Trần lãi suất huy động đã giảm về mức tương đương của năm 2004 - 2005.
Không giảm thêm trần lãi suất huy động
Sau khi bốn ngân hàng quốc doanh lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank lần lượt điều chỉnh lãi suất, chính sách điều hành cũng đã nhập cuộc để cùng tạo hiệu ứng cộng hưởng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ-NHNN ngày 10/5/2013 giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 9%/năm xuống 8%/năm.
Trong khi đó, tại thông tư số 10/2013/TT-NHNN ngày 10/5/2013, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm. Các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2013.
Lý giải về việc không giảm lãi suất huy động trong lần cắt giảm lãi suất lần này, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước không giảm trần lãi suất huy động vì lạm phát tháng 4 giảm không đáng kể nhưng so với cuối năm vẫn tăng 2,41%, so với cùng kỳ là 6,61%. Mức tăng khá giống năm 2012 kỳ vọng chung đánh giá lạm phát năm 2013 khoảng 6,5%, do đó trần lãi suất 7,5% vẫn phù hợp với kỳ vọng lạm phát và phù hợp với lợi ích của người gửi tiền. “Qua trao đổi với ngân hàng thương mại thì mức trần lãi suất huy động hiện nay đã trở về thời kỳ năm 2004 – 2005” – bà Hồng nói.
Các ngân hàng sẽ từng bước hạ lãi suất
Nhận định về tác động của việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động ngắn hạn, ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc BIDV – cho rằng, điều này là cần thiết với những hoạt động của các ngân hàng thương mại nhỏ nhưng không tác động nhiều lắm tới việc huy động vốn trên toàn thị trường. “Đường cong lãi suất bắt đầu suất hiện, các NHTM có lượng vốn ổn định đã đưa lãi suất tiết kiệm xuống từ 6 - 7%/năm” – ông Tú nói – “BIDV tiếp tục hạ lãi suất các lĩnh vực ưu tiên xuống 10%, và sẽ quyết định giảm xuống 13%/năm đối với các đối tượng vay vốn khác”.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam VCB, ông Phạm Quang Dũng, cho biết, VCB sẽ có bước đi trong hạ lãi suất, và các khoản vay có dư nợ trên 13%/ năm đều được hạ xuống dưới 13%/năm từ ngày 13/5. “Hiện không có dư nợ lãi suất trên 15%/năm, các khoản cho vay mới và hiện tại tối đa cũng chỉ 13%/năm” – ông Dũng cho hay – “VCB tiếp tục cân nhắc xem xét khả năng giảm lãi suất tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô. Nhìn vào lịch sử thì đây là mặt bằng lãi suất thấp nhất từ 2006 đến nay. Dư địa hạ lãi suất không còn nhiều”.
Đại diện của VCB cũng cho rằng, cùng với việc giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm thì lãi suất các khoản vay mới khoảng 11%/năm. VCB sẽ có chính sách lãi suất tùy từng nhóm khách hàng sau khi đã xếp hạng tín dụng nội bộ. Hiện tại, tại VCB, lãi suất cho vay ngắn hạn cố định đều dưới 11%/năm, lãi suất trung dài hạn trên 11%/năm, còn các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm có số dư trên 50 ngàn tỷ đồng.
Từ 13/5, một ngân hàng lớn khác là Agribank cũng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động vốn 7%/năm cho kỳ hạn dưới 12 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.Ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, các khoản vay từ 13-15%/năm của Agribank còn lại khoảng 48% tổng dư nợ. Nếu các doanh nghiệp có giải pháp trả nợ thì ngân hàng sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất.
Về việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ xuống còn 15%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho hay, tỷ trọng cho vay ở mức trên 15% các khoản vay cũ đến nay chỉ chiếm khoảng 14%. Thống đốc tiếp tục có đề nghị và kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm về mức 13% theo mong muốn của doanh nghiệp và người vay vốn. NHNN sẽ theo dõi, xem xét các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. |
Bách Nguyễn