“Đây là một chỉ tiêu tổng hợp, nếu hạ được lãi suất cho vay xuống 12 %/năm một cách bền vững thì đã thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu vỹ mô quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GDP, giảm bội chi ngân sách, giảm thâm hụt thương mại, ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát được lạm phát, phát triển thị trường chứng khoán, đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước…” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI khẳng định
|
Ngành Tài chính và Ngân hàng nên cùng nhau xúc tiến việc điều tra các khoản nợ xấu. Ảnh minh họa |
“Hút” dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư
Giải pháp đầu tiên để hạ lãi suất xuống mức 12%, theo VAFI, là phải có cơ chế chính sách để tăng cường thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời có cơ chế ngăn cản dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào những kênh không có lợi cho nền kinh tế như đầu tư vàng ngoại tệ, bất động sản…
Theo VAFI, hiện dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và TTCK chỉ khoảng 35%, số còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi cho nền kinh tế, trong khi con số này tại các nước là khoảng 90% (cơ cấu đưa vào ngân hàng và TTCK là 7:3).
Bên cạnh đó, cần xác định lại mức độ bội chi ngân sách hàng năm và chỉ tiêu phát hành trái phiếu chính phủ (có tính cả các khoản bảo lãnh) ở mức hợp lý. “Không nên xem chỉ tiêu nợ quốc gia/ GDP bằng khoảng 50% là ngưỡng an toàn (theo thông lệ quốc tế) vì lãi suất huy động trái phiếu chính phủ của ta gấp 3 lần so với các nước, điều đó đồng nghĩa với việc tiền lãi phải trả gấp 3 lần so với các nước...”- ông Hải phân tích. Ngoài ra, cần nhanh chóng cắt giảm và hạn chế tối đa việc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp (DN); có kế hoạch đề xuất với Chính phủ cân bằng ngân sách trong 5 năm tới.
Trong văn bản đề xuất của mình, VAFI cũng cho rằng ngành tài chính và ngân hàng nên cùng nhau xúc tiến việc điều tra các khoản nợ xấu đang gia tăng trong hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có số liệu chính xác, để từ đó nhanh chóng có giải pháp nhằm xử lý nhanh các khoản nợ xấu trong một số ngành kinh tế đang gặp khó khăn ;
Chất dứt cung cách quản lý vàng theo kiểu cho xuất nhập khẩu
“Vừa qua NHNN lấy ý kiến công luận về Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng, thông điệp chính sách này đã không thành công, bằng chứng là trong thời gian gần đây và nhất là những ngày vừa qua thị trường kinh doanh vàng miếng lại nhảy múa và đã tác động tới thị trường ngoại hối, vì thế dự thảo nghị định này chưa thể được ban hành và cần sửa đổi toàn diện,”- VAFI nhận định. Đề xuất được đưa ra là phải có giải pháp để kiểm soát triệt để thị trường vàng, “chấm dứt cung cách quản lý theo kiểu cho xuất vàng và nhập vàng”.
Ngoài ra, VAFI đề xuất cần nhanh chóng có qui định thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, tiếp tục khống chế và hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong khu vực dân cư xuống mức 1%/năm. Để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại có cơ hội nhiều hơn trong việc huy động vốn, nên tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 35%/vốn điều lệ, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần không có quyền biểu quyết ở mức 10%/vốn điều lệ. Có cơ chế chính sách để giảm từ 15%- 20% số lượng các ngân hàng cổ phần thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, giải thể và quốc hữu hóa (thông qua việc thâu tóm từ ngân hàng cổ phần nhà nước) nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại…
Ưu tiên “cứu” chứng khoán
Trước thực trạng TTCK èo uột, ảm đạm, nhiều chức năng cơ bản của TTCK, như kênh huy động vốn cho DN, hay duy trì niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản… đã gần như bị vô hiệu, VAFI khẩn thiết đề nghị: “TTCK không thể không quan tâm đặc biệt vì nó là mặt trận kinh tế hàng đầu, phát triển được TTCK thì hệ thống DN, trong đó có hệ thống ngân hàng sẽ được bơm vốn, tăng khả năng tài chính đồng thời có điều kiện giảm giá thành sản phẩm và là điều kiện tiên quyết để hạ lãi suất cho vay”.
Ngoài ra, VAFI cũng cho rằng một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu cần làm ngay là phải sử dụng công cụ thuế và phí để chống nhập siêu, khuyến khích xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho một số ngành kinh tế (như ngành sửa chữa đóng tàu, vận tải biển, sản xuất xi măng; ngành kinh doanh vận tải công cộng, ngành chăn nuôi…)
“Thực ra mức lãi suất 12% đã từng tồn tại trong giai đoạn 2003 – 2007 và trong các năm 2006, 2007 – thời kỳ hoàng kim của TTCK Việt Nam khi tiền đi tìm dự án chứ không phải như bây giờ là dự án đi tìm tiền. Bây giờ đưa mức lãi suất cho vay về 12%/năm có khó lắm không? Rất khó trong bối cảnh kinh tế hiện nay và khó nếu như các bộ trưởng không xác định được đầy đủ hệ thống giải pháp cần thiết để thực thi…”- Tổng thư ký VAFI, ông Nguyễn Hoàng Hải quả quyết.
Thanh Thanh