các trang mạng điện tử như trên có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm nhiễu loạn thông tin về dự án nào đó hoặc nâng hay giảm giá sản phẩm trên thị trường. Điều đó khiến người mua mất lòng tin, không biết đâu là thật đâu là giả, thậm chí có thể bị lừa đảo.
Hiện tại, người mua hàng trên website phải tự chọn, tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Thế nhưng, một biện pháp quản lý thông tin tốt sẽ giúp người dùng yên tâm hơn về môi trường thông tin điện tử. Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội cho biết, Sở cũng đã biết và nhận được nhiều lời than phiền về thông tin giả giả thật thật trên các trang mạng xã hội, có những thông tin gây nên hệ lụy có thực. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa nội dung này vào chương trình công tác, và Sở sẽ có kế hoạch kiểm tra, rà soát và cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu trách tìm ra biện pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả và làm trong sạch môi trường thông tin trên các trang mạng xã hội kiểu này” – ông Bản nói.
Hoàng Thủy