Lãi suất: "Ăn ở hai đầu"?

Sáng qua - 21/5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tập trung vào 3 vấn đề chính.

Sáng qua - 21/5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tập trung vào 3 vấn đề chính là nội hàm của chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và thẩm quyền của Thủ tướng, Chủ tịch nước và Thống đốc NHNN đối với chính sách này; qui định về lãi suất cơ bản trong điều kiện không khuyến khích quan hệ vay mượn trên thị trường phi chính thức; thẩm quyền sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối theo nguyên tắc Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước.

ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) đặt vấn đề:  “Cơ chế lãi suất là quan trọng để điều chỉnh đồng tiền một cách mềm mại. Hiện chúng ta đang đổi mới NHNN theo hướng vừa là NHNN vừa là Ngân hàng Trung ương nên dù dùng lãi suất cơ bản điều hành hay dùng lãi suất thỏa thuận thì đồng tiền cũng “nhảy sốc” lên trong khi đáng lẽ phải vận hành mềm mại. Theo tôi, cơ chế lãi suất thời gian qua giống như NHNN“ăn ở hai đầu”.

Ông Dung cho rằng, không chỉ chưa có cạnh tranh lãi suất mà thậm chí còn có sự thao túng đồng tiền. Do đó, nên qui định lãi suất đầu ra của ngân hàng thương mại là thỏa thuận theo thị trường, phần ngân hàng được hưởng trong lãi suất đó. Có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ khác (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc…) để điều tiết nền kinh tế, không nhất thiết phải dùng lãi suất cơ bản.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) thì nêu ý kiến: “Để lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, NHNN phải qui định điều kiện khắt khe để ngân hàng thương mại khi thành lập có thể hoạt động tốt. Hơn nữa, DN muốn vay vốn phải hoạt động hiệu quả. Do đó, nên bỏ chính sách lãi suất cơ bản trong điều kiện thị trường bình thường”.

Từ góc nhìn của một người rất am hiểu lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng có bất thường thì có thể can thiệp bằng lãi suất.

w

Ông Kiêm (ảnh bên) nói: “NHNN công bố lãi suất cơ bản trên cơ sở lãi suất thương mại, là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, phục vụ cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn cho vay nặng lãi. NHNN không can thiệp vào lãi suất của Ngân hàng thương mại nhưng nếu có bất thường của nền kinh tế thì có thể can thiệp bằng lãi suất để không gây rối loạn, đảm bảo bình đẳng trên thị trường”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, những vấn đề của dự thảo Luật chưa nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH sẽ được lấy ý kiến thông qua phiếu, để chỉnh lý, hoàn thiện và thông qua vào kỳ họp thứ 8./.

H.G

Đọc thêm