Lai Châu: Bứt phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

(PLVN) - Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Lai Châu năm 2020 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đòi hỏi khả năng tập trung lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân.

Trải qua 17 năm kể từ ngày Quốc hội ra Nghị quyết chia tách tỉnh Lai Châu thành tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu mới, toàn Đảng, các cấp chính quyền cùng nhân dân đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, xuất phát điểm thấp, các thành phần kinh tế còn khó phát triển trong sản xuất, kinh doanh.

Theo kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Lai Châu năm 2019 đạt 59,95/100 điểm, xếp ở vị trí cuối cùng trong 63 tỉnh thành. Với kết quả này, Lai Châu thuộc nhóm chất lượng điều hành tương đối thấp và đứng cuối trong số các tỉnh thuộc Khu vực miền núi phía Bắc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Lai Châu còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Theo đánh giá, phân tích của nhóm các chuyên gia thực hiện PCI 2019, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, đó là: tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, tìm kiếm nhân sự thích hợp, tìm kiếm đối tác kinh doanh và biến động thị trường.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, khó khăn của doanh nghiệp sẽ không chỉ trong năm 2020 bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Laichau.gov.vn

Từ đầu năm, Lai Châu rất tích cực triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trước tình hình dịch Covid-19. UBND tỉnh Lai Châu kịp thời ban hành một số văn bản nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Công văn số 1584/UBND-TH ngày 5/8/2020 về trả lời kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lai Châu; Công văn số 1505/UBND-KTN ngày 28/7/2020 chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh, cải thiện môi trường kinh doanh theo Công điện số 5452/CĐ-VPCP ngày 06/7/2020 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch số 1378/KH-UBND ngày 08/7/2020 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2020.

Tỉnh Lai Châu xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, quan trọng phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, trong đó có vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên môn có chức năng. Mục tiêu phấn đấu tăng điểm tất cả các chỉ số thành phần, đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm trung bình của cả nước năm 2020.

Bên cạnh đó, công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tiêu biểu như việc tổ chức tọa đàm phân tích, đánh giá chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019. Tại tọa đàm, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá, PCI năm 2019 của tỉnh tuy đạt thấp nhưng có những chỉ số thành phần là những điểm sáng và có điểm số rất cao so với các tỉnh, thành phố khác như chỉ số gia nhập thị trường tăng 0,83 điểm so với năm 2018 và đứng thứ 10/63. Đây là một thế mạnh mà tỉnh cần phát huy hơn nữa.

  Một góc TP Lai Châu. Ảnh: baolaichau.vn

Với nỗ lực cùng quyết tâm cao độ, kết quả trong 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh Lai Châu đã cấp đăng ký thành lập mới cho 82 doanh nghiệp, lũy kế trên toàn tỉnh đạt 1.544 DN, trong đó có 1.167 DN kê khai thuế, chiếm 75,6% tổng số doanh nghiệp; thành lập mới 28 hợp tác xã (HTX), tăng 13 HTX so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số HTX trên toàn tỉnh lên 326 HTX, trong đó có 230 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số thuế do các doanh nghiệp nộp ngân sách ước đạt trên 730 tỷ đồng.

Hoạt động thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo, các cấp, các ngành tăng cường công tác hướng dẫn thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm đã phê duyệt chủ trương đầu tư 25 dự án với vốn đăng ký đầu tư 5.949 tỷ đồng, tăng 06 dự án so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 243 dự án với tổng vốn đầu tư 122.210 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế, tỉnh Lai Châu cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. 

Đặc biệt, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh mục các dự án trọng điểm có nhiều tiềm năng - lợi thế tại Lai Châu; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường lân cận để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Đọc thêm